Bệnh lao không loại trừ một ai
20:44' 23/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Viện Lao và Bệnh phổi trung ương nằm trên một phố khá sầm uất của thủ đô Hà Nội. Khác hẳn những bệnh viện (BV) khác, Viện này không đông người ra vào, không ồn ào, và chắc chắn là nhiều người vẫn ''phập phồng" khi bước chân vào đây. ''Họ sợ lây'', BS Hoàng Thị Hiền, trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp của Viện, nói.

Nghề nào cũng có thể mắc lao

Căn phòng rộng chừng hơn 30m2, có tám giường bệnh. Không một giường nào trống, mỗi người bệnh có mức độ bệnh khác nhau nhưng đều liên quan đến bệnh lao.

Bệnh nhân lao cần được điều trị đúng nguyên tắc.

Mới 40 tuổi nhưng trông anh Nguyễn Đăng T., ở quận Ba Đình, Hà Nội, già hơn tuổi. Căn bệnh lao đã ''ăn mòn'' sức khoẻ của anh. Mới phát hiện bệnh vài tháng nay, từ một thanh niên 45kg nay anh chỉ còn 31kg với nước da sạm, chỉ còn da bọc xương. Mấy tháng nay, cuộc sống của T. gắn liền với Khoa Nội 3 của Viện này. Anh kể: ''Lúc đầu, tôi thấy người mệt mỏi, khó chịu, không ăn ngủ được, bụng chướng lên, nghĩ mình bị gan. Nhưng đến khi đi khám, bác sĩ nói bị lao''

Từ tháng 11/2003 đến nay, T. đã vào viện hai lần. Trước Tết, thấy sức khoẻ thuyên giảm, gia đình xin cho về nhà nhưng đầu tháng 2, bệnh anh lại tái phát. Bố anh tâm sự: ''Sức khoẻ của thằng T. yếu như hiện nay một phần là do nó nghiện rượu. Bản thân sức khoẻ đã kém, lại làm lao động tự do, công việc chẳng ổn định, vướng thêm men rượu nên sức đề kháng của cơ thể rất kém. Nó đã mấy lần chết đi sống lại''. Một bệnh nhân ngồi bên thêm vào: ''Đã phóng ảnh, chuẩn bị đưa lên chầu trời rồi đấy nhưng ông trời thương lại cho sống''. Nghe vậy, anh T. quay lại nhoẻn miệng cười rồi lại quay vào trong giường.

Đến thời điểm này, kết quả xét nghiệm cho thấy T. bị lao phổi, trong ổ bụng vẫn còn dịch. Không những bị lao, hậu quả của men rượu đã ảnh hưởng đến gan: T. còn bị xơ gan. Những ngày tháng nằm viện đã hao tốn của gia đình hơn 20 triệu đồng. Với đồng lương của cán bộ về hưu như bố, mẹ an, số tiền này quả rất lớn. Thế nhưng chưa hết, vì với chiều hướng hiện nay, bệnh tình của anh chưa biết đến bao giờ mới khỏi hẳn. ''Thức ăn hàng ngày của nó chỉ là sữa và bánh, cơm chỉ ăn được thìa con. Còn nước còn tát, tôi quyết chữa cho cháu khỏi bệnh nhưng xem ra khó quá. Chẳng biết đến bao giờ cháu mới được về nhà...'' - bố anh nói.

Khác với T., ông Nguyễn Thế Ch. (người Phủ Lý, Hà Nam) đang điều trị tại Khoa Nội 2 của Viện, năm nay đã 74 tuổi, bị lao phổi, vi trùng dương tính và tái trị. Ông Ch. mắc căn bệnh này đã hai năm nay. Ban đầu mọi người trong gia đình nghĩ đó là bệnh tuổi già nhưng sức khoẻ ông suy giảm khá nhanh. Ông đi khám tại địa phương và được kết luận mắc bệnh lao. Ông và gia đình rất băn khoăn vì nghĩ lao chỉ gặp ở những người lao động, thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Do chưa hiểu biết rõ về bệnh lao, gia đình quyết định đưa ông đi điều trị...

''Bệnh tình đã giảm nhưng do tôi uống thuốc không đều nên bị tái phát. Vi trùng lao lên tới 3+ và có dấu hiệu kháng thuốc. Hiện nay, một ngày tôi phải sử dụng năm loại thuốc. Mặc dù được miễn tiền thuốc trong Chương trình quốc gia chống lao nhưng bệnh lao như tôi cũng phải tốn nào là tiền thuốc bổ, nào tiền bồi dưỡng... Thuốc thang đắt quá, những người lao động ở nông thôn như chúng tôi lo lắm...'', ông Ch. nói.

Đáng thương nhất là bệnh nhân Lê Thanh V., 20 tuổi, ở Hà Tây. V. hiện là trụ cột kinh tế của gia đình. Bỏ học khi đang là học sinh THCS ở trường làng, theo anh chị ra Hà Nội làm thuê. Tuổi nhỏ, sức yếu, V. đã trải qua nào đánh giầy, giúp việc cửa hàng ăn, lớn lên một chút ''gia nhập'' đội quân bán thuê sức lao động ở chợ người đã gần bốn năm. ''Hàng ngày, tôi có mặt tại ngã tư Giảng Võ đợi việc. Ngày nào có người thuê được dăm chục. Có ngày ngồi hít bụi đường mà chẳng được đồng nào trong khi vẫn phải ăn và trả tiền ngủ đêm. Vất vả lắm, nhưng bỏ việc này biết làm gì khi mà cả nhà trông vào em.'' - V. nói - ''Mỗi tháng, tôi cố gắng gửi về nhà 300.000-400.000 đồng giúp mẹ nuôi các em nhưng cũng khó quá. Giờ lại mắc phải bệnh này...''.

''Bạn có biết vì sao mắc bệnh này không?'' - Tôi hỏi. V. nằm trên giường, khuôn mặt xanh và gầy: ''Em cũng chẳng biết. Khi bệnh nặng quá, vào đây được các bác sĩ chữa trị và nói cho hiểu. Có lẽ do làm việc vất vả, tiếp xúc với môi trường bụi bặm, chỗ ăn ngủ lại mất vệ sinh, thêm nữa ăn uống lại không đủ chất...''

Bệnh lao có thể chữa khỏi, nếu được điều trị đúng nguyên tắc

BS đang khám cho bệnh nhân lao.

''Bệnh nhân vào viện thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Không phải cứ lao động vất vả là mắc bệnh này. Nhiều bệnh nhân có điều kiện sống tốt nhưng vẫn mắc bệnh. Có bệnh nhân chủ quan, thấy bệnh đỡ liền không uống thuốc theo quy định, dẫn đến phải tái trị.'' - PGS TS Đinh Ngọc Sỹ, viện trưởng Viện Lao và Bệnh phổi trung ương cho biết.

Được biết, Chương trình quốc gia chống lao chỉ miễn phí năm loại thuốc. Hàng năm, cả nước có thêm 145.000 người mắc bệnh lao các thể. Trong đó, 65.000 người mắc lao phổi ho khạc ra vi khuẩn là nguồn lây trong cộng đồng. Đáng nói là 70% bệnh nhân lao ở nước ta đang ở độ tuổi lao động. Tỷ lệ chết do lao là 26/100.000 dân, tương đương với 20.000 người chết do lao mỗi năm. Như vậy, ở Việt Nam, mỗi ngày có gần 400 người mắc bệnh lao.

Những con số trên cho thấy: Mặc dù công tác phòng, chống lao đã thu được kết quả song đây vẫn là căn bệnh vẫn được quan tâm, đặc biệt những người lao động. Nhiều người chưa có những kiến thức sơ đẳng về bệnh nên khi thấy cơ thể không khoẻ chỉ nghĩ là ốm xoàng, không đến BV thăm khám, để khi bệnh phát phải đến chữa thì đã khá muộn.

Làm thế nào để người mắc bệnh tự phát hiện bệnh lao? Trả lời câu hỏi này, TS Đinh Ngọc Sỹ cho biết: ''Các triệu chứng thường gặp của bệnh lao là ho, khó thở, gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, ra mồ hôi đêm, đau vùng ngực, lưng; ăn kém và ho kéo dài trên ba tuần. Khi thấy các dấu hiệu này, người bệnh nên đi khám tại các BV. Bệnh nhân sẽ được điều trị trong vòng tám tháng. Trong hai tháng đầu, phải uống thuốc dưới sự giám sát hằng ngày của y, bác sĩ tại BV hoặc tại Trạm Y tế. Trong sáu tháng sau, bệnh nhân nhận thuốc về nhà uống và sẽ được các cán bộ y tế đến kiểm tra việc dùng thuốc tại nhà. Nếu thực hiện đủ thời gian điều trị và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, bệnh lao sẽ khỏi hoàn toàn''.

  • Lệ Hà

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Có thể xử lý điểm một số công ty tăng giá thuốc (23/03/2004)
Mô vú của người phát triển trên cơ thể chuột (23/03/2004)
Đà Nẵng: Thêm một bệnh viện lớn đi vào hoạt động (22/03/2004)
Đại dịch HIV/AIDS gia tăng với diễn biến phức tạp (22/03/2004)
Khi chính phủ Mỹ hướng dẫn chuyện... ăn cá! (21/03/2004)
Nước tái chế - nguồn mầm bệnh nguy hiểm (21/03/2004)
Sáu tháng tuổi, thay tám... cơ quan nội tạng (20/03/2004)
Thêm một trung tâm chạy thận cho trẻ em (20/03/2004)
Tìm thấy enzyme điều chỉnh trọng lượng cơ thể (18/03/2004)
Viêm phổi do virus đã được khống chế? (16/03/2004)
Người ghép tạng: 'Nhọc nhằn'' với thuốc và thanh toán bảo hiểm (16/03/2004)
Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân lao kèm HIV tăng 300% (16/03/2004)
Sữa XO giúp ngừa những hiện tượng nhiễm virus ở trẻ (16/03/2004)
Vi khuẩn lao kháng thuốc: Mối đe doạ vẫn lớn dần... (16/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang