Dự báo tới năm 2015, Ấn Độ sẽ có đến 12 triệu người nhiễm HIV. Vì vậy, hiện nay khi Ấn Độ đang bước vào cuộc bầu chọn một chính phủ mới, một trong những ưu tiên hàng đầu mà chính phủ này phải quan tâm là phòng chống AIDS như thế nào.
Các sahelis và những công việc rủi ro cao
Các trường hợp nhiễm HIV đầu tiên của Ấn Độ xuất hiện trong gái mại dâm tại Chennai vào năm 1986, khi thành phố này vẫn còn được biết đến dưới cái tên Madras.
Không xa tổng hành dinh của Công ty Dược Cipla tại Mumbai là Kamathipura, "khu đèn đỏ" của thành phố. Nhiều gái mại dâm thường xuyên xếp hàng ở đằng sau một chiếc xe tải màu trắng đang phục vụ như một phòng mạch di động, lúc này giá của thuốc cũng không quan trọng bằng giá của bao cao su. May mắn là Tổ chức Sức khỏe Con người, một tổ chức phi chính phủ được thành lập bởi Ishwarprasad Gilada, luôn cung cấp bao cao su miễn phí cho họ.
|
Gái mại dâm Ấn Độ đón "khách" từ các lái xe đường dài... |
Nhiều phụ nữ trong số này có vẻ tươi vui, được điểm xuyến bằng các món trang sức xuyên qua mũi và tai, mặc xa-ri (quần áo của phụ nữ Ấn Độ) màu sáng. Bạn có thể tự nhủ sao họ có vẻ vui như thế, khi họ sống trong các nhà thổ cứ bốn - năm người một phòng, cùng với 120 hoặc 150 phụ nữ khác. Nhiều người trong số họ đã bị chính người chồng hoặc người cha của họ bán cho nhà thổ để kiếm một số tiền, nhưng thường là nợ nần đã làm cho họ chẳng còn số tiền nào để nhận cả. Nếu những người phụ nữ bỏ trốn khỏi nhà thổ quay trở về làng thì họ sẽ bị chủ nhà chứa báo với dân làng và phụ nữ đó – đúng hơn là người "công nhân" của ngành "công nghiệp tình dục" đó sẽ bị trở thành một paria, một từ dùng để chỉ một người người hạ đẳng nhất. Dù sao đi nữa, cô ta sẽ về làm gì ở làng, khi mà làng vẫn không có việc gì để làm?
Một vấn đề khác: Làm sao có thể tiếp cận hết được gái mại dâm tại Ấn Độ, khi mà hoạt động của họ quá biến hoá - tại nhà thổ, nhà trọ, tại nhà, tại đền đài, trong rạp chiếu phim, tại các dhabas (quán cóc)?
Tuy vậy, cũng có những phụ nữ may mắn so với các "đồng nghiệp" của họ khi được nhóm của bác sĩ Gilada thuyết phục và tuyển dụng họ làm các sahelis (có nghĩa là bạn gái tốt). Sahelis làm công việc tuyên truyền về AIDS: họ phân phát bao cao su và giúp cho các cô cách kiên quyết thuyết phục khách hàng của họ sử dụng bao cao su; giúp đỡ xét nghiệm HIV phía sau bức rèm trong chiếc xe tải và trả kết quả ngay; giúp tham vấn cho một phụ nữ phàn nàn về việc ho ra máu và khi quyết định cần điều trị bằng kháng sinh thì cấp thuốc cho cô ta. Vậy, những sahelis đã xét nghiệm chưa? Rồi, một người nói, hai lần đều âm tính. Trong khi đó, các sahelis khác nhấn mạnh việc xét nghiệm với họ là vô ích, vì họ luôn luôn sử dụng bao cao su.
Một vấn đề khác ở Chennai, khi các cô gái điếm thừa nhận rằng nếu khách hàng họ là tội phạm hoặc đang say thì họ rất khó thuyết phục khách sử dụng bao cao su. Hơn nữa, nếu các gái điếm cố thuyết phục, khách hàng sẽ cho là cô gái đó bị nhiễm bệnh và ngày đó cô ấy sẽ mất đi nhiều cơ hội kiếm tiền. Các gái điếm là một trong những nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao mà những người có thẩm quyền muốn tiếp cận. Ở mặt khác của thị trấn, nơi đường cao tốc nối tới Bangalore chạy ngang qua làng Poonamalee, các thành viên của một tổ chức phi chính phủ khác - Dự án Kiểm soát và Ngăn ngừa AIDS - cũng đưa vào tầm ngắm của họ một nhóm khác có nguy cơ cao không kém: các tài xế xe tải nặng đường dài của thành phố.
Hàng chục chiếc xe tải đậu trước của một văn phòng vận tải, nơi các tài xế nghỉ ngơi và chơi bi-da. Tất cả tài xế đều biết một chút về HIV. Vài người trong số họ cũng có vài người quen chết vì bệnh AIDS. Các tài xế này phải 10, 20 hoặc 30 ngày mới gặp vợ của họ một lần; có người trên hai tháng không gặp vợ. Khi chỉ dẫn họ cách mang bao cao su đúng cách, một người cho biết kinh nghiệm duy nhất của anh ta về sản phẩm này là dùng để bịt kín... chỗ rò rỉ của đường ống trong xe tải của anh ta. Họ cũng muốn biết các nơi có thể thực hiện các xét nghiệm HIV để thử kiểm tra. Chỉ có một người trong số họ là đã làm xét nghiệm! Ấn Độ không phải là đất nước của bao cao su và bà Swaraj, bộ trưởng Bộ Y tế, dường như thích cách bà ấy có một quảng cáo với hình ảnh bao cao su bồng bềnh trong không trung với lời thoại: “Tiết dục và chung thuỷ là cái gì cũng xong hết”!
Dù sao, có thể kết luận Ấn Độ đang đi đúng con đường. Bằng cách kiểm tra các bà mẹ tại 600 phòng mạch hay bệnh viện, đó là 600 “chốt canh” khắp quốc gia để cố gắng ước lượng quy mô của cơn dịch. Vào năm 1992, bằng ngân sách của Ngân hàng Thế giới, chính phủ đã thành lập Tổ chức Kiểm soát AIDS Quốc gia (viết tắt là NACO) nhằm tránh các quan liêu hành chính và để giám sát chiến dịch chống AIDS. NACO nhận diện các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao là những người đồng tính luyến ái nam, những người tiêm chích ma túy cũng như các gái điếm và giới tài xế xe tải, các bang đang bị lây nhiễm mạnh mẽ.
|
Bản đồ lây nhiễm HIV ở Ấn Độ: mức trung bình (hồng) và mức cao (đỏ hồng) tập trung ở các bang miền Nam. |
Mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử, một khảo sát vào tháng 2/2004 cho biết 61% phụ nữ tại Orissa chưa bao giờ nghe nói về AIDS, còn tỷ lệ các tài xế xe tải ở Tamil Nadu có chi tiêu cho quan hệ tình dục đã tăng từ 17% năm 2001 lên 21% năm 2002, và chỉ có 37% trong số họ có dùng bao cao su trong các trường hợp này. Hiện nay, 90% gái mại dâm ở Tamil Nadu nói họ có sử dụng bao cao su và chỉ có 45% những người đồng tính luyến ái nam cho biết gần đây họ mới sử dụng bao cao su.
Các chính quyền địa phương quan tâm cố gắng giữ cho dịch bệnh chỉ lan rộng ở dưới mức 1%, vì trên con số đó dịch được xem là đã lan rộng trong cư dân chứ không chỉ trong các nhóm có nguy cơ cao nữa. Thậm chí, thứ hạng chính thức của sáu trong số 35 bang có sự lây nhiễm cao nhất cũng có thể sai lạc: dân số của sáu bang này (Andhra Pradesh, Karnataka, Maharashtra, Manipur, Nagaland và Tamil Nadu) là 292 triệu người, gần bằng 30% tổng dân số. Trong khi đó, ba bang khác (Goa, Gujarat và Pondicherry - với tổng cộng 53 triệu người) mới thật sự là vùng có dịch bệnh “đậm đặc”, với tỷ lệ lây nhiễm là trên 5% trong số các nhóm có nguy cơ cao. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh dường như xấu hơn ở phía Nam, mặc dù ai cũng biết đó là khu vực tệ nạn của vùng Đông Bắc, giáp với Myanmar, nơi có nhiều người chích ma túy mà lại dùng chung kim tiêm...
Cả thẹn, hay thiếu quan tâm?
Cho đến nay, theo các ước tính dè dặt nhất, Ấn Độ đã có 600.000 người mắc căn bệnh này và 4,58 triệu người nhiễm virus HIV. Điều này có nghĩa Ấn Độ hiện xếp thứ hai, chỉ sau Nam Phi, về số người nhiễm virus với khoảng 0,9% dân số trưởng thành cho kết quả dương tính với HIV (so với tỷ lệ hơn 20% tại Nam Phi). Thế nhưng nếu con số này của Ấn Độ chỉ cần tăng thêm vài phần trăm thì không phải chỉ có thêm hàng triệu người Ấn Độ bị kết án phải sống cùng - nhưng thật ra là án tử - với AIDS mà còn kéo thêm hàng triệu cư dân láng giềng của họ vào số phận đó. Chỉ tính riêng Ấn Độ, không kể Bangladesh, Nepal và Pakistan, dân số Ấn Độ đã vượt xa dân số của toàn châu Phi. Như thế, hoàn toàn có đủ các yếu tố để hình thành nên một đại dịch tại khu vực này, ảnh hưởng đến gần một phần tư dân số của toàn thế giới.
Thật may mắn là không có quốc gia nào có ý định tiếp bước châu Phi để trở thành địa ngục trần gian vì AIDS. Brazil và Thái Lan đã cho thấy sự bình tĩnh chịu đựng và đối phó với tai ương HIV cả trong 10-15 năm qua. Các chính sách đúng đắn và không quá cách biệt mà Thái Lan từng thực hiện chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến Ấn Độ. Các chiến dịch ở Ấn Độ thường chậm hơn và có quy mô cũng khiêm tốn hơn ở Thái Lan do thiếu thốn về tài chính, trong khi các chính sách cũng chưa đủ mạnh từ phía chính phủ, trong khi hai vấn đề này lại liên quan rất mật thiết với nhau.
Không có nơi nào đối đầu với AIDS mà tránh được các chi phí tốn kém, Thái Lan tốn khoảng 0,55 USD/người cho việc phòng chống và điều trị. Ở Uganda, chi phí này lên đến 1,85USD/người, vậy mà ở Ấn Độ chỉ mới chi có 0,17 USD/người. Thật ra, khi đối mặt với AIDS, tài chính cho vấn đề này cũng trở nên "dễ thở" hơn, do các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, các tổ chức nhân đạo và từ thiện hứa sẵn sàng giúp đỡ bằng các khoản chi khổng lồ. Tiếc là Ấn Độ vẫn chưa tận dụng "thời cơ" này. Điều này, mặt khác, cũng cho thấy sự nghèo nàn của đất nước và sự thiếu quan tâm của chính phủ Ấn Độ đến sức khoẻ của cộng đồng nói chung, và cụ thể là với AIDS. Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2000, Ấn Độ chỉ chi có 71 USD/người cho các vấn đề về sức khoẻ, 4/5 trong đó là do lĩnh vực tư nhân chi ra. Thậm chí, một số tính toán còn cho thấy chính phủ chỉ chi có 4 USD/người. Ấn Độ hiện là một trong tám quốc gia trên thế giới có ngân sách dành cho chăm sóc sức khoẻ cộng đồng chưa tới 1% GDP của mình. So với các chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng, ngân sách cho phòng chống AIDS ở Ấn Độ thật chẳng thấm vào đâu: Mỗi năm, Ấn Độ dành 3,1% GDP cho lĩnh vực quốc phòng, là một trong các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có các chương trình không gian mạnh. Trong khi đó, trớ trêu là thậm chí Ấn Độ còn dành các khoản tín dụng cho một số các gia châu Phi vay nhằm chống chọi với... AIDS!
Sự thiếu quan tâm đến sức khoẻ cộng đồng này còn được thể hiện rõ qua thống kê về bệnh lao. Ấn Độ có nhiều người mắc bệnh lao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Trên 20.000 người bị lây nhiễm bệnh lao mỗi ngày tại quốc gia này, và hơn 450.000 người chết vì bệnh lao mỗi năm. Chết do bệnh lao cũng trở nên rất phổ biến trong những người nhiễm HIV. Ấn Độ cũng là nước có vị trí cao trong bảng xếp hạng về các bệnh lây qua đường tình dục, một nhân tố chủ yếu của việc lây lan HIV. Theo một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới tài trợ, 60% các mũi tiêm chích ở lĩnh vực tư nhân và 69% ở lĩnh vực công cộng đã được thực hiện với các kim tiêm không an toàn.
Do đó, không có gì phải kinh ngạc khi một cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho rằng tới năm 2015, Ấn Độ sẽ có đến 12 triệu người nhiễm HIV. Bản thân chính phủ, mà đại diện là Cơ quan Kiểm soát AIDS quốc gia, cũng cho biết nếu đạt được tất cả các mục tiêu đề ra thì đến năm 2010 cũng sẽ có đến chín triệu người nhiễm HIV.
|
Tuyên truyền chống AIDS ở cả các tụ điểm thổi sáo dụ rắn hổ. |
AIDS lan truyền chủ yếu qua hoạt động tình dục không an toàn, trong khi các chính phủ hầu hết đều lúng túng khi đề cập đến các vấn đề tình dục. Tại Ấn Độ, hơn 80% là bị lây nhiễm qua con đường này. Ấn Độ cũng không là một ngoại lệ, cho dù đây là quê hương của “Kama Sutra” nổi tiếng, nơi mà các đền đài có các phù điêu, chạm trổ mô tả các kiểu sinh hoạt phóng túng mà không có bất kỳ chốn công cộng ở nơi nào khác lại dám trang trí như vậy. Ấy thế mà đây cũng lại là vùng đất "cả thẹn", đến nỗi nền công nghiệp điện ảnh Ấn Độ gần đây mới dám đưa những nụ hôn lên màn bạc. Dù sao đi nữa, Ấn Độ cũng đã miễn cưỡng dồn sức đẩy mạnh quảng bá việc sử dụng bao cao su như một biện pháp chủ yếu để chấm dứt sự lan truyền của dịch bệnh. Kinh nghiệm từ việc phòng chống các dịch bệnh khác cho thấy phải thay cách thuyết giáo “Hãy tiết chế” bằng “Hãy chung thủy và (nếu không chung thủy thì) nhớ sử dụng bao cao su”.
Nhiều người Ấn Độ đang cố gắng hết sức để chống lại AIDS bằng nhiều cách khác nhau, song việc thành công của họ vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ từ trên cao cũng như từ mọi tầng lớp trong xã hội. Thủ tướng Ấn Độ cần phải là người lãnh đạo trong cuộc chiến này và làm sao cho tất cả các bộ trưởng cũng như các toàn thể bộ máy công quyền phải đề cập đến AIDS trong các bài nói cũng như mọi tuyên bố phát ra từ phía chính phủ, như cách mà thống đốc bang Andhra Pradest đã làm. Công bố các con số về lây nhiễm HIV – ít nhất đã có một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng bị chết và nhiều người cho rằng cái chết này là do AIDS - phải được đưa ra và khuyến khích mọi người tham gia các xét nghiệm nhằm phát hiện sớm việc lây nhiễm HIV. Hơn ai hết, các cầu thủ được yêu chuộng của môn cricket và các ngôi sao của kinh đô điện ảnh Bollywood cũng phải góp sức vào cuộc chiến này.
AIDS thật sự là một căn bệnh tốn kém - tốn kém trong cả phòng chống và điều trị. Với một ngân sách hạn hẹp, nếu chi cho phòng chống nhiều thì có nghĩa phần dành cho điều trị sẽ càng ít đi. Vậy tại sao cứ phải mang nguồn kinh phí đã ít ỏi đó để điều trị cho các trường hợp đồng tính luyến ái, nghiện ngập, mại dâm và những người thích quan hệ bừa bãi - vốn là những người trước sau gì cũng đến với AIDS? Câu trả lời là do chưa có hứa hẹn nào đạt được trong việc điều trị căn bệnh này, nên không ai trong số này có động cơ để tiến hành các xét nghiệm. Và do không cần xét nghiệm nên căn bệnh này cứ thế mà lan rộng. Một vòng lẩn quẩn! Đến đây, càng rõ ràng AIDS còn là một căn bệnh quá tốn kém cho sự... quan tâm, do đó nên nó bị... “lờ” đi.
Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại những quốc gia giàu có nhất, HIV đã len lỏi vào các nhóm được xem là có nguy cơ thấp, và đáng chú ý nhất là thanh thiếu niên và các bà vợ thuỷ chung. AIDS có lan truyền trong cộng đồng dân cư và lan rộng từ đầu này đến đầu kia của quốc gia, như đã từng xảy ra với một phần của châu Phi, và thế giới sẽ có một đại dịch mới với nguy cơ khủng khiếp? Thật may là Ấn Độ cũng có nhiều ưu thế, như nền công nghiệp công nghệ thông tin - kỹ thuật cực kỳ phát triển, còn các công ty chăm sóc sức khoẻ và các công ty sản xuất dược phẩm cũng thừa sức tiến hành các kiểm nghiệm và cung cấp thuốc với giá rẻ trên quy mô lớn. Đó cũng là một lĩnh vực chưa được Ấn Độ tận dụng khai thác.
Thói quan liêu và sự thức tỉnh
Kể từ khi Thái Lan báo cáo ca nhiễm HIV đầu tiên tại nước này, nơi phần lớn đàn ông có thói quen quan hệ với gái mại dâm và cũng có thói quen không sử dụng bao cao su, chỉ vài năm sau, một số tỉnh của Thái Lan đã có trên 25% thanh niên và 10% phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Tình hình Thái Lan thật ảm đạm, nhưng sau đó họ đã phát động các chiến dịch nhằm chống lại AIDS. Kết quả là đến năm 2020, Thái Lan hầu như sẽ loại trừ được HIV.
Thái Lan thực hiện sáu chính sách đặc biệt: Đánh giá và theo dõi sự bùng nổ dịch bệnh. Nỗ lực tập trung vào các nhóm có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Giáo dục cho cộng đồng về HIV và AIDS. Kết hợp “chương trình 100% sử dụng bao cao su” và chiến dịch xua tan các ác cảm với căn bệnh. Cộng tác và liên kết mọi người càng nhiều càng tốt trên mọi mặt trận. Kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, và cuối cùng là nỗ lực từ phía chính phủ.
Dĩ nhiên là Ấn Độ không hoàn toàn giống với Thái Lan. Bắt đầu là việc Thái Lan giàu hơn nhiều so với Ấn Độ (GDP trên đầu người năm 2001 đạt 6.400 USD, trong khi con số này ở Ấn Độ là 2.800 USD). Thái Lan lại nhỏ hơn Ấn Độ nhiều nên các chiến dịch quốc gia cũng thực hiện dễ dàng hơn. Cuối cùng, Thái Lan từ lâu đã có tập tục tương đối thoải mái về các vấn đề tình dục, nên khoảng năm 1990 họ đã làm quen được với bao cao su và xem nó cũng bình thường như là xà bông hay kem đánh răng vậy. Mặc khác, Ấn Độ đã có ít nhất hơn mười năm để nhìn thấy AIDS có thể tàn phá toàn bộ một lục địa như thế nào, giết hại nhiều người và đẩy sự phát triển lùi lại hàng thập kỷ. Họ biết cần phải làm gì và cả những điều không nên làm nữa. Vậy Ấn Độ đã làm được những gì?
|
Ác cảm gắn liền với AIDS và mọi thứ dính dáng đến nó vẫn còn rất nặng nề, nhất là đối với phụ nữ - những người nghèo khó, luôn bị xem thường và không có chút quyền hành nào ở Ấn Độ. |
So với cách đây một năm thì tình hình tốt hơn nhiều, bạn sẽ được nghe những người điều hành chiến dịch chống AIDS từ thủ đô Delhi nói như vậy. Khởi đầu là cuộc họp tại diễn đàn của Quốc hội vào tháng 7/2003, với sự tham dự của tất cả các đại biểu được bầu chọn từ các đảng phái trên toàn Ấn Độ, gồm cả những người đại diện từ Thủ tướng đến chủ tịch của các panchayat – đơn vị hành chính thấp nhất tại các địa phương. Đến ngày 1/4/2004, chính phủ Ấn Độ công bố tiến hành chiến dịch vào bằng việc cấp miễn phí các thuốc kháng virus nhằm giới hạn con số bệnh nhân chuyển qua AIDS, xem đó như là cách nhằm kéo dài cuộc sống và cũng là dấu hiệu tỏ cho những người khác thấy những người mắc bệnh sẽ không bị xã hội ruồng bỏ. Điều này còn được củng cố bằng một cam kết được đưa vào Luật Chống phân biệt đối xử. Sau đó là đến các tuyên bố – vẫn chưa chuyển sang hành động – rằng chính phủ sẽ bắt đầu sử dụng tiền đóng thuế vào cuộc chiến với AIDS. Cho đến bây giờ, hầu hết mọi chi tiêu cho cuộc chiến chống căn bệnh này là đến từ những tổ chức quốc tế, chính phủ các nước hoặc các tổ chức từ thiện hay từ một số người Ấn Độ. Cũng có một vài chính quyền bang đã làm hết khả năng của họ.
Có lẽ đó là sự động viên khích lệ cho đoạn đầu của câu chuyện, khi bộ trưởng Bộ Y tế Sushma Swaraj công khai ôm ghì hai đứa trẻ mồ côi và mắc bệnh AIDS đã bị mọi người từ chối không cho vào trường học ở một thị trấn phía Nam bang Kerala. Hình ảnh này của bà trước công chúng có thể giúp giảm đi sự ác cảm mà xã hội Ấn Độ luôn chú ý dành cho AIDS. Giống như những câu chuyện tồi tệ vẫn thường được nghe kể, những người đàn ông bị đuổi việc vì dương tính với HIV, nhiều phụ nữ bị lây nhiễm từ các ông chồng và bị gia đình chồng xua đuổi, nhiều người mắc bệnh AIDS bị ném đá cho đến chết,...
Năm 2003, chính quyền nhiều nơi cũng sôi động hẳn lên, như tại Andha Pradesh, một bang với 76 triệu dân - nhỏ hơn bang Kerala và Delhi một chút - là một trong sáu bang có tỷ lệ lây nhiễm trên 1% dân số nên vấn đề chống AIDS rất được quan tâm. Ông Chandrababu Naidu, thống đốc bang đã yêu cầu tất cả các quan chức thuộc quyền phải đề cập đến AIDS trong tất cả các bài phát biểu của họ, bất kể là về vấn đề gì. Bang này cũng cho biết họ sẵn sàng cung cấp thuốc điều trị cho những người mắc bệnh AIDS. Ông Naidu cũng tạo sức ép bắt các thông báo quảng cáo đều phải đưa thêm các dòng cảnh báo về bệnh AIDS và bao cao su luôn sẵn sàng cung cấp tại các cơ sở liên quan, cũng như được phát miễn phí ở khắp các quán rượu.
Dù sao, cách làm ấy cũng dường như quá lỗi thời đối với những nơi như châu Phi và Thái Lan. Có lẽ đó là vì sao những người ngoài cuộc với kinh nghiệm về các bệnh dịch khác lại lên tiếng báo động về tiềm năng đại dịch AIDS tại Ấn Độ. Ngân hàng Thế giới và Chương trình của Liên Hiệp Quốc về phòng chống HIV/AIDS (viết tắt là UNAIDS) là hai tổ chức nổi bật nhất, cùng các tổ chức song phương của Anh và Mỹ đều quan tâm nhiều đến chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Ấn Độ. Vào năm ngoái, Quỹ tài trợ của nhà tỷ phú (Microsoft) Bill Gates và vợ là bà Melinda Gates đã tăng gấp đôi số tiền dành cho Ấn Độ, lên đến 200 triệu USD trong vòng năm năm. Mỹ cũng tỏ vẻ hào hiệp khi tháng trước đưa ra quyết định chọn Ấn Độ là quốc gia thứ 15 trong 15 nước cần giúp đỡ trong Kế hoạch khẩn cấp hỗ trợ giảm AIDS (kế hoạch này của Mỹ trị giá 15 tỷ USD, kéo dài năm năm, được công bố hồi tháng 1/2003).
Không đứng ngoài cuộc, Công ty Dầu khí Ấn Độ, công ty lớn nhất quốc gia này, cũng đứng ra đảm nhận việc tuyên truyền về bệnh AIDS tại 4.000 trạm xăng trên các đường cao tốc, nơi các tài xế xe tải đường dài thường ghé qua (họ cũng là nhóm đặc biệt dễ bị lây nhiễm và trở thành nguồn lan truyền bệnh). Chương trình này còn được góp sức bởi Tập đoàn Vận chuyển Ấn Độ.
Thông điệp từ những bộ phim truyền hình nhiều tập
Mỗi tuần, 64 triệu người Ấn Độ xem các kênh có các ngôi sao truyền hình, điều này sẽ giúp chuyển tải nhanh chóng các thông điệp về phòng chống AIDS. Vì vậy, trong ba năm tới, mỗi năm các kênh truyền hình sẽ cung cấp khoảng 4,65 triệu USD - trị giá của các giờ phát phục vụ quảng cáo về AIDS đến công chúng. Truyền hình cũng sẽ chuyển tải thông tin và thông điệp về AIDS trong các chương trình truyền hình nhiều tập cũng như trong các chương trình khác, sử dụng các kênh truyền hình khác nhau tùy theo đối tượng mục tiêu là giới trẻ, người nói tiếng Hindi hay người Timil.
Đài BBC – Kênh "Sự thật về Thế giới" đã cho thấy hiệu quả của truyền hình và truyền thanh là như thế nào. Rút kinh nghiệm từ một chiến dịch chống bệnh phong thành công ở Ấn Độ và Nepal, họ đã tiến hành một chiến dịch tương tự chống lại AIDS tại Ấn Độ vào năm 2002 với hơn 1.000 chương trình phát sóng nhắm vào hơn một nửa dân số. Những chương trình này bao gồm chương trình người thật, việc thật cho giới trẻ, truyền thanh giải đáp các vấn đề sức khỏe cá nhân qua qua điện thoại, và thành công nhất là chương trình truyền hình tương tác nhiều kỳ mô tả về Jasoos Vijay, một thám tử mang HIV dương tính (thường xuyên được theo dõi bởi hơn 150 triệu khán giả). Những chương trình này còn được hỗ trợ bởi 3.500 màn ảnh chiếu phim tại các làng xã, nơi dân chúng hiếm khi tiếp cận được với truyền thanh và truyền hình.
Các công ty khác, như Tập đoàn Tata và Công ty Đường sắt Ấn Độ, cũng tham gia chiến dịch này. Các công ty dược phẩm thành công nhất của Ấn Độ - đáng kể là Công ty Cipla, Công ty Dược phẩm Hetero, Phòng thí nghiệm Matrix và Phòng thí nghiệm SRL Ranbaxy đã ký kết với tổ chức Bill Clinton để nhận một nhiệm vụ hơi khác một chút: Sản xuất dược phẩm chống virus HIV để cung cấp cho châu Phi và vùng Caribbean với giá rẻ chỉ cỡ 0,37 USD/ngày. Cipla hoàn toàn có thể làm được điều này, vì ông Yusuf Hamied, người điều hành công ty, là người luôn nhúng tay vào các bằng sáng chế được cấp cho các công ty nước ngoài giàu có đang phát triển các loại dược phẩm này tại Ấn Độ. Họ ghét ông ta vì những gì họ thấy ở các loại thuốc "nhái" của ông ta và cả chính sách giá cả của ông (hay nhiều khi đó là của chính họ) gây ra cho họ. Mặc dù vậy, ông Hamied nói: “Tôi không chống lại vấn đề bản quyền. Tôi sẵn sàng thanh toán tiền bản quyền. Nhưng tôi chống lại sự độc quyền”!
Ông Hamied cũng làm chính phủ Ấn Độ hơi bối rối. Việc sản xuất thuốc nhái và giá cả trên trời dưới đất của ông không được xem là bất hợp pháp tại Ấn Độ, nhưng những tuyên bố quá công khai của ông thường đặt nhà chức trách Ấn Độ vào hoàn cảnh khó xử. Chẳng hạn vào năm 2000, ông mời chào để cung cấp miễn phí cho họ nevirapine - một thuốc kháng virus giúp làm giảm rõ rệt khả năng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong khi sinh, khi đó chính phủ đúng là còn “hoàn toàn không có gì hết”. Còn nhớ hồi năm 1993, sau khi được chính phủ tiếp cận, ông Hamied mời chào AZT, một loại thuốc chống AIDS với giá 2 USD/ngày, rẻ hơn sáu lần so với giá thị trường quốc tế. Vậy mà lúc bấy giờ, chính phủ Ấn Độ vẫn không có tiền mua. Hiện nay, ông nói có thể sản xuất thuốc với giá rẻ hơn nhiều, nếu chính phủ miễn giảm thuế nhập khẩu các nguyên liệu và trang thiết bị!
Sức khỏe hoàn toàn không phải là vấn đề được quan tâm của chính phủ Ấn Độ: bộ trưởng Bộ Y tế thường xuyên thay đổi – đó là nấc thang để thăng chức trở thành bộ trưởng Bộ Hàng hải, một trong những bộ lớn nhất nước này. Trong khi đó, NACO có sáu lãnh đạo trong 12 năm. Các nỗ lực nhằm kiểm soát được các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao bị ngăn trở trước thực tế là cả nạn mại dâm và đồng tính luyến ái đều bị xem là bất hợp pháp. Ác cảm gắn liền với AIDS và mọi thứ dính dáng đến nó vẫn còn rất nặng nề, nhất là đối với phụ nữ - những người nghèo khó, luôn bị xem thường và không có chút quyền hành nào.
Chống chọi trong một bối cảnh như vậy, dự báo về sự lây nhiễm thêm hàng triệu con người dường như là một sự thật khủng khiếp. Vậy mà các dự báo tương tự cho Thái Lan và Brazil – đã bị sai hoàn toàn, nhờ vào mọi sự can thiệp nhiệt tình để chống AIDS. Ấn Độ ơi! Mọi việc hoàn toàn chưa quá muộn đâu!
Trần Anh (theo The Economist) |