(VietNamNet) - Trong các giải pháp hạ nhiệt giá thuốc, Bộ Y tế có đề cập đến việc gia tăng thị phần cho thuốc nội. "Khó!", như Đại hội II của Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh (SX-KD) Dược sáng nay phân tích.
|
Thuốc nội sẽ chiếm thị phần VN? |
Giải pháp được Bộ Y tế đưa ra để bình ổn giá thuốc có nêu: ''Bộ Y tế cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích sử dụng thuốc của các cơ sở sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn ''Thực hành sản xuất thuốc tốt'' (GMP)''.
Thế nhưng hiện nay, các nhà sản xuất thuốc trong nước chỉ đáp ứng được 30-35% nhu cầu, phần còn lại dành cho thuốc ngoại. Nhu cầu sử dụng thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh ở Việt Nam hiện phải cần trên 1.000 hoạt chất khác nhau, trong khi sản xuất trong nước chỉ dựa trên 400 hoạt chất. Trên 90% số nguyên liệu dùng để sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trên 90% thuốc sản xuất trong nước là thuốc điều trị các bệnh thông thường, với các dạng bào chế đơn giản.
Năm 2010: Không biết sản xuất gì để tồn tại, nếu...
Tại Đại hội lần II của Hiệp hội SX-KD Dược Việt Nam sáng nay 16/4, PGS TS Lê Văn Truyền, chủ tịch Hiệp hội (khóa I) đã phân tích những khó khăn của thuốc nội trên thị trường: Thuốc trong nước chưa đảm bảo nhu cầu người bệnh, trong khi thuốc nhập khẩu tràn vào Việt Nam một cách ồ ạt khiến thị trường thuốc bất ổn, do hàng loạt các ''chiêu bài'' làm giá thuốc tăng chóng mặt.
Thế nhưng, với 84 doanh nghiệp thành viên, sao Hiệp hội không tìm được lối thoát cho mình? Theo PGS Lê Văn Truyền, đó là do ''khả năng cạnh tranh trong hệ thống phân phối của Việt Nam còn yếu kém''.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đầu năm 2003, có 715 mặt hàng tăng giá/10.000 mặt hàng thuốc lưu hành ở nước ta, chiếm 7,2%. Tỷ lệ tăng giá trung bình là 7%, trong đó có cả thuốc nhập khẩu và thuốc sản xuất trong nước.
Sang đầu năm 2004, theo báo cáo của các Sở Y tế và các doanh nghiệp, có 33 công ty trong nước và nước ngoài có báo cáo tăng giá ở 366 mặt hàng. Trong đó, số thuốc thiết yếu, chủ yếu do trong nước sản xuất tăng giá là 186 loại, tỷ lệ tăng giá trung bình 5%. |
Trong các sản phẩm do các doanh nghiệp trong Hiệp hội sản xuất ra, chỉ có 5-20% số thuốc là có mặt tại quầy thuốc của BV, cơ sở khám chữa bệnh. Trên thực tế, các doanh nghiệp dược đang phải tự ''len lỏi'' tìm thị trường cho mình. "Khả năng cạnh tranh của thuốc nội so với thuốc ngoại là rất kém. Thuốc nội tuy có chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu nhưng khi ''len'' vào nhà thuốc còn bị chặn lại bởi hoa hồng, bởi khâu tiếp thị,..." - PTS Truyền nói - "Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, đến năm 2010 các doanh nghiệp không biết sản xuất gì để tồn tại! Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu chiến lược lâu dài nên để thực hiện được GMP là cả một thách thức!".
Tuy được thành lập đã gần bốn năm song Hiệp hội vẫn tự nhận còn "quá trẻ" để gánh vác cả khối công việc đồ sộ, vì vậy mà... "những hạn chế là điều không thể tránh khỏi".
Bao giờ người Việt tìm đến thuốc nội?
|
Đại hội II Hiệp hội SX-KD Dược đã bầu BCH mới, do DS Đống Việt Thắng (chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dược Việt Nam) giữ chức chủ tịch Hiệp hội khóa II. Ảnh trên: PGS Lê Văn Truyền, chủ tịch Hiệp hội khoá I. |
Trên cả nước, đã có 42 cơ sở đạt tiêu chuẩn GMP. Sản xuất trong nước phát triển mạnh với doanh thu ước đạt gần 4.000 tỷ đồng vào năm 2003. Thế nhưng để thuốc nội chiếm đa phần thị trường vẫn là chuyện dài kỳ, nếu không phải là... chuyện thần kỳ!
Về vấn đề này, phát biểu tại Đại hội Hiệp hội SX-KD Dược sáng nay, bộ Trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đề xuất: "Ngành dược phải có chiến lược lâu dài như chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược; phân phối thuốc rộng rãi đến tận vùng sâu, vùng xa; đào tạo cán bộ dược... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc quảng cáo thuốc đến người dân,...".
Theo bà bộ trưởng, 42 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP hiện nay có thể đảm bảo thuốc đủ chất lượng. Vì vậy, cần làm thế nào để người dân, cho dù bác sĩ có kê thuốc nội hay thuốc ngoại, vẫn tìm đến với thuốc nội để dùng. Đây không chỉ là bài toán khó đặt ra cho doanh nghiệp mà đối với cả vai trò của Nhà nước tác động thông qua các cơ chế chính sách và các phương tiện truyền thông, nhằm thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng thuốc của người dân.
|