Các nhà khoa học vừa phát hiện một loại enzyme trong não có chức năng điều chỉnh sự thèm ăn và trọng lượng. Khám phá này có thể mở đường cho các phương pháp mới điều trị béo phì.
|
Béo phì gây ra nhiều căn bệnh. |
Enzyme trên có tên là kinase protein kích hoạt AMP, hay AMPK. AMPK giám sát năng lượng trong các tế bào và hormone leptin điều chỉnh hoạt động của nó. Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Harvard đã phát hiện rằng chuột sẽ ăn ít hơn và sụt cân khi AMPK bị ức chế. Khi họ tăng mức AMPK, chuột ăn nhiều hơn và lên cân.
Barbara B. Kahn, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: ''Phát hiện trên sẽ giúp giới khoa học phát triển thuốc trị béo phì cũng như biện pháp phòng ngừa''. Một nghiên cứu gần đây ở Anh cũng chỉ ra rằng ghrelin - một loại hormone kích thích sự thèm ăn - cũng ảnh hưởng tới mức AMPK.
Gần 30% người Mỹ trưởng thành béo phì, tăng 14% so với cách đây một thế hệ. Béo phì và kém hoạt động đã góp phần tạo nên những căn bệnh chết người hàng đầu hiện nay như: bệnh tim, ung thư, đột quỵ và tiểu đường. Trên thị trường hiện chỉ có vài loại thuốc kiểm soát béo phì do bác sĩ kê đơn. Tuy nhiên, tác dụng của các loại thuốc này rất khiêm tốn, giúp giảm cân chút ít bằng cách ức chế sự thèm ăn hoặc ngăn cản cơ thể tiêu hoá và hấp thụ chất béo.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng AMPK có thể sẽ hiệu quả hơn trong việc kiểm soát trọng lượng cơ thể so với leptin - liệu pháp hormone được sử dụng hiện nay. Các cuộc thử nghiệm lâm sàng phải mất nhiều năm mới hoàn tất.
|