(VietNamNet) - Đó là biện pháp được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về biện pháp bình ổn thị trường thuốc tân dược, do Bộ Y tế và Ngân hàng thế giới tổ chức sáng nay 6/4. Tại hội thảo, các tham luận đều khẳng định: Khi loại thuốc mới được sử dụng ngày càng nhiều thì giá thuốc lại càng tăng cao. Phần thiệt thòi nhất thuộc về người bệnh, bởi hầu hết bệnh nhân đều có kiến thức rất hạn chế về thuốc. Do vậy, việc đàm phán về giá thành một loại thuốc khi đưa vào thị trường nội địa là yêu cầu cực kỳ bức thiết đối với ngành y tế.
|
80-90% chi phí y tế của Việt Nam là dành cho thuốc! | Theo các chuyên gia, một yêu cầu cấp bách lúc này là cần có sự cung cấp kịp thời về tài chính cho các bệnh viện nhằm tránh tình trạng bệnh viện nợ tiền thuốc doanh nghiệp. Mặt khác, phải có nguồn kinh phí để tích trữ những loại thuốc thiết yếu. Thực tế cho thấy: các bệnh viện hiện nay “sống” trong tình trạng nợ tiền thuốc của doanh nghiệp, ít nhất là hai tháng sau mới có khả năng chi trả. Điều này tạo ra một sự thoả hiệp, nhất là khi giá thuốc biến động. Trong các biện pháp được đề xuất tại hội thảo nhằm bình ổn giá thuốc, các chuyên gia nhấn mạnh phương án giống như nhiều quốc gia khác đang áp dụng hiện nay: Tạo ra sự cạnh tranh về giá giữa các hãng dược phẩm. Theo đó, sau khi so sánh giá của một loại thuốc ở nước sở tại với các nước khác, sẽ định ra được một mức giá bán cụ thể, nhằm tránh sự nhập nhằng về giá. Hiện nay, thị trường thuốc tân dược Việt Nam đang tồn tại những loại thuốc được bán giá cao gấp hàng trăm lần so với các nước trong khu vực. Ước tính của ngành y tế cho biết: 80-90% chi phí y tế của Việt Nam là dành cho thuốc! • L.Hà |