Ca ghép gan bước đầu thành công tốt đẹp
(VietNamNet) - "Khi nối xong các tĩnh mạch, gan cháu Diệp đã đỏ hồng rất đẹp. Anh Phòng đã sinh ra con lần thứ 2. Tôi hy vọng với thành công của ca ghép gan này, y học Việt Nam sẽ mau chóng hội nhập được với nền y học tiên tiến của thế giới". GS Lê Thế Trung đã trao đổi với báo chí như vậy lúc 22h30.
Ca mổ bắt đầu từ 8h30. Đến giờ, các bác sĩ đang tiến hành khép vùng bụng cháu Diệp. Đến 00h ngày 01/2, các công đoạn của ca mổ sẽ hoàn tất.
GS Trung cho biết thêm, với thành công của ca ghép gan, hy vọng sẽ có nhiều ca ghép như vậy được tiến hành tại các bệnh viện trong toàn quốc.
Ngay sau khi GS Lê Thế Trung khẳng định ca ghép gan đã thành công, chúng tôi đã liên lạc với gia đình cháu Diệp ở Nam Định. Cả nhà lúc này đã ăn cơm và ba gian nhà vẫn đông nghẹt người ngóng chờ tin của ông nội báo về và chương trình Thời sự 23h của Truyền hình Việt Nam. Chị Thoa, mẹ cháu Diệp, từ sáng đến giờ giọng khá bình tĩnh, lúc này cũng đã nghẹn đi.
Học viện Quân y đã chuẩn bị 23 lít máu dự phòng nhưng chỉ phải dùng có 1 lít. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã sử dụng 300 mm tiểu cầu, 2.500 mm huyết tương và 1 lít máu đề truyền cho cháu Diệp.
22h30, các bác sĩ tiến hành khép vùng bụng cháu Diệp.
21h10, tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Học viện Quân y cho biết, giai đoạn nguy kịch nhất của ca mổ là cắt gan cháu Diệp đã qua như vậy. Hiện nay, ba bác sĩ Việt Nam đang hoàn tất khâu cuối quá trình vi phẫu.
Cũng theo tiến sĩ Lượng, trong quá trình mổ không phải tiếp máu cho anh Phòng. Còn cháu Diệp đến giờ phút này chỉ tiếp chưa đầy 1 lít máu. Công việc khó nhất là phải cắt gan cháu Diệp do cháu đã qua 1 lần phẫu thuật, nguy cơ chảy máu rất cao. Nhưng đến nay, giai đoạn nguy kịch nhất cũng đã qua. Trong quá trình mổ, gan của cháu dính vào cơ hoành, ruột nên đã rách một phần màng phổi.
Công đoạn nối vi phẫu hoàn toàn do 3 bác sĩ Việt Nam đảm nhiệm. Nhóm bác sĩ gồm: Vũ Quang Vinh, Trịnh Cao Minh và Vũ Nhất Định (bác sĩ Vinh và tiến sĩ Minh tốt nghiệp ở Nhật, bác sĩ Định làm ở Viện 103). Cũng theo tiến sĩ Lượng, sau ca mổ, điều đáng ngại nhất đối với cháu Diệp là chảy máu sau mổ và tắc động mạch nối. Sau 15 ngày nữa mới có thể nói được chính xác tình hình sức khoẻ của cháu.
Theo tiến độ như hiện nay, ca mổ sẽ kết thúc vào lúc 22h30.
20h, các bác sĩ tiến hành nối đường mật cho cháu Diệp sau khi hoàn tất nối tĩnh mạch và động mạch. 19h45 phút, anh Phòng đã được chuyển sang phòng hậu phẫu.
Việc nối đường mật được hỗ trợ với kính vi phẫu. Các bác sĩ đã dùng loại chỉ y tế 080 để khâu các đường nối.
Trong phòng mổ có 4 kỹ thuật viên, 2 người gây mê, một nhân viên đưa đạo cụ và 19 chuyên gia phụ trách điều khiển máy móc. Vai trò của 2 người gây mê rất quan trọng, họ phải giữ để Diệp không hôn mê quá sâu.
19h30, các bác sĩ tiếp tục nối động mạch trên gan cho Diệp sau khi hoàn tất nối tĩnh mạch. Sức khoẻ anh Phòng đã ổn định.
Khâu ghép gan cho bé Diệp bao gồm 3 công đoạn: nối tĩnh mạch, nối động mạch và nối ống mật. Mỗi công đoạn kéo dài khoảng 1 giờ, trong đó khó khăn nhất là công đoạn nối động mạch. Bởi vì khi nối động mạch thì áp lực trong máu rất lớn (gần bằng một máy bơm nước), nếu không cẩn thận thì động mạch sẽ bị vỡ.
18h10,
các bác sĩ bắt đầu đưa gan của anh Phòng vào bụng cháu Diệp sau khi tạo hình tĩnh mạch.Bác Nguyễn Quốc Được, ông nội Diệp, quá sốt ruột nên chốc chốc lại chạy lên chạy xuống giữa 2 khu nhà cao tầng dành cho báo chí và khu mổ dù khu vực mổ đã bị cách ly. Ông đã mượn được điện thoại di động và gọi về gia đình. Hai người cháu họ của ông cũng sốt ruột không kém, nét mặt luôn căng thẳng, nhất là những lúc hình ảnh trên màn hình mờ đi hoặc bị bóng phẫu thuật viên che khuất. "Tập thơ" của ông nội cháu Diệp đã dài tới 6 trang, bỏ ngỏ với lời động viên: "Con Phòng ơi, cháu Diệp, hãy cố lên". Trong cuốn sổ thơ đặc biệt của bác, chúng tôi thấy những dòng chữ xiêu vẹo:
"Đoạn đường vẫn đi sao hôm nay dài dằng dặc
Đi đi mãi tưởng chùng chân muốn khuỵu
Vào hội trường Viện Bỏng đợi chờ con
Hãy vững tin, yên tâm tuyệt đối
Con Phòng ơi, cháu Diệp, hãy cố lên"
Lúc này, cả ba gian nhà anh Phòng ở xóm 8, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định cũng đã chật kín người. Đến giờ, cả nhà, kể cả hai bà nội ngoại vẫn chưa ai ăn uống gì kể từ tối hôm qua. Không theo dõi được tin tức về ca mổ qua tivi hay internet nên tất cả mọi người đều hướng vào điện thoại đặt ở gần bàn uống nước. Lúc 17h30, ông Được gọi điện về thông báo: "bố cái Diệp đã được khâu bụng xong và không có sự cố gì".
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, đang chăm chú theo dõi ca mổ qua màn hình cho VietNamNet biết, ông đã chứng kiến một số ca ghép gan ở nước ngoài. So với các ca mổ đó, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam đang tiến hành đúng quy trình và tiến độ. Bệnh viện đã cử 12 giáo sư, bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy đã tới Viện Bỏng tham gia ca ghép gan lịch sử này, chỉ có 2 người tham gia ca mổ, 10 người còn lại theo dõi qua phòng truyền hình dành cho giới chuyên môn để học tập kinh nghiệm. Bác sĩ Hải cho biết, có thể vào cuối năm nay, bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tiến hành ca ghép gan.
Theo dự kiến, các bác sĩ cắt 1/3 gan của anh Phòng ghép cho Diệp nhưng trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ quyết định lấy cả lá gan trái. Đến 16h30, việc chia tách đã hoàn thành, nửa lá gan đang được mang đi rửa. Phòng bên cạnh, cháu Diệp cũng đang được lấy hết phần gan hỏng ra để chuẩn bị nhận gan bố.
Kíp mổ đang tách gan người cha. |
14h, các bác sĩ đang làm những động tác cuối cùng tách gan người bố sau khi hoàn thành việc phẫu tích mạch máu đường mật ở vùng cuống gan để lấy mảnh ghép.
11h15, các bác sĩ đã mở được thành bụng của bé Diệp để tiếp cận với gan. Các bác sĩ đã mất khá nhiều thời gian để thắt cuống gan cho cháu.2 kíp phẫu thuật vẫn làm việc thông trưa. Các bác sĩ phục vụ thay phiên nhau tranh thủ ăn cơm hộp. Nhóm hậu cần đã chu đáo gọi cơm từ phố Huế, Hà Nội vào. phòng truyền hình trực tiếp dành cho các bác sĩ chuyên môn cũng đã vắng hơn do mọi người đi ăn trưa. Còn các phóng viên vẫn kiên nhẫn tác nghiệp tại trung tâm báo chí.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với gia đình cháu Diệp. Đến lúc này, cả nhà hơn chục người vẫn ngồi trực bên máy điện thoại cố định của gia đình, chưa ai ăn cơm trưa. Chi cho hay, cả nhà nhịn cơm từ tối qua đến giờ vì hồi hộp theo dõi tin tức của cháu. Lúc 11 giờ, ông nội cháu là Nguyễn Quốc Được gọi điện thoại về lần thứ 2, báo tin: bố đã mổ xong. Ông chỉ nói ít và khóc. Qua điện thoại, giọng chị Thoa, mẹ cháu khá bình tĩnh. Nhưng sau đó, quá sốt ruột, chị lại hỏi xin số điện thoại của phóng viên đang tác nghiệp nơi ca mổ đang tiến hành để biết thông tin mới.
Tại Viện Bỏng quốc gia, phóng viên VietNamNet đã gặp được ông nội cháu Diệp đang ngồi theo dõi ca mổ cùng với hai người cháu họ. Chiều qua, ông đã trò chuyện với cháu Diệp và con trai. Ông đã động viên anh Phòng và cháu yên tâm, các bác sĩ đã chuẩn bị chu đáo cho ca mổ. Sáng nay, ông tỉnh dậy từ 2 giờ và vào bệnh viện từ 5 giờ sáng. Trước khi tiến hành ca mổ, bác sĩ Lê Thế Trung Ông Được theo dõi liên tục diễn biến ca mổ trên màn hình. Ông đã cẩn thận ghi chép mọi cảm xúc của mình trong ca mổ vào một cuốn sổ. "Chưa bao giờ trong đời tôi có những tâm trạng đặc biệt như lúc này, và tôi muốn lưu giữ từng giây, từng phút". Ông Được nói.
Sau công đoạn phẫu tích gan, các bác sĩ sẽ tiến hành hạ gan, cắt các dây chằng, bộc lộ các thành phần cuống gan (ống mật chủ, tĩnh mạch cửa, động mạch gan) và cắt bỏ phần gan bị bệnh. Công đoạn cắt bỏ phần gan bị bệnh mất khoảng từ 3-4 tiếng. Cháu Diệp bị chít hẹp đường mật bẩm sinh nên bị xơ gan mật. Cháu đã được phẫu thuật Kasai (nối ruột với cửa gan) hồi mới 3 tháng tuổi.
10h45, GS Masatoshi Makuchii vào phẫu tích cuống gan để bóc tách các mạch máu. Phòng mổ hiện đang khá đông và GS tỏ ý nên đưa bớt người ra. Ở phòng bên cạnh, kíp mổ đã bắt đầu tiến hành "mở bụng" cháu Diệp.
Quá trình rạch để lấy gan được thực hiện bằng dao chuyên dụng kusa. Đây là loại dao u mổ siêu âm vừa cắt, hút và cầm máu. Vết rạch đến đâu được cầm máu đến đấy.
Trước đó ít phút, các phim X - quang của cháu Diệp đang được các bác sĩ xem xét lại để hội chẩn lần cuối cùng. Phòng mổ đã được tiến hành chải xăng. Các bác sĩ cũng đã đo xong các chỉ số tim mạch cho Diệp sau khi gây mê.
Lúc 9h50, các bác sĩ đã tiến hành rạch để lấy gan từ cơ thể anh Phòng, người hiến tạng. Theo dự kiến, ca mổ bắt đầu từ lúc 8h30. Nhưng do gây mê và quá trình xác định vết rạch ở người cho gan cần phải chính xác nên ca mổ tiến hành chậm hơn 40 phút.
Chúng tôi cũng đã liên lạc với gia đình anh Phòng. Cả họ hàng nội ngoại đang tập trung tại nhà anh và hồi hộp mong tin về ca mổ. Chị Phạm Thị Thoa, mẹ cháu Diệp cho biết, tin tức về ca mổ được ông nội, hiện đang ở Viện Bỏng gọi về từ điện thoại công cộng của bệnh viện.Ông mới báo tin một lần lúc 7h.
Cách đây 2 ngày, từ ngày 6 - 8 Tết, chị đã gặp chồng và con. Hai mẹ con đã nói chuyện rất nhiều. Cháu Diệp còn động viên mẹ không nên quá lo lắng. Bà Nguyễn Thị Được, bà nội cháu Diệp cho hay, hôm trước, qua điện thoại, Diệp cũng đã dặn bà "can đảm lên, đừng lo sức khoẻ cháu yếu, cháu chịu đựng được". Bà Được nói thêm,ban đầu, ông nội là người đầu tiên xung phong hiến gan cho cháu.
Chị Thoa và cả gia đình cũng gửi lời cảm ơn tới tập thể y bác sĩ và Nhà nước đã tạo điều kiện giúp đỡ để cháu Diệp được ghép gan.
Theo GS Phạm Tử Dương, chuyên gia tim mạch Viện 108, quá trình gây mê sẽ kéo dài suốt ca mổ, nhưng không ảnh hưởng gì đến hệ hô hấp và sức khoẻ của bệnh nhân. Cháu Diệp giãy giụa và la khóc khi được đưa lên bàn gây mê là do sợ hãi. Khi ca mổ kết thúc, cháu có thể tỉnh táo lại ngay và mọi chức năng đều không bị ảnh hưởng.
Theo GS Dương Thịnh, nguyên chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật thực hành, Học viện Quân y, khâu khó nhất của ca ghép gan là giai đoạn tách gan của cháu bé và nối gan vì giai đoạn này liên quan đến tĩnh mạch, động mạch và đường dẫn mật.
9h, cháu Diệp đã khóc và giãy giụa trong khi đang được gây mê. Bên cạnh đó, bố cháu đã được gây mê xong. Hiện tại, các phẫu thuật viên của 8 kíp phẫu thuật chính ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam đã được phân công vào đúng vị trí của mình.
Hội trường A Học viện quân y đang ''sôi'' lên khi phóng viên các báo ''tụ'' về để đưa tin ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam. Người được ghép gan là bé Nguyễn Thị Diệp, 10 tuổi, ở Hải Hậu, Nam Định. Người cho gan là cha của bé: anh Nguyễn Quốc Phòng, 31 tuổi. Mọi việc đã sẵn sàng cho ca phẫu thuật bắt đầu từ 8h30 sáng nay. Ngoài phòng truyền hình trực tiếp này, còn có 1 phòng trực tiếp khác dành cho bác sĩ chuyên môn.
Hai nhân vật của ca ghép gan lịch sử: bé Nguyễn Thị Diệp và cha - người cho gan. |
7h sáng, cháu Diệp và bố đã được đưa từ phòng cách ly sang khu mổ tại Khoa phẫu thuật tạo hình, Viện Bỏng Quốc gia (thuộc Học Viện Quân Y).
Hiện các bác sĩ đang tiến hành gây mê xong. Ca mổ được phân thành 8 kíp chính, gồm: Kíp mổ lấy mảnh gan ghép (4 người), kíp gây mê (6 người), kíp rửa gan: (4 người), kíp cắt gan bệnh lý (3 người); kíp hồi sức miễn dịch, kíp ghép gan 5 người, kíp vi phân (3 người) và kíp siêu âm (3 người).
Chiều qua, GS Masatoshi Makuchii, chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan Mật và Trung tâm Ghép Gan của ĐH Tokyo - Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam và cùng các giáo sư, bác sĩ Việt Nam đã kiểm tra khu vực mổ lần cuối. Ngoài GS Makuchii, còn có 4 chuyên gia về cắt gan, ghép gan và gây mê hồi sức của Nhật Bản tham gia.
GS Lê Thế Trung, chủ tịch Hội đồng chỉ đạo ghép gan, Học viện Quân y, cho biết: Trước khi thực hiện ca ghép gan đầu tiên này, Học viện đã tiến hành chọn lọc những trường hợp đủ điều kiện ghép gan, sau đó tiến hành 2 cuộc diễn tập vào các ngày 12 và 28/1. Buổi diễn tập thứ hai đã thống nhất lại vị trí toàn bộ các phẫu thuật viên, vận hành lại tất cả các máy móc với 20 kíp phẫu thuật.
Hiện 70 loại thuốc cần thiết cho ca ghép gan đã có đầy đủ.
Đang tiếp tục cập nhật...
-
Lệ Hà - Lê Hạnh - Nguyên Vũ