U não: Ung thư nguy hiểm, cần phát hiện sớm
15:31' 09/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Mặc dù tỷ lệ trẻ em mắc u não không nhiều nhưng đây lại là một căn bệnh nguy hiểm, phát triển và gây tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Khối u nguy hiểm

Cách đây một năm, bé N.Q.T. - mười tuổi ở Tiên Du, Bắc Ninh - thường cảm thấy đau đầu, hay bị nôn dù lúc đó bé chưa ăn gì. Khi bố mẹ đưa bé đi khám, BV Nhi Trung ương chẩn đoán bé T. có một khối u trong não. Ác nghiệt thay, khối u đó lại nằm ở vị trí không thể phẫu thuật được (u ở cầu não). Gia đình đành đưa bé về. Và thật đau buồn, chỉ sáu tháng sau, bé T. đã qua đời.

Ảnh chụp cộng hưởng từ cho thấy u não (màu trắng) với u nang (màu đen) đi kèm.

Thế nhưng bé lại không phải là trường hợp cá biệt. PGS TS Ninh Thị Ứng, trưởng Khoa Thần kinh - BV Nhi Trung ương, cho biết: U não là loại u thường gặp ở trẻ em hơn ở người lớn, chiếm khoảng 20% các u nguyên phát (tức là u do những tế bào phát triển bất bình thường ngay tại chỗ, chứ không phải do di căn của ung thư từ những phần khác trên cơ thể như ở người lớn). Đây là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ hai trong các loại ung thư ở trẻ em (chỉ sau ung thư máu). U não có đặc điểm là phát triển rất nhanh, có khi chỉ trong vòng sáu tháng đến một năm từ khi xuất hiện các triệu chứng. Nếu không can thiệp sớm, bệnh này có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, không ít trường hợp như bé T.: dù phát hiện ra khối u nhưng cũng đành bó tay vì khối u đó ở vị trí không thể mổ được...

Theo PGS Ứng, mỗi năm có khoảng 120-150 bệnh nhi đến khám và điều trị u não ở bệnh viện này. Trong đó, có đến khoảng 30-40% số bệnh nhi bị u não chỉ đến viện khi đã xuất hiện các triệu chứng khi khối u đã to, đã xâm lấn, chèn ép vào các vùng khác của não, nên có phẫu thuật cũng khó lấy hết các tế bào. Rất ít bệnh nhân được phát hiện sớm. Nếu gặp u ác tính, dù có phẫu thuật cũng không kéo dài thời gian sống được bao lâu.

Tại sao u não lại nguy hiểm?

Các triệu chứng thường gặp

- Đau đầu (thường đau liên tục cả ngày lẫn đêm).
- Nôn (không phụ thuộc vào việc có ăn hay không).
- Rối loạn thăng bằng (đi không vững, tay run không tự ăn được…).
- Lác mắt (do liệt dây thần kinh mắt).
-Yếu nửa người, lan dần ra cả nửa người bên kia.
- Rối loạn lời nói, thay đổi cá tính, thoái lui sự phát triển hoặc sa sút về học tập.
- Đầu to, co giật…

Theo PGS Ứng, mặc dù u não có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trong não nhưng đều có thể nguy hiểm đến tính mạng. U dưới lều tiểu não và dọc đường lưu thông dịch não tuỷ sẽ làm tắc lưu thông dịch não tuỷ, gây dãn não thất, làm đau đầu, nôn, thay đổi cá tính, mất ngủ… U thân não làm liệt dây thần kinh sọ não, liệt nửa người. U vùng hố yên thường gây rối loạn nội tiết như dậy thì sớm hoặc muộn, thiểu năng tuyến giáp, rối loạn phát triển thể chất. Đặc biệt, u ở bán cầu não thường khó chẩn đoán, chỉ đến khi kích thước khối u đã to, gây tăng áp lực sọ não hoặc co giật không kiểm soát được thì mới phát hiện ra.

Ở trẻ em, hay gặp nhất là u ở tiểu não (chiếm khoảng 40-50% các loại u trong não), và u cầu não (chiếm khoảng 20%). Trong đó, u ở vị trí cầu não không thể phẫu thuật được.

U não gây tử vong vì khối u làm tăng áp lực sọ não, gây ứ trệ tuần hoàn của dịch não tuỷ do khối u chèn ép vào các vùng lân cận. Giai đoạn muộn sẽ gây ra hôn mê rồi dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nếu tiến hành phẫu thuật khi khối u đã lớn thì khó lấy hết được các tế bào u bướu, do đó một thời gian sau khối u lại tái phát và tỷ lệ này cũng không nhỏ.

Có thể ngăn u não?

U não cần được phát hiện sớm.

Có một đặc điểm là u não hầu như chỉ được phát hiện khi đã xuất hiện những dấu hiệu như đau đầu, nôn, rối loạn thăng bằng… mà khi đó, khối u đã phát triển tương đối to. Vì vậy, cách tốt nhất để ngăn được u não, theo PGS Ứng, vẫn là "phòng bệnh hơn chữa bệnh": Cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ, khám bệnh định kỳ để phát hiện ngay những biểu hiện bất thường của cơ thể.

U não ở trẻ em khởi phát từ rất sớm, có khi hai - ba tuổi đã phát hiện thấy. Tuy vậy, gặp nhiều nhất là số bệnh nhân ở độ tuổi 9-13. Vì vậy, khi cảm thấy nghi ngờ, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa. Nếu đã phát hiện ra khối u thì cần điều trị triệt để: Sau khi phẫu thuật, cần đưa bệnh nhân đi chiếu xạ hoặc chạy hoá chất để diệt hết các tế bào trong khối u.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc điều trị các căn bệnh ung thư ở trẻ em. Mặt khác, không ít gia đình vì điều kiện kinh tế quá khó khăn nên không cho trẻ điều trị dứt điểm, để khối u tái phát. Dĩ nhiên, các nguyên nhân này vẫn đang để lại những kết cục buồn cho gia đình và xã hội!

Phương Uyên

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bác sĩ dùng tia X quá liều, con bệnh bỏng phóng xạ (09/05/2004)
Vượt không gian, khám chữa bệnh qua mạng (08/05/2004)
Bộ Y tế không cho ZPV mở chi nhánh Đồng Nai (07/05/2004)
Ngày 1/6, bé Diệp sẽ xuất viện (07/05/2004)
Nâng tầm vóc người Việt cao thêm 3-4cm (07/05/2004)
Đừng bắt tay nữa, nhiễm SARS bây giờ! (07/05/2004)
Thuốc trị suyễn ở Việt Nam: Phi-lý-đắng! (05/05/2004)
Chuẩn bị ba tỷ đồng cho giai đoạn "hậu ZPV" (05/05/2004)
Nghiên cứu virus: Tuyệt đối đảm bảo an toàn sinh học (05/05/2004)
Đà Nẵng: Không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch (05/05/2004)
Đà Nẵng: Tăng cường phòng chống dịch SARS (05/05/2004)
477 tỷ đồng để chăm sóc sức khoẻ cho người Tây Nguyên (04/05/2004)
Thêm ba bệnh nhân SARS mới tại Trung Quốc (04/05/2004)
Hen suyễn, ô nhiễm môi trường và... nạn tham nhũng (03/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang