Vượt không gian, khám chữa bệnh qua mạng
21:46' 08/05/2004 (GMT+7)

Khám chữa bệnh trực tuyến, qua mạng? Nhờ máy tính và Internet, bác sĩ có thể khám và điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp, dù ở cách xa hàng km.

ICU điện tử hóa = eICU

Lúc 2 giờ sáng, một bệnh nhân tiểu đường được đưa tới Phòng chăm sóc tăng cường tại Bệnh viện Memorial Hermann Southwest, New Jersey (Mỹ), do bị viêm phổi cũng như bị suy nhiều cơ quan khác. Ông ta cần máy hô hấp để giữ tính mạng. Đột nhiên, một cục đờm xuất hiện trong họng, nhịp thở của ông ta chậm lại, nhịp tim giảm tới mức có nguy cơ gây tử vong. Bệnh nhân này sẽ bị tổn thương não trong vòng năm phút nữa do thiếu oxy.

Cách đây một tháng, khi nhận ra vấn đề này, có lẽ y tá đã lập tức nhắn tin cho một bác sĩ đang trong ca trực, người bận rộn với một ca cấp cứu khác hoặc phải mất 30 phút hay hơn nữa mới có thể tới được bệnh viện. Bệnh nhân có lẽ đã cầm chắc cái chết. Tuy nhiên, ngày nay, nhờ một công nghệ khám chữa bệnh qua mạng tên là eICU (intensive care unit - đơn vị chăm sóc tăng cường điện tử), một bác sĩ ở một trung tâm kiểm soát cách đó hàng chục km sẽ can thiệp ngay lập tức.

eICU được bán cho các hệ thống y tế lớn, có nhiều bệnh viện trực thuộc, muốn cải thiện chất lượng tại các đơn vị chăm sóc tăng cường. Bệnh nhân chăm sóc tăng cường rất yếu và cần giám sát 24/24 giờ. Tuy nhiên, phần lớn các đơn vị chăm sóc tăng cường (ICU) thiếu các bác sĩ được đào tạo đặc biệt (chuyên gia chăm sóc tăng cường) để làm việc đó. Với một hệ thống eICU, gồm nhiều máy tính được nối mạng tới các phòng ICU, một nhóm bác sĩ chăm sóc tăng cường có thể giám sát và chăm sóc cho hàng trăm bệnh nhân, tựa như các nhà kiểm soát không lưu giám sát hàng trăm máy bay.

Các máy tính tại Trung tâm Kiểm soát thu thập số đo về nhịp tim, áp huyết và nhịp thở của bệnh nhân từ một máy đo nằm cạnh giường bệnh nhân. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào về những chỉ số trên, một máy tính sẽ phát ra tín hiệu báo động và bác sĩ, y tá tại Trung tâm có thể kiểm tra vấn đề ngay lập tức. Bác sĩ tại Phòng Kiểm soát eICU quản lý tình hình khẩn cấp cho tới khi có một bác sĩ tới chỗ bệnh nhân. Khi làm việc với một bệnh nhân, bác sĩ tại Trung tâm Kiểm soát có thể theo dõi toàn bộ lịch sử của các tín hiệu quan trọng và mọi thông tin sức khoẻ liên quan, như các loại thuốc được kê cho bệnh nhân, bằng cách nhấn chuột máy tính.

Trong trường hợp bệnh nhân tiểu đường kể trên, ngoài việc báo động cho một y tá đang làm nhiệm vụ, máy giám sát nhịp tim được đặt cạnh giường bệnh nhân đồng thời cũng gây ra một lệnh báo động tại các máy tính ở Trung tâm Kiểm soát. Từ đó, một bác sĩ có thể theo dõi bệnh nhân, chỉ đạo y tá trong phòng và rất có thể là ổn định được nhịp tim của người đàn ông trên trong vòng vài phút. Tiến sĩ Liza Weavind, giám đốc Chương trình eICU tại hệ thống Bệnh viện Memorial Hermann, cho biết: ''Chúng tôi có thể chỉ đạo giống y như một bác sĩ đang đứng ở cạnh giường bệnh nhân với hai tay đút trong túi''.

Khám chữa bệnh trực tuyến: Thêm một tầng... bảo vệ an toàn

Khám chữa bệnh trực tuyến đã là sự lựa chọn phổ biến cho các cộng đồng nông nghiệp nơi thiếu bác sĩ. Hiện nay, thậm chí tại các bệnh viện lớn trong nhiều thành phố của Mỹ, khám chữa bệnh trực tuyến cũng đang chứng tỏ những lợi ích của nó bởi công nghệ mới cung cấp thông tin thời gian thực cho bác sĩ, cho phép họ ở ''ngay cạnh giường'' của mọi bệnh nhân chăm sóc tăng cường trong bệnh viện. Các nhà quản lý ở Memorial Hermann cho biết đây là bệnh viện đầu tiên tại miền Nam nước Mỹ sử dụng hệ thống khám chữa bệnh qua mạng eICU do Công ty VISICU ở Baltimore thiết kế và chế tạo.

Thiết bị giám sát đầu cuối, đặt cạnh giường bệnh nhân

Thiết bị eICU đã được lắp đặt tại 28 giường bệnh chăm sóc tăng cường tại các bệnh viện thuộc Memorial Hermann tại vùng Woodlands và Tây Nam. Hệ thống bệnh viện này sẽ lắp đặt thêm 100 thiết bị eICU nữa vào năm tới và trong vài năm nữa, dự định sẽ lắp đặt cho tất cả 200 giường ICU. Việc lắp đặt eICU sẽ tiêu tốn hàng triệu đô-la cho phần cứng (màn hình giám sát) và phần mềm cảnh báo sớm, cũng như chi phí cho các nhân viên mới - bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên chăm sóc bệnh nhân - tại Trung tâm Kiểm soát.

Tiến sĩ Hugh Gilmore, phó chủ tịch hệ thống Bệnh viện Memorial Hermann, cho biết: ''Có một câu trả lời thực sự đơn giản cho câu hỏi tại sao chúng tôi lại muốn khám chữa bệnh trực tuyến. Đó là bởi tác động của nó đối với chất lượng chăm sóc mà chúng tôi có thể cung cấp cho bệnh nhân. Chúng tôi nghĩ eICU có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong và thời gian nằm chăm sóc tăng cường''. Theo ông, Chương trình eICU cũng sẽ không buộc bệnh viện phải cắt giảm y tá hoặc bác sĩ.

Weavind cũng thừa nhận rằng, ban đầu, việc chẩn đoán và điều trị cho một bệnh nhân ở cách xa nhiều km hơi khó khăn một chút bởi bác sĩ đã quen... sử dụng tay của họ. Bà nói: ''Tuy nhiên, tôi phát hiện ra rằng trong môi trường yên tĩnh hơn hẳn này, việc đưa ra các quyết định sẽ dễ dàng hơn nhiều bởi bác sĩ có sẵn một lượng lớn thông tin''. Khả năng tiếp cận với mọi thông tin bệnh tật của bệnh nhân qua máy tính cũng giúp bác sĩ xác định được các xu hướng - một tiến trình dễ dàng hơn nhiều so với dùng tay lật giở các lược đồ cạnh giường bệnh nhân.

Hệ thống chăm sóc y tế Aurora, gồm 14 bệnh viện và 100 phòng khám cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho hơn 80 cộng đồng ở bang Wisconsin, Mỹ, cũng sẽ là hệ thống đầu tiên tại bang này cung cấp công nghệ eICU cho các bệnh nhân nhằm cải thiện chất lượng điều trị. NIck Turkal, phó chủ tịch Aurora, cho biết: ''Công nghệ eICU cung cấp thêm một tầng bảo vệ an toàn. Nó sẽ giúp bác sĩ và y tá của chúng tôi chăm sóc đúng cách, liên tục cho bệnh nhân''.

  • Minh Sơn (Tổng hợp) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bộ Y tế không cho ZPV mở chi nhánh Đồng Nai (07/05/2004)
Ngày 1/6, bé Diệp sẽ xuất viện (07/05/2004)
Nâng tầm vóc người Việt cao thêm 3-4cm (07/05/2004)
Đừng bắt tay nữa, nhiễm SARS bây giờ! (07/05/2004)
Thuốc trị suyễn ở Việt Nam: Phi-lý-đắng! (05/05/2004)
Chuẩn bị ba tỷ đồng cho giai đoạn "hậu ZPV" (05/05/2004)
Nghiên cứu virus: Tuyệt đối đảm bảo an toàn sinh học (05/05/2004)
Đà Nẵng: Không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch (05/05/2004)
Đà Nẵng: Tăng cường phòng chống dịch SARS (05/05/2004)
477 tỷ đồng để chăm sóc sức khoẻ cho người Tây Nguyên (04/05/2004)
Thêm ba bệnh nhân SARS mới tại Trung Quốc (04/05/2004)
Hen suyễn, ô nhiễm môi trường và... nạn tham nhũng (03/05/2004)
Hà Nội sẽ có thêm một bệnh viện quốc tế (03/05/2004)
Ấn Độ: Cấm hút-hít-nhai thuốc lá nơi công cộng (02/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang