Nghiên cứu virus: Tuyệt đối đảm bảo an toàn sinh học
21:25' 05/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã biên soạn và công bố quy trình gồm chín bước bảo đảm an toàn sinh học trong nghiên cứu tác nhân đặc biệt nguy hiểm như virus SARS và virus cúm gia cầm H5N1.

Theo quy trình này, bất cứ thử nghiệm nào ảnh hưởng tới môi trường đều phải thực hiện trong buồng an toàn sinh học. Các hoạt động liên quan đến mẫu bệnh phẩm thu từ bệnh nhân nghi nhiễm SARS hoặc cúm H5N1 phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm có trang thiết bị đảm bảo an toàn sinh học.

SARS vẫn đáng ngại, cho dù chưa có dấu hiệu tái phát ở Việt Nam.

Dựa theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc xét nghiệm, đóng gói... mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân nghi nhiễm SARS hoặc H5N1 phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm bảo đảm an toàn sinh học mức độ 2. Việc phân lập tác nhân gây bệnh, phục hồi virus SARS từ mẫu bệnh phẩm trên tế bào nuôi cấy phải được làm trong phòng thí nghiệm bảo đảm an toàn sinh học mức độ 3. Cấm đưa ra sử dụng bệnh phẩm, chủng virus gây bệnh và chế phẩm sinh học trong các đề tài nghiên cứu nếu chưa được phép của Bộ Y tế.

Cũng theo quy trình này, chỉ nhân viên phòng thí nghiệm do giám đốc viện phân công mới được làm việc với các virus nguy hiểm như SARS, H5N1,... để tránh lặp lại sai lầm của Trung Quốc trong bảo quản virus SARS. GS Hoàng Thuỷ Long, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, phân tích thêm: Vụ bùng phát bệnh SARS mới đây từ Viện Virus học quốc gia ở Bắc Kinh không phải là do các phòng thí nghiệm Trung Quốc thiếu trang, thiết bị hiện đại, mà "vì đã để cho các nghiên cứu sinh được vào các phòng xét nghiệm tối nguy hiểm". Theo GS Long, Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ đó, tuyệt đối "không để cho những người chưa được trang bị đủ kiến thức về an toàn sinh học và không có phận sự vào khu vực như vậy".

WHO quy định có bốn mức độ an toàn sinh học trong các phòng thí nghiệm. Trên thế giới, chỉ có vài phòng thí nghiệm đạt mức 4. Tại Việt Nam, chỉ có vài nơi đạt mức 2. Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang xúc tiến xây dựng phòng thí nghiệm đạt mức 3 đầu tiên ở Việt Nam, với dự kiến cần đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng.

Về việc đảm bảo mẫu an toàn mẫu bệnh phẩm SARS, GS Hoàng Thuỷ Long - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Bộ Y tế Việt Nam đã có những quy định xiết chặt việc quản lý các mẫu bệnh phẩm. Tuy ở Việt Nam vẫn chưa phát hiện bệnh nhân nào nhiễm SARS nhưng Viện vẫn nhận được một số mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm SARS gửi về để xét nghiệm (1,5 triệu đồng/ca). Rất may là những mẫu này đều có kết quả âm tính.

Chiều 5/5, tại cuộc họp giao ban định kỳ của Ban chỉ đạo phòng chống SARS, Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa xuất hiện trường hợp nào nghi nhiễm SARS. Tuy nhiên, công tác giám sát vẫn phải đẩy mạnh tại sân bay, cửa khẩu. Theo vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS Trịnh Quân Huấn, sau khi có thông tin về dịch SARS ở Trung Quốc, số người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu phía Bắc vẫn rất đông. Do đó, theo ông, biện pháp hiệu quả và khả thi nhất là giám sát chặt các bệnh viện, nhất là ở các tỉnh biên giới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm lưu ý: Việt Nam càng phải chú ý đến các labo xét nghiệm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị phòng chống dịch và  giám sát tại các cơ sở điều trị. 
 
Được biết Uỷ ban châu Âu (EC) đã viện trợ cho Việt Nam trang thiết bị xét nghiệm chẩn đoán virus trị giá 800.000 euro. Số trang thiết bị này đã về tới sân bay và đang hoàn tất thủ tục để tiếp nhận, phân phối cho một số cơ sở.

Lệ Hà

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đà Nẵng: Không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch (05/05/2004)
Đà Nẵng: Tăng cường phòng chống dịch SARS (05/05/2004)
477 tỷ đồng để chăm sóc sức khoẻ cho người Tây Nguyên (04/05/2004)
Thêm ba bệnh nhân SARS mới tại Trung Quốc (04/05/2004)
Hen suyễn, ô nhiễm môi trường và... nạn tham nhũng (03/05/2004)
Hà Nội sẽ có thêm một bệnh viện quốc tế (03/05/2004)
Ấn Độ: Cấm hút-hít-nhai thuốc lá nơi công cộng (02/05/2004)
Thêm một chuyên gia kiểm dịch Trung Quốc nhiễm SARS (02/05/2004)
Long An: "Bệnh lạ" không phải vì dị ứng với côn trùng (01/05/2004)
Trung Quốc: Thêm các ca nhiễm SARS (30/04/2004)
BV Bưu điện II dùng CT-Scanner sáu lớp cắt/vòng quay (30/04/2004)
Tháng 5, kiểm tra việc cung ứng thuốc trong bệnh viện (30/04/2004)
20 năm, tăng gấp đôi tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản (30/04/2004)
Máy tính ADN: Bác sĩ ở bên trong tế bào (29/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang