(VietNamNet) - Theo tổng giám đốc Trần Tựu, Tổng công ty Dược Việt Nam hoàn toàn ủng hộ bảy biện pháp do Bộ Y tế đưa ra nhằm bình ổn giá thuốc. Tuy nhiên, cần có chính sách cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp, chấp nhận sản xuất thuốc thiết yếu để khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
Nhằm bình ổn giá thuốc và kích thích các doanh nghiệp trong nước sản xuất hơn nữa, Tổng công ty (TCT) Dược sẽ có bốn công ty được cổ phần hóa trong năm 2004: Công ty Xuất Nhập khẩu Y tế 1, Công ty Xuất Nhập khẩu Y tế 2, Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2, và Công ty Dược liệu Trung ương 1. Đặc biệt, sẽ chú ý phối hợp với các Khoa Dược tại một số bệnh viện (BV) làm thí điểm tổ chức việc cung ứng phân phối thuốc trực tiếp từ doanh nghiệp nhà nước thuộc TCT, đảm bảo đủ thuốc thiết yếu, thuốc điều trị đến BV với chi phí thấp nhất.
Hiện nay, TCT sản xuất được 188/346 mặt hàng trong danh mục thuốc thiết yếu tân dược, sản xuất được 152/270 hoạt chất. Tuy nhiên, công việc hiện nay mà TCT cần làm là nghiên cứu, ứng dụng bảy nhóm thuốc thiết yếu chưa sản xuất được là thuốc trợ tim, nội tiết, ung thư, gây mê, giãn cơ, giảm miễn dịch... Đồng thời, đầu tư công tác phân phối thuốc về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin... đáp ứng yêu cầu mới của công ty cung ứng thuốc.
Theo TCT Dược VN, việc thực hiện bảy giải pháp bình ổn giá thuốc nên cụ thể hóa theo hướng sau:
- Với giải pháp chống độc quyền: Cần kiểm tra giá bán sản phẩm tại VN, có chế tài xử phạt nặng với các đơn vị vi phạm.
- Xây dựng chính sách sử dụng thuốc bằng việc quản lý giá thuốc từ nguồn ngân sách, ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước có cùng chất lựong. Bên cạnh đó, tổ chức cung ứng thuốc trực tiếp tại Khoa Dược các BV và quản lý sử dụng thuốc tại BV.
- Khuyến khích sản xuất trong nước: Các doanh nghiệp được khuyến khích sản xuất thuốc generic, thuốc thiết yếu và thuốc cho BV. Xem xét tăng chi phí quảng cáo sử dụng thuốc từ 10% lên 40% chi phí sản xuất.
- Đề nghị thí điểm việc giao cho doanh nghiệp TCT cung ứng trực tiếp thuốc cho một số BV trung ương và một số tỉnh thuộc đồng bằng, miền núi.
|