(VietNamNet) - Hôm 11/5, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã triển khai kiểm tra mặt hàng sữa trên thị trường, bắt đầu từ phường Hàng Buồm, Hà Nội. Tuy nhiên, việc kiểm tra ngày đầu cho thấy vẫn còn quá nặng tính hình thức!
Theo báo cáo ban đầu của lãnh đạo phường Hàng Buồm, ngày 10/5, đại diện quản lý thị trường Hà Nội và y tế quận Hoàn Kiếm đã kiểm tra một số cửa hàng nhưng không phát hiện trường hợp vi phạm nào. Công tác kiểm tra tập trung vào mặt hàng sữa, đặc biệt là sữa không rõ nguồn gốc, nhãn mác không rõ ràng; tiến hành lấy mẫu để kiểm tra chất lượng sữa.
|
Sữa chính hiệu, hay sữa "đóng hộp"? |
Theo đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, công tác kiểm tra sẽ tập trung vào việc xem xét các mặt hàng sữa đóng hộp cho trẻ dưới 12 tháng tuổi và sữa hộp đóng gói, chú ý về nhãn hiệu (tên sản phẩm, nước sản xuất, thời gian sử dụng và cơ sở đóng gói),... Làm việc với lãnh đạo phường Hàng Buồm, ông Lê Nhân Tuấn, Thanh tra Sở Y tế cho biết: Nếu phát hiện cửa hàng nào bán hàng không có hoá đơn của sản phẩm, sẽ xử lý mạnh như thu giữ và huỷ. Hiện việc đóng giả sữa vào hộp rất dễ dàng nên biện pháp mạnh nhất là kiểm tra giấy tờ của sản phẩm.
Ông Tuấn cũng thông báo với lãnh đạo phường: Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra một số dẫn chứng cụ thể về việc nhiều loại sữa xuất hiện trên thị trường nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Những loại sữa được đóng hộp có ''danh tiếng'' như Abbot, Mead Johnson, Dutch Lady, Vinamilk... có giá bán từ 130.000-200.000đ/kg. Trong khi đó, nhiều loại sữa được đóng gói bán với giá thấp hơn từ 42.000-50.000đ/kg. Thực tế, đây chỉ là sữa bột nguyên liệu dùng để làm kem, bánh kẹo... được nhập ngoại nhưng nó đã xuất hiện trên thị trường với cái tên rất mới là "sữa bột béo ngọt" và lại được dùng cho trẻ em, người già, suy dinh dưỡng, với cái tên nhiều tên khác nhau!
Ông Tuấn nhấn mạnh: Việc các cơ sở tự đóng gói sữa rồi tung ra thị trường sẽ dẫn đến việc... loạn sữa. Đáng ngại nhất là các loại sữa nguyên liệu khi nhập vào Việt Nam đã gần hết hạn sử dụng song được chia ra đóng gói rồi ''tự nhiên'' ra hạn sử dụng. Thực ra, những loại sữa tự đóng gói không bị cấm nhưng quan trọng là phải được cơ quan chức năng kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng và cấp giấy cho lưu hành.
Ông Bùi Anh Tuấn, chủ tịch UBND phường Hàng Buồm, thừa nhận việc này là có nhưng cho biết rất khó kiểm tra. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra ở cửa hàng này, các cửa hàng bên cạnh đã nhanh chóng cất hết hàng liên quan. Do đó, việc quan trọng hơn cả vẫn là tuyên truyền cho người dân hiểu được sự nguy hiểm của những loại sữa không đảm bảo chất lượng, nhằm tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra như ở Trung Quốc mới đây.
Buổi chiều 11/5, đoàn thanh tra dự kiến về kiểm tra tại một cơ sở đóng gói sữa được xem là tung ra nhiều loại sữa nhất để phân phối trên thị trường. Thế nhưng vì "lý do khách quan", việc kiểm tra phải hoãn lại vào sáng nay 12/5. Lý do ấy thực chất là: Một cán bộ "có chuyên môn" của Bộ Y tế giờ chót "có việc đột xuất", xin hẹn sẽ đến tham gia đi cùng đoàn vào sáng hôm sau (!?).
Theo chúng tôi, việc kiểm tra kiểu này rõ ràng chẳng thể đảm bảo tính bất ngờ, mà chỉ "rồng rắn" kéo đi theo kiểu... ''đánh rắn động rừng''. Tại sao lại như vậy, thưa Sở Y tế Hà Nội?
|