Liệu giá thuốc có bình ổn như Bộ Y tế hứa?
02:50' 16/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Vấn đề thuốc và giá thuốc cứ "chĩa" vào ngành dược mà bỏ qua ngành y, trong đó có những người hành nghề không đạo đức. Bộ Y tế hứa sẽ mạnh tay trong quản lý giá thuốc.

Nâng cao năng lực sản xuất trong nước để bình ổn giá thuốc

Cửa nào cho thuốc phi mậu dịch?

Để giúp giảm bớt tình trạng giá thuốc cao như hiện nay, có  ý kiến đề nghị lưu ý đến thuốc phi mậu dịch. Hiện nay, nhiều loại thuốc lợi nhuận thấp thường vào Việt Nam qua đường này nhưng theo quyết định hiện hành (một lần không quá 30 viên, mỗi loại không quá mười viên...) thì con đường này quá hẹp và không đảm bảo cho người bệnh được điều trị đúng liều lượng. "Đầu vào" hẹp, người bệnh tìm thuốc đỏ mắt và mua thuốc với giá cắt cổ...

Hiện nay, các nhà sản xuất thuốc trong nước chỉ đáp ứng được 30-35% nhu cầu, phần còn lại dành cho thuốc ngoại "độc diễn". Nhiều nhà máy sản xuất trong nước nghèo nàn về chủng loại, giẫm chân nhau và hoạt động manh mún. Nhiều nơi có hiện tượng phá giá và cạnh tranh ngầm với nhau. Chưa có sự liên kết chặt chẽ để vực dậy ngành dược trong nước để đáp ứng nhu cầu thị trường và phá bỏ độc quyền, tạo thế cạnh tranh. "Bây giờ có đi lạy kẻ độc quyền, năn nỉ họ thì họ cũng chỉ giảm vài %." - một đại biểu bức xúc phát biểu tại buổi làm việc giữa Uỷ ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội với các ban ngành liên quan vào sáng 15/4 ở TP.HCM.

Trong khi đó, đường vào khu vực bệnh viện của thuốc nội vẫn còn hết sức khó khăn. Mặc dù đã có các chỉ thị yêu cầu tăng cường sử dụng thuốc nội nhưng khi kê toa, không ít bác sĩ (BS) thường "thiên vị" thuốc ngoại. Nhiều BV chỉ lấy thuốc nội cho có, một mặt hàng cả năm chỉ lấy khoảng 100 vỉ  nên nhà sản xuất phải bán trôi nổi ra thị trường. "Trong khi về mặt quản lý nhà nước, các công ty, xí nghiệp trong nước "được" giám sát rất kỹ nhưng với tổ chức nước ngoài thì "rất nhẹ nhàng", và có "người khổng lồ" lúc ẩn lúc hiện." - một cán bộ thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết.

"Vấn đề thuốc đã âm ỉ từ mười năm trước, nay chuyển sang cơ chế thị trường nên không kịp trở tay. Ngành dược không có chiến lược, chậm đổi mới và không được quy hoạch. Phải xem lại các công ty dược sản xuất cái gì, sản xuất ra sao và chiến lược phân phối như thế nào." - TS. Nguyễn Duy Cương, chủ tịch Hội Dược học Việt Nam đã "giải mã" các vấn đề trên, và ý kiến này cũng trùng với ý kiến của nhiều người - "Gần một năm rưỡi nay, vấn đề về thuốc và giá thuốc cứ "chĩa" vào ngành dược là chính mà bỏ qua ngành y, trong đó có những người hành nghề không đạo đức. Là các bác sĩ bán thuốc bóc vỏ, viết một đơn thuốc mà cả trăm người đọc không ra".

Trong khi đó, theo một cán bộ thanh tra Sở Y tế TP.HCM, quản lý nhà nước cấp vĩ mô tác động rất ít. Những văn bản pháp quy về pháp luật chưa đủ, có thể hiện nhưng không phù hợp hoặc chưa đúng.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, chủ nhiệm Uỷ ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội nhận định: "Việt Nam chưa xem ngành sản xuất thuốc là ngành đặc biệt như thực phẩm. Phải đối phó bên ngoài và đối phó với "chính bản thân mình", có sự "tiếp tay" của một bộ phận bên trong. Còn bỏ ngỏ, chưa khai thác hết tiềm năng của ngành đông y...".

Vậy đâu là giải pháp? Các đại biểu cho rằng cần nâng cao năng lực sản xuất trong nước, có chiến lược về dược và tổ chức thực thi pháp luật. Các đơn vị sản xuất cần phải liên kết, hỗ trợ nhau. Tập trung sản xuất thuốc theo danh mục, theo yêu cầu của các bệnh viện. Quản lý nhà nước cũng cần được nghiêm túc nhìn lại. Tăng cường và hướng dẫn thi thành việc thanh tra, kiểm tra giám sát. Mở rộng cơ chế và  chấn chỉnh đạo đức người thầy thuốc. Chấn chỉnh hệ thống các nhà thuốc trong bệnh viện...

Bộ Y tế hứa: Sẽ chấn chỉnh giá thuốc

Tính đến tháng 12/2003, Bộ Y tế đã cấp số đăng ký lưu hành cho hơn 10.000 mặt hàng thuốc, trong đó trên 6.000 số đăng ký thuốc sản xuất trong nước, với 400 hoạt chất.

Trên toàn quốc đã có 41 cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt. Sản xuất trong nước phát triển mạnh với doanh thu ước đạt gần 4.000 tỷ đồng.  

Tiền thuốc sử dụng tính theo bình quân đầu người/năm ở Việt Nam vẫn tăng liên tục: từ 0,3 USD năm 1989 lên 3 USD vào năm 1995, và tới 7,6 USD năm 2003.

Trước đó, trong gần hai ngày (13 và 14/4), hội nghị ngành dược đã thực sự là một "hội thảo bàn tròn" về giá thuốc. Chủ đề được bàn đến nhiều nhất tại hội nghị cũng là việc cung ứng thuốc trong bệnh viện (BV) và hưởng hoa hồng. Nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh không được BV đáp ứng đủ, buộc họ phải ra ngoài mua với giá ''cắt cổ''. Hơn nữa, ''nhà thuốc BV còn là nơi nâng cao đời sống cho nhân viên''.

Ông Nguyễn Văn Tựu, cục phó Cục Quản lý Dược, cho biết: ''Một số công ty nước ngoài độc quyền trong phân phối thuốc, đặc biệt là những thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc biệt dược... Bên cạnh đó, một số công ty TNHH trong nước độc quyền một số mặt hàng thuốc của công ty nước ngoài đã định mức giá cao''. 

Việc sử dụng thuốc trong BV cũng được nhắc đến trong những nguyên nhân làm tăng giá thuốc. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tựu, việc chấp hành thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn là "chưa nghiêm", trong khi "một bộ phận thầy thuốc ghi đơn theo biệt dược, không theo generic, thuốc đắt tiền hoặc thuốc được tiếp thị hưởng hoa hồng''. Thế nhưng, trong bảy biện pháp về bình ổn giá thuốc mà Bộ Y tế đưa ra lại không bàn tới việc kê đơn và hưởng hoa hồng của bác sĩ.

Cũng về vấn đề này, đại diện Sở Y tế Hà Tĩnh đã khá gay gắt: ''Cần có chế tài mạnh hơn để chấn chỉnh lại hoạt động của trình dược viên. Cũng phải có biện pháp nghiêm khắc đối với bác sĩ kê đơn thuốc và hưởng hoa hồng''. Còn nhớ, cách đây không lâu, trong cuộc họp về giá thuốc, DS Nguyễn Xuân Cẩm (Sở Y tế TP.HCM) không ngần ngại nói: Trình dược viên len lỏi vào các BV tiếp thị thuốc bằng nhiều cách. Họ không những thuộc địa chỉ nhà riêng nhà riêng, điện thoại... của bác sĩ mà cả thời gian biểu làm việc cũng "kiểm soát" được. Khi được hỏi, họ có thể nói vanh vách như chính của mình...

Thứ trưởng Lê Ngọc Trọng: Tuần tới, Bộ Y tế sẽ đưa ra một số chỉ thị mới để bình ổn giá thuốc.

Trước những bất cập được đưa ra, thứ trưởng Bộ Y tế Lê Ngọc Trọng đã thừa nhận những khuyết điểm: ''Chúng ta phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về bình ổn giá thuốc''. Và ông hứa sẽ giải quyết trong thời gian sớm nhất, với mốc cụ thể: Tuần tới, Bộ Y tế sẽ đưa ra một số chỉ thị mới. Sẽ có khung giá bán lẻ với một số loại thuốc, ở một số loại thuốc khác là thặng số lãi trần. Về chống độc quyền, sản xuất theo hợp đồng thuốc là tốt hơn cả để hạ giá dược phẩm.

Theo TS Trần Công Kỷ, cục trưởng Cục Quản lý Dược, đến năm 2010, thuốc nội sẽ chiếm tỷ trọng 60% giá trị thuốc trên thị trường (so với 40% như hiện nay). Việc đưa các nhà thuốc tư nhân ra khỏi khuôn viên BV, đấu thầu thuốc trong BV theo tên gốc cũng đã bắt đầu tiến hành ở một số đơn vị.

Về lâu dài, Bộ Y tế cho biết đã hoàn tất ba tiểu đề án về đảm bảo cung ứng thuốc, phát triển công nghiệp dược Việt Nam, và tăng cường quản lý thuốc từ nay đến năm 2010. Ngoài sản xuất các thuốc generic (thuốc đã hết thời hạn bản quyền), Bộ sẽ đầu tư sản xuất các thuốc có dạng bào chế đặc biệt, như bột pha tiêm dạng đông khô, viên sủi bọt, thuốc tác dụng kéo dài...

  • Lệ Hà - Vân Điển

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bệnh viện Việt - Pháp: Chăm sóc sức khỏe trọn gói (16/04/2004)
Trung Quốc miễn phí xét nghiệm HIV/AIDS (15/04/2004)
Lời cảnh báo từ vỏ bao thuốc lá: Chuyện không nhỏ (15/04/2004)
Nhà thuốc BV đâu phải nơi nâng cao đời sống nhân viên (14/04/2004)
''P/S bảo vệ nụ cười VN'' về với Điện Biên (14/04/2004)
Miền Trung: Đẩy mạnh quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (14/04/2004)
Kiểm soát thuốc lá hiện còn lỏng lẻo (14/04/2004)
Giới trẻ hút thuốc lá: Ngày càng trẻ, cả ở nữ! (14/04/2004)
Nghiên cứu vắc-xin viêm gan B thế hệ 3 (14/04/2004)
Giải pháp đột phá: Bình ổn thuốc trong bệnh viện (13/04/2004)
Chiết xuất saponin toàn phần từ cây ngưu tất (13/04/2004)
Triển khai ngay các giải pháp mạnh để chống độc quyền (12/04/2004)
Giá thuốc bán lẻ do nhà bán lẻ niêm yết (12/04/2004)
Nhà vi khuẩn học hàng đầu Đặng Đức Trạch qua đời (11/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang