Hội chứng buồn chân và cách chữa trị
18:09' 17/11/2003 (GMT+7)

"Hàng đêm, lúc sắp ngủ, tôi lại có cảm giác buồn bực, khó chịu ở chân. Massage chân đôi lúc cũng đỡ, nhưng thường thì tôi phải bước ra khỏi giường và đi dạo. Vì thế, tôi thường xuyên mất ngủ và lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi". Đây là tâm sự của một người bị "hội chứng buồn chân". Vậy, "hội chứng buồn chân" là gì?

Hội chứng buồn chân sẽ khiến bạn luôn cảm thấy bứt rứt.

"Hội chứng buồn chân" không phải là một chứng bệnh hiếm gặp: cứ 12 người thì có 1 người mắc phải. Hội chứng có 4 đặc điểm chính sau đây:

- Chân có cảm giác bứt rứt (nhưng không đau), khiến cho người bệnh luôn phải ngọ nguậy chân. Thỉnh thoảng, cảm giác này còn xuất hiện ở tay.

- Triệu chứng bắt đầu xuất hiện khi người bệnh nghỉ ngơi. Chỉ đến khi vận động chân hoặc đi lại thì người bệnh mới dần mất đi cảm giác khó chịu.

- Triệu chứng trở nên trầm trọng hơn từ khi trời bắt đầu tối, đặc biệt là khi người bệnh nằm xuống (kể cả khi chưa đi ngủ).

- Ngón chân, bàn chân hoặc cả chân ngọ nguậy, giống như khi đang sốt ruột chờ đợi điều gì đấy.

Khi đi ngủ, chân người bệnh thậm chí còn giật giật khiến họ tỉnh giấc, đồng thời làm cho vợ (hoặc chồng) cũng không ngủ được. Nếu điều này liên tục xảy ra, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người bệnh lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi.

Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây nên hội chứng buồn chân. Qua nghiên cứu, các bác sĩ nhận thấy rằng có thai là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Nhiều phụ nữ bắt đầu có cảm giác bứt rứt ở chân trong 3 tháng cuối cùng của kỳ mang thai, và cảm giác này hoàn toàn biến mất sau khi sinh. Bên cạnh đấy, thiếu sắt và thiếu máu cũng có thể gây nên hội chứng kỳ lạ này. "Hội chứng buồn chân" có khả năng dẫn một số bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, Parkinson và viêm khớp.  

Để chữa trị, người bệnh cần phải thay đổi một số thói quen trong cuộc sống. Caffeine, cồn và thuốc giảm đau có thể làm cho bệnh thêm trầm trọng, vì thế cần phải hết sức hạn chế đồ uống có caffeine (cà phê, chè, chocolate nóng, nước ngọt) và có cồn, ít nhất là cho đến khi hết bệnh. Bên cạnh đấy, người bệnh nên rèn luyện thói quen thường xuyên đi ngủ đúng giờ, ngủ ở nơi thoáng mát, yên tĩnh. Vài tiếng trước khi đi ngủ, người bệnh nên tập thể dục nhẹ nhàng. Nếu sau khi làm theo các hướng dẫn trên mà bệnh vẫn không thuyên giảm, người bệnh nên đi khám bác sĩ.

(Khánh Hà - Theo BBC)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi