Lời cảnh báo từ vỏ bao thuốc lá: Chuyện không nhỏ
07:07' 15/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Lời cảnh báo trên vỏ bao thuốc lá ở các quốc gia khác nhau thế nào? Việt Nam có  những lời cảnh báo tương tự: "Thuốc lá làm ảnh hưởng tình dục" chưa? Mời bạn tham gia "một chuyến khảo sát bỏ túi" từ Việt Nam, Malaysia, Thái Lan... đến Canada. Chắc chắn bạn sẽ... thất vọng!

Giống và khác

Bạn có tìm thấy lời cảnh báo trên mặt trước các vỏ bao thuốc lá ở Việt Nam?

"Khi mới hút thì ai cũng dành chút quan tâm xem  lời cảnh báo thế nào, nhất là bạn trẻ, vì xung quanh người ta cứ nói thuốc lá là có hại. Nhưng khi hút một thời gian, thấy "ổn" thì thôi, chả để ý nữa. Đến khi già, sức khoẻ có vấn đề thì lại để ý xem có phải do thuốc lá làm cho sức khoẻ yếu đi không." - Một "con nghiện" đúc kết. Bạn thấy ngược đời? Nhưng người đó và nhiều người khác thấy rằng "tâm lý chung là phải vậy thôi".

Vậy thì lời cảnh báo (LCB) có vẻ thiếu sự thuyết phục ngay từ đầu. Lý do, và làm gì để có sự thuyết phục đầu tiên đó?

Lời cảnh báo bên hông các vỏ bao ở Việt Nam cũng quá nhỏ, ít thu hút sự chú ý bằng... nhãn hiệu!

Xin bắt đầu từ Việt Nam. Vỏ bao thuốc lá sản xuất trong nước thường có diện tích 150cm2, nhưng LCB sức khoẻ chỉ có từ 2-2,8cm2, với những kiểu trình bày khác nhau và thường nằm ở vị trí... khó thấy. LCB không khiến người ta nhớ tới bằng chuyện thuốc lá đó xuất xứ từ đâu. Nhiều loại thuốc lá ngoại nhập có và không có LCB. Có LCB sức khoẻ như của Việt Nam và có những cái cụ thể hơn: "Hút thuốc gây ra bệnh tim", "Hút thuốc lá gây viêm phế quản"...

Ở các nước láng giềng Campuchia và Lào, LCB cũng giống như ở Việt Nam: "Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ".

Mời bạn thử so sánh các nhận xét trong hai ảnh trên với lời cảnh báo trên các vỏ bao ở Malaysia, Thái Lan trong ảnh này.

Còn ở Malaysia, LCB "Cấm bán cho người dưới 18 tuổi" nằm bên hông, phía trên vỏ bao thuốc lá, trong khi bên hông phía dưới ghi rõ ràng: "Lời cảnh báo của chính phủ Malaysia: Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ". Cả hai LCB sức khoẻ này bắt buộc phải ghi trên vỏ bao thuốc lá của tất cả các công ty.

Ở Thái Lan,  LCB sức khoẻ rất ấn tượng: "Thuốc lá làm ảnh hưởng tình dục", được in đậm, chiếm 30% diện tích vỏ bao, nằm ở phía trên thuộc mặt trước của vỏ bao thuốc lá. Từ năm 1997 cho đến nay, Thái lan đã cho sử dụng thay đổi mười lời cảnh báo.

Các nước Brazil, Canada không "kết" quảng cáo bằng lời mà sử dụng hình ảnh. Braxil đang sử dụng mười hình ảnh, còn Canada đang dùng 14 hình ảnh cảnh báo về tác hại của thuốc lá.

Việt Nam và Công ước khung

Một nghiên cứu trên 600 đối tượng gồm người hút thuốc chủ động (người lớn, trẻ vị thành niên), nguời hút thuốc thụ động (thai phục, bà mẹ nuôi con nhỏ) và các nhà quản lý, các Bộ, ngành tại Việt Nam cho thấy:

- 36,8% đối tượng hút thuốc không quan tâm đến LCB, 16%  không để ý đến LCB. Lý do không quan tâm: Vì LCB luôn giống nhau. Do không nhìn thấy, lời cảnh báo quá nhỏ.

- Có sự khác biệt có ý nghĩa về sự quan tâm đến LCB giữa các nhóm nghề nghiệp: Viên chức nhà nước, người nghỉ hưu, HS-SV có tỷ lệ quan tâm nhiều nhất đến các lời cảnh báo. Nhóm không có việc làm thường xuyên, công nhân và đặc biệt là nông dân ít quan tâm nhất đến các lời cảnh báo.

LCB sức khoẻ của Công ước khung  về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được quy định rất chi tiết: "... Không tạo ra một ấn tượng (trực tiếp hoặc gián tiếp) tạo ra ấn tượng sai về một sản phẩm thuốc lá nào đó có ít tác hại hơn so với một sản phẩm khác. Trong đó, có bao gồm các từ như "ít hắc ín", "nhẹ", siêu nhẹ". LCB phải đủ lớn, rõ ràng, dễ nhìn, dễ đọc, chiếm 50% hoặc lớn hơn diện tích trưng bày chính nhưng không được nhỏ hơn 30%. Sản phẩm bao bì và nhãn mác bên ngoài của thuốc lá đều phải có sử dụng những cảnh báo về sức khoẻ, mô tả tác hại của việc sử dụng thuốc lá và có thể bao gồm các thông điệp thích hợp. Những lời cảnh báo phải có sự phê chuẩn của các nhà chức trách và phải được sử dụng luân phiên".

Còn ở Việt Nam, trong Nghị quyết 12/2000 của Chính phủ về chính sách quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá giai đoạn 2010, trong Quyết định 2019/2000/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành quy định tạm thời về vệ sinh thuốc lá điếu, mặc dù có quan tâm về LCB nhưng rõ ràng chưa đủ mạnh, chi tiết. Do vậy, "số phận" của LCB ở Việt Nam "yếu" hẳn đi.

Ví dụ, quy định "Phải được in rõ ràng, dễ thấy trên tất cả các bao bì của các sản phẩm thuốc lá. Nội dung lời cảnh báo phải gây ấn tượng mạnh, ngắn gọn" (In ở đâu? gây ấn tượng mạnh ra sao?). "Tiến tới việc phải in nồng độ các chất độc hại... trên tất cả bao bì của sản phẩm... Trên vỏ bao thuốc lá bắt buộc phải có dòng chữ: "Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ", hoặc "Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi". Nếu bạn là nhà sản xuất kinh doanh thuốc lá, với những "hoặc" và "tiến tới" như vậy, bạn hẳn sẽ chọn cái nào có lợi cho doanh nghiệp của mình?

Cảnh báo bằng hình ảnh - một tất yếu của... tương lai?

Một số kiến nghị tại Việt Nam:

Phê chuẩn Công ước khung kiểm soát thuốc lá nói chung, và phê chuẩn LCB sức khoẻ trên vỏ bao thuốc lá nói riêng.

Cần có những quy định cụ thể về LCB sức khoẻ trên vỏ bao thuốc lá.

Có LCB bằng chữ tượng hình và hình ảnh.

LCB phải đủ lớn, rõ ràng, dễ nhìn, dễ đọc và nổi bật.

Ngoài ra, cần ghi thông tin về thành phần một số chất có trong thuốc lá và khói thuốc lá.

LCB sức khoẻ trên vỏ bao thuốc lá của một số quốc gia trong thời gian tới?

Ở  Thái Lan, nơi có tỷ lệ người hút thuốc thấp nhất trong khu vực (tỷ lệ hút thuốc lá chiếm 22% dân số, giảm gần 40% so với 20 năm trước), quy định về LCB phải chiếm 50% mặt trước và mặt sau vỏ bao thuốc lá sẽ có hiệu lực thi hành vào đầu năm 2005.

Sau Canada, Brazil và Singapore, Thái Lan là nước thứ tư sẽ đưa ra lời cảnh báo sức khoẻ bằng hình tượng hành động. Trong khi đó, Malaysia đang thử nghiệm lời cảnh báo bằng hình ảnh. Còn Singapore đến tháng 8/2004 sẽ sử dụng sáu hình ảnh cảnh báo.

Bà Bung Rithiphadee, điều phối viên của Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCAT) nhận định: "Những lời cảnh báo sinh động sẽ có hiệu quả cao trong việc làm nản lòng những người trẻ tuổi bắt đầu hút thuốc và là động lực cho họ trong việc bỏ thuốc. Trong đó, sử dụng hình ảnh cảnh báo sẽ tránh được lối tuyên truyền chung chung mà trực tiếp đi vào tác hại thuốc lá, làm cho người hút nhìn thấy và... biết sợ".

Thái Lan sẽ đưa ra lời cảnh báo bằng hình ảnh: Thuốc lá gây lão hóa!

Kết quả nghiên cứu ở Canada cho thấy: LCB bằng hình ảnh có hiệu quả gấp 60 lần so với bằng chữ. 58% người hút thuốc nói rằng lời cảnh báo bằng hình ảnh sinh động làm tăng động lực giúp họ bỏ thuốc lá: "Hình ảnh sẽ có sức thuyết phục hơn chữ viết".

Đặc biệt, LCB bằng hình ảnh sẽ xóa bỏ được ngăn cách về độ tuổi, ngôn ngữ, giáo dục và sẽ có hiệu quả đặc biệt đối với các nước có tỷ lệ người không biết chữ cao. Việc in các hình ảnh quảng cáo mới có thể làm giảm nạn buôn bán thuốc lá bất hợp pháp. Về cơ bản, cảnh báo bằng hình ảnh không gây tốn kém cho Chính phủ mà còn có ý nghĩa trong việc làm giảm tệ hút thuốc lá. Vấn đề là đừng có tạo ra LCB bằng hình ảnh quá sức tệ hại như... cái logo quảng cáo du lịch Việt Nam mà Tổng Cục Du lịch vừa công bố!

Vân Điển (Nguồn: T4G TP.HCM)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nhà thuốc BV đâu phải nơi nâng cao đời sống nhân viên (14/04/2004)
''P/S bảo vệ nụ cười VN'' về với Điện Biên (14/04/2004)
Miền Trung: Đẩy mạnh quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (14/04/2004)
Kiểm soát thuốc lá hiện còn lỏng lẻo (14/04/2004)
Giới trẻ hút thuốc lá: Ngày càng trẻ, cả ở nữ! (14/04/2004)
Nghiên cứu vắc-xin viêm gan B thế hệ 3 (14/04/2004)
Giải pháp đột phá: Bình ổn thuốc trong bệnh viện (13/04/2004)
Chiết xuất saponin toàn phần từ cây ngưu tất (13/04/2004)
Triển khai ngay các giải pháp mạnh để chống độc quyền (12/04/2004)
Giá thuốc bán lẻ do nhà bán lẻ niêm yết (12/04/2004)
Nhà vi khuẩn học hàng đầu Đặng Đức Trạch qua đời (11/04/2004)
Điện ảnh không thuốc lá, dễ hay khó? (10/04/2004)
Ngày càng gia tăng các bệnh tim mạch (10/04/2004)
Tìm gien gây trầm cảm: Khả thi hay không? (10/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang