(VietNamNet) - 70,7% học sinh cả nước bị nhiễm giun. Học sinh phía Bắc bị nhiễm nhiều nhất. Đó là kết quả điều tra thuộc Dự án Phòng chống giun sán trong trường tiểu học.
|
Đầu giun móc. |
Dự án này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ, được thực hiện tại 11 tỉnh trong cả nước trong giai đoạn 2002-2003. Kết quả cho biết: Qua xét nghiệm, tỷ lệ nhiễm giun ở học sinh tiểu học miền Bắc là 98,4%-78,8%, miền Trung là 70,2%, miền Nam là 19,7%. Ở miền Bắc hiện nay, tỷ lệ nhiễm không chỉ cao ở khu vực đồng bằng mà cả ở miền núi và trung du, đa số học sinh đều nhiễm hai - ba loại giun. Điều tra cho thấy hầu hết phụ huynh và học sinh đều biết được các nguyên nhân gây nhiễm và tác hại của bệnh giun nhưng do còn hiện tượng dùng phân tươi bón ruộng nên tỷ lệ và cường độ nhiễm giun vẫn ở mức cao.
|
Giun đũa. |
Trong khi đó, kết quả khảo sát 785 học sinh chín - mười tuổi tại tỉnh Phú Yên vào năm 2003 của một nhóm nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ học sinh nhiễm ít nhất một loại giun là 35,9%, chủ yếu là nhiễm giun đũa và giun móc. Giun đũa gây nhiễm khi người nuốt phải trứng giun có ấu trùng, còn giun móc chủ yếu do ấu trùng xuyên qua da vào máu. Thói quen để móng tay bẩn, đi chân đất, uống nước lã là những yếu tố làm tăng khả năng bị giun "xâm nhập".
Nhiễm giun truyền qua đất phổ biến khắp thế giới và được xem như vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng, đặc biệt là ở các nước nghèo đang phát triển trong vùng nhiệt đới như Việt Nam.
Theo WHO, nhiễm các loại giun truyền qua đất gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, chậm lớn cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. WHO cũng khuyến cáo các chương trình phòng chống giun sán nên bắt đầu bằng điều tra cơ bản. Thêm nữa, dữ liệu khảo sát từ trẻ em trong độ tuổi đến trường thường phản ánh chung tình hình nhiễm bệnh của cả cộng đồng.
Vân Điển |