(VietNamNet) - Bác sĩ (BS) kê đơn thuốc quá nhiều loại để hưởng hoa hồng. BS kê đơn tên gốc nhưng nhà thuốc vẫn bán cho bệnh nhân bất cứ biệt dược nào mà họ có lợi cao nhất... Tình trạng này đang phổ biến đến mức Bộ Y tế đang quyết tâm chấn chỉnh trong thời gian tới.
Với hàng loạt biện pháp được đưa ra nhằm chấn chỉnh giá thuốc, hôm 22/4, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức hội nghị triển khai về đổi mới cơ chế quản lý tài chính và chấn chỉnh công tác dược trong bệnh viện (BV). Hàng loạt vấn đề được đặt ra nhưng nổi lên hơn cả là việc thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn.
Con đường để thuốc đến tay người bệnh thật ''gian nan'': Thuốc từ các công ty dược phẩm hoặc nhà phân phối được các trình dược viên bỏ vào tay nhiều BS với hoa hồng hấp dẫn. BS sẽ ''ngỏ ý'' đưa vào danh mục thuốc do Hội đồng Thuốc và Điều trị của BV duyệt. Bộ phận cung ứng dược sẽ mua thuốc đó từ một công ty trúng thầu (nếu là thuốc của hãng hoặc công ty khác thì nhập qua công ty trúng thầu với mức “lệ phí” là 20%, tính cả 5% thuế VAT). Từ đây, thuốc bán cho BV sẽ lãi thêm 12-20%. Có như vậy, BS mới được thưởng 5-10% khi ''hạ bút'' kê đơn cho người bệnh.
Có thể hiểu đơn giản thuốc sẽ theo "lộ trình" sau: hãng sản xuất - nhà phân phối - công ty dược - trình dược viên - BS kê đơn. Với mức ''siêu'' lợi nhuận, nhiều BS không ngại ngần kê đơn thuốc cho bệnh nhân với những loại thuốc đắt tiền, các biệt dược cùng hoạt chất...
Một đơn thuốc, hai biệt dược cùng hoạt chất
Theo Bộ Y tế, có 44/54 BV (chiếm 82%) thực hiện việc kê đơn và bán thuốc theo đơn trong năm 2003. Tuy nhiên, việc kiểm tra của Bộ Y tế còn mang tính hình thức.
TS Lý Ngọc Kính, vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế) cho biết: ''Việc kê đơn thuốc theo tên gốc gặp nhiều khó khăn do BS kê đơn chưa nắm được tên gốc của thuốc. Người bán thuốc là dược tá thiếu kiến thức về tên gốc và tên biệt dược. Hoạt động thông tin thuốc trong BV còn mới...''. Cũng theo TS Kính, vẫn còn nhiều BV chưa đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu, trong khi các đơn vị chưa thực hiện nghiêm quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn; các doanh nghiệp dược, trình dược viên liên kết với nhân viên y tế chi phối việc lựa chọn, chi phối bác sĩ kê đơn! |
DS Trần Viết Trung, trưởng Phòng Quản lý Dược, Sở Y tế TP.HCM không ngại ngần đưa ra những bằng chứng về hiện tượng này vốn đang diễn ra phổ biến ở TP.HCM: Biệt dược cùng hoạt chất nhưng BS kê đơn vẫn ''vô tư'' kê cho người bệnh. Một đơn thuốc khác, với hai loại biệt dược Diantanvic 400mg và Efferalgan 500mg có cùng hoạt chất song BS lại kê cả hai cho người bệnh, thay vì chỉ cần kê một loại. Hai biệt dược này có cùng hoạt chất Paracetamol có bán ở Việt Nam với giá 100 đồng/viên, nhưng Diantanvic được bán với giá 2.500-3.000 đồng và Efferalgan là 2.000 đồng/viên. Dĩ nhiên, nếu kê toa cho bệnh nhân mua Paracetamol, BS sẽ "không được gì"!
DS Trung còn đưa ra một ví dụ về việc nhà thuốc bán thuốc phi mậu dịch cho người bệnh với đơn thuốc đã được copy lại. Chưa hết, với nhiều hình thức ''lách luật'' khác, thuốc phi mậu dịch đã tha hồ trôi nổi trên thị trường. Ví dụ, để lách quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 09/2002 (người bệnh có thể nhận thuốc của người thân từ nước ngoài gửi về có giá trị 30 USD/lần (một năm ba lần) và phải có giấy khám bệnh của BS, được Sở Y tế thông qua), có trường hợp "bệnh nhân" đến nhờ BS khám và kê đơn thuốc làm sao để hợp thức hóa số lượng thuốc có thể nhận về từ người thân ở nước ngoài. Kết quả? Đơn thuốc được "vẽ" ra như sau: kê cho đến ba người trong cùng gia đình theo cùng một bệnh hạ can-xi huyết, với số lượng thuốc là... 500 viên (!). Sau khi xem xét chứng từ, Sở Y tế đã phát hiện vi phạm này. Nếu không, số hàng này sẽ được ''người bệnh'' bán lại cho các cửa hàng và để "tham gia thị trường". Dĩ nhiên, số thuốc này không có số đăng ký, không dán tem nhập khẩu và sẽ được bán cho... người bệnh thật sự cần.
Chấn chỉnh việc kê đơn: Phải làm trên cả nước!
"Quy định kê đơn theo tên gốc giúp hạn chế việc BS chỉ định biệt dược đắt tiền không cần thiết cho bệnh nhân. Thế nhưng nó sẽ làm phát sinh hiện tượng các hãng dược chia hoa hồng cho nhà thuốc để ưu tiên bán thuốc của họ. Nhà thuốc không ngần ngại thay thế thuốc đó bằng một loại thuốc có cùng hoạt chất nhưng khác tên. BS kê tên gốc nhưng nhà thuốc mới là người quyết định bán cho bệnh nhân loại thuốc nào. Người bệnh chỉ biết mua theo đơn, nên nếu nhà thuốc bảo không có, nên thay thuốc khác thì họ cũng phải đồng ý vì không hiểu chuyên môn. Do vậy, nhà thuốc càng sẵn sàng bán những biệt dược mà họ có lợi nhuận cao!'' - TS Lý Ngọc Kính, vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế), phân tích.
|
PGS Lại Phú Thưởng trả lời báo chí: "Giám đốc BV không thể cấm trình dược viên vào BV". |
Việc kê đơn thuốc không còn là mới lạ và đã được Bộ Y tế chấn chỉnh nhiều lần, song hoạt động này vẫn còn bị thả nổi. DS Nguyên Vân Đình, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nói: ''Hà Nội đã thực hiện quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn ở tất cả các đơn vị y tế công lập và tư nhân, thực hiện việc lưu đơn thuốc với những hình thức lưu trên máy tính, lưu đơn qua giấy than. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh còn chịu chi phối bởi cơ chế thị trường, các nhà thuốc phải bán theo đơn vẫn bán tự do, việc ghi chép bán thuốc theo đơn chưa thực hiện tốt''.
BV đa khoa Thái Nguyên được coi là có nhiều tiến bộ trong công tác cung ứng thuốc cho BV cũng như công tác kê đơn. Tuy vậy, trao đổi với báo chi bên lề hội nghị, PGS TS Lại Phú Thưởng - giám đốc BV đã phải lên tiếng: ''Việc thực hành quy chế kê đơn, bán thuốc theo đơn phải triển khai trên cả nước, kể cả nhà thuốc BV và nhà thuốc tư nhân. Nếu không, sẽ vô hình chung buộc chân, buộc tay nhà thuốc BV vì không ai khám xong lại... chờ đơn. Họ sẵn sàng ra ngoài mua, theo chỉ dẫn của BS. Trong khi đó, giám đốc BV không thể cứ ngồi cạnh BS để xem kê đơn. Còn cấm trình dược viên vào BV ư? Đâu phải đơn giản, vì nếu họ có giấy phép của... Sở Y tế để vào... giới thiệu thông tin thì cấm sao được!''.
Với những tồn tại trên, đại diện Sở Y tế Hải Phòng đã lên tiếng: ''Đã đến lúc phải đặt vấn đề y đức lên bàn cân. Cần nhanh chóng có chế tài xử phạt việc vi phạm quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn. Chế tài phải đủ mạnh và chủ yếu đi vào hướng phạt kinh tế, nếu nặng thì cần xử lý theo pháp luật''. Ý kiến này được đa số đại biểu tham gia hội nghị đồng tình.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, một quan chức của Thanh tra Bộ Y tế khẳng định: ''Việc chấn chỉnh này sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ làm mạnh, kiểm tra việc kê đơn ngay tại phòng khám''!
|