Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến: Chưa hài lòng với hội nghị!
00:10' 27/03/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - "Đây là một hội nghị được tổ chức thiếu khoa học, thiếu khí thế và còn mang nhiều tính hình thức!". Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến đã nhận xét như vậy về hội nghị phát động chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết (SXH) khu vực phía Nam, do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức vào sáng 26/3 tại TP.HCM.

Một dịch lớn có thể xảy ra...

Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến: Phải cải tiến Hội nghị để ra được sản phẩm!
Trong những tháng đầu năm 2004, số mắc SXH ở khu vực phía Nam đã ở mức cao, cao hơn cùng kỳ năm 2003 và trung bình năm 1996-2003. Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước có 4.881 trường hợp mắc SXH, trong đó có mười trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2003, số mắc SXH tăng gần hai lần, số tử vong tăng sáu trường hợp. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở khu vực phía Nam, chiếm 93,5% số mắc cả nước. Một số địa phương có số ca mắc SXH cao là TP.HCM (1.447 trường hợp), Tiền Giang (638), Đồng Tháp (407).

PGS TS Trịnh Quân Huấn, cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cảnh báo một nguy cơ dịch SXH vào năm nay nếu không có một sự phản ứng nhanh. Theo ông, ngoài chu kỳ dịch, mật độ muỗi truyền bệnh cao là sự lưu hành của bốn týp virus Dengue gây bệnh. Ngoài ra, thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển do khô hạn kéo dài, người dân tăng tích trữ nước, số ca mắc tăng bất thường... cũng sẽ góp phần gây ra dịch lớn trong khi thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin phòng bệnh không có, va diệt muỗi được xem là biện pháp chủ yếu.

Hiện nay, bệnh còn có nhiều diễn biến phức tạp. Trước đây, người mắc bệnh chủ yếu là trẻ em. Nay bệnh đã "chuyển hướng" sang trẻ trên 15 tuổi và người lớn. Khu vực mắc bệnh cũng có sự thay đổi, thí dụ tỉnh Cần Thơ trước không có dịch nhưng hai năm 2003 và 2004 lại có số mắc SXH đã tăng gấp đôi.

Các tỉnh có tỷ lệ chết/mắc SXH năm 2003 tăng cao nhất là Bạc Liêu, Vĩnh Long, Bình Phước, Long An. Đây là các tỉnh có tình hình SXH khá yên lặng trong giai đoạn 2000-2001. Điều này cho thấy công tác điều trị đối với SXH cần được quan tâm hơn nữa ở tất cả các tỉnh thành trong khu vực, không chỉ riêng ở các tỉnh thành vốn được xem là trọng điểm trước đây. Có 44,48% các trường hợp tử vong trong vòng một - hai ngày đầu sau nhập viện. Tình hình giám sát virus cho thấy sự gia tăng của virus D2, týp virus nguy hiểm nhất.

Theo báo cáo tổng kết hoạt động 2003 và kế hoạch 2004 dự án quốc gia phòng chống SXH khu vực phía Nam của Viện Pasteur TP.HCM, công tác phòng chống SXH còn tồn tại rất nhiều khó khăn. Công tác tổ chức và quản lý ở nhiều nơi đã không quan tâm đến việc ký hợp đồng trách nhiệm giữa các tuyến. Vẫn có rất ít tỉnh thực hiện việc phối hợp với nhà trường, tận dụng lực lượng học sinh trong công tác vận động cộng đồng tham gia diệt lăng quăng, do thiếu sự chỉ đạo từ các cấp. Vẫn còn địa phương tổ chức chiến dịch theo kiểu dàn trải, không dựa vào đường cong báo dịch hay tình hình giám sát dịch tễ, huyết thanh virus; dẫn đến chiến dịch quá rộng, không thể giám sát đầy đủ, không đánh giá được hiệu quả thiết thực, gây lãng phí. Việc chọn điểm giám sát côn trùng đại diện cho các vùng sinh thái tại địa phương không được giải quyết tốt, dẫn đến chỉ số côn trùng thường không phản ảnh được tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại địa phương...

... Song Hội nghị không làm Bộ trưởng Y tế hài lòng!

Tại hội nghị, sau phát biểu của cục trưởng Cục Y tế dự phòng là phát biểu của viện trưởng Viện Pateur TP.HCM Nguyễn Thị Kim Tiến về kế hoạch triển khai chiến dịch diệt muỗi và lăng quăng phòng chống SXH khu vực phía Nam. Tiếp theo, đến báo cáo của giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thế Dũng về tình hình bệnh SXH ở Thành phố từ năm 2000 đến nay và kế hoạch hoạt động chương trình phòng, chống SXH năm 2004. Ngoài ra, còn có những ý kiến phát biểu của các chuyên gia, đại diện các Viện, các tỉnh thành phía Nam. Thế nhưng không khí tại đây khá trầm lắng. Nhiều vị đại diện đã không có mặt suốt buổi hội nghị.

Vì vậy, bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã thẳng thắn nêu nhận xét trước khi hội nghị kết thúc: Đây là một hội nghị được tổ chức thiếu khoa học, thiếu khí thế và còn mang nhiều tính hình thức. Bà nói: "Không hài lòng với nội dung hội nghị! Chủ đề là phát động chiến dịch thì phải có khí thế, rầm rộ. Nội dung chung chung, chưa đi vào trọng tâm, không thảo luận tìm ra biện pháp cần thiết, rút ra bài học kinh nghiệm. Mọi thứ không được cụ thể hóa. Chủ đề năm nay có gì khác năm ngoái, phác đồ điều trị có gì mới không? Chủ thể là ai, khởi động kết thúc ngày tháng năm nào? Đánh giá ra sao, phải phối hợp ra sao? Chứ phát động chiến dịch mà như một hội nghị thường niên và các đồng chí mệt mỏi quá. Cứ chung chung, mờ mờ là không ra được đâu!".

Bà đề nghị phải "cải tiến hội nghị để ra được một sản phẩm". Những tổng kết, ý kiến phải có kiến nghị cụ thể. "Phải có diễn đàn báo chí, có thông cáo báo chí, đưa ra những thứ dễ hiểu, cần thông tin chứ không phải là những thông tin hoạt động chuyên môn." - bộ trưởng Chiến nói.

Trước đó, trong phần thảo luận tại hội nghị, bác sĩ Trần Tấn Trâm, giám đốc BV Nhi Đồng I cũng đã nêu ý kiến: "Giảm muỗi, giảm lăng quăng năm nào cũng làm, tốn quá nhiều nhưng không thu được kết quả bao nhiêu". Ông nêu ra một nghịch lý đã được nhiều nhà chuyên môn thừa nhận: "Nhà nước xịt muỗi để dân chúng yên tâm và dân chúng yên tâm nên họ... cũng không làm gì cả!".

Vì vậy, BS Trần Tấn Trâm đề nghị: Bộ Y tế cần chú trọng giáo dục về phòng bệnh trong cộng đồng. Đó là cách tốt nhất để phòng tránh dịch bệnh.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS: "Tháng 4 - tháng 5 không "chạy", tình hình sẽ rất xấu sau đó!"

- Bộ Y tế đã có phản ứng nào trước hiện tượng bệnh SXH đã chuyển hướng sang trẻ em trên 15 tuổi và người lớn, cùng dấu hiệu tăng bất thường của SXH năm nay?

PGS Trịnh Quân Huấn.

- PGS TS Trịnh Quân Huấn: Đó là biểu hiện của việc giảm sút đáp ứng miễn dịch ở đối tượng cao tuổi. Đặc biệt ở những người từ 60 trở lên, khả năng tử vong tương đối lớn.

Trước sự chuyển dịch cơ cấu bệnh, từ năm 2000, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị SXH cho người lớn và trẻ em hàng năm có sửa đổi. Năm nay, Bộ đã ban hành phác đồ điều trị mới cho người lớn.

Việc tăng bất thường năm nay có năm lý do: Chu kỳ dịch, mật độ quần thể véc-tơ cao, sự lưu hành của các týp virus gây bệnh, thời tiết thuận lợi, số mắc tăng bất thường. Năm 2004 là năm của chu kỳ dịch nên nguy cơ dịch là chắc chắn nếu không kịp phản ứng. Tháng 4, tháng 5 không "chạy" thì tình hình diễn ra sẽ rất xấu vào những tháng sau...

- Đã có hiện tượng muỗi kháng hóa chất diệt côn trùng, đặc biệt là với Permethrin 0,75% và ICON 0,05%, ở một số tỉnh phía Nam. Vậy Bộ Y tế đã có sự lựa chọn thay thế bằng những hóa chất khác hữu hiệu hơn?

- Nhiều năm qua, công tác phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh chỉ là thứ yếu trong công tác dập dịch, chỉ định ở một nơi để khống chế dập tức thì. Hơn nữa, một số hóa chất có thể có tác dụng ở miền Bắc nhưng có thể không còn tác dụng ở miền Trung. Vì vậy,  Bộ Y tế đã yêu cầu các Viện, Ban Chỉ đạo khu vực tìm ra các hóa chất tối ưu để phun trong trường hợp cấp bách.

Chúng tôi đã nêu ra khẩu hiệu "Không bọ gậy, không SXH". Thách thức lớn nhất là làm sao không còn bọ gậy. Điều này đòi hỏi phải có sự hành động trong cộng đồng. Ở phía Nam, bệnh xảy ra liên tục song việc triển khai công tác phòng chống trong cộng đồng còn khó khăn...

- Hàng năm, Dự án quốc gia phòng chống SXH trích một phần kinh phí không nhỏ cho công tác tuyên truyền, giáo dục (năm 2004 là 578 triệu đồng ở cấp trung ương, và 983 triệu đồng ở địa phương). Trong khi đó, lực lượng cộng tác viên (CTV) hiện vẫn còn mỏng, có nơi một người phụ trách 40-50 gia đình. Như vậy, liệu công tác tuyên truyền và vận động có sâu sát và hiệu quả?

- Theo tôi, tác dụng của hình thức tuyên truyền bằng tờ rơi, áp-phích còn hạn chế, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong việc hiểu được bệnh SXH. Do vậy, kênh tuyên truyền quan trọng vẫn là mạng lưới CTV.

Tuy họ là lực lượng tình nguyện nhưng cũng phải có nguồn ngân sách rót vào.  nên mô hình này không làm được ở nhiều nơi. Hiện nay, kinh phí phòng chống SXH vẫn còn hạn hẹp và chúng tôi đang huy động... Cách tốt nhất là phối hợp với các cấp, các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ Thập đỏ... vì lực lượng này có khả năng truyền thông và tính chất tình nguyện nhiều hơn.

  • Bài và ảnh: Vân Điển
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Chưa xác định được nguồn lây H5N1 (25/03/2004)
Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý giá thuốc (25/03/2004)
Vẫn thiếu cán bộ chống bệnh lao (24/03/2004)
Phổi của bào thai nói với mẹ: Con muốn chào đời! (24/03/2004)
Thêm một bệnh nhân viêm phổi do virus (23/03/2004)
Bệnh lao không loại trừ một ai (23/03/2004)
Có thể xử lý điểm một số công ty tăng giá thuốc (23/03/2004)
Mô vú của người phát triển trên cơ thể chuột (23/03/2004)
Đà Nẵng: Thêm một bệnh viện lớn đi vào hoạt động (22/03/2004)
Đại dịch HIV/AIDS gia tăng với diễn biến phức tạp (22/03/2004)
Khi chính phủ Mỹ hướng dẫn chuyện... ăn cá! (21/03/2004)
Nước tái chế - nguồn mầm bệnh nguy hiểm (21/03/2004)
Sáu tháng tuổi, thay tám... cơ quan nội tạng (20/03/2004)
Thêm một trung tâm chạy thận cho trẻ em (20/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang