|
Mỹ ngại công dân của mình sẽ không được xét xử công bằng tại ICC |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Bush vừa quyết định cắt giảm hơn 89 triệu USD trong khoản viện trợ quân sự đối với hàng chục quốc gia có quan hệ gần gũi do những nước này từ chối không miễn trừ xét xử cho binh lính và công dân Mỹ tại Toà án xét xử tội phạm quốc tế (ICC).
Trong danh sách bị cắt giảm viện trợ có một số nước như Brazil, Costa Rica, Peru, Venezuela, Ecuador, Nam Phi và một số quốc gia ở châu Phi và Mỹ Latinh. Quyết định cắt giảm trên bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/10.
Bàn về thông báo trên, ông Heather Hamilton thuộc Hiệp hội những người chủ trương lập chế độ liên bang trên thế giới (WFA) - một trong hàng trăm tổ chức phi chính phủ ủng hộ thành lập ICC nói: ''Đây là lần trừng phạt đầu tiên của Mỹ với một số nước theo chế độ dân chủ''.
Quyết định cắt giảm được thực thi theo Đạo luật bảo vệ các quân nhân Mỹ (ASPA) 2002. Đạo luật này bảo đảm rằng ICC không bao giờ có thể xét xử các công dân Mỹ. Một trong các điều khoản của ASPA là Tổng thống có thể dùng mọi biện pháp, kể cả vũ lực để giải cứu cho các quân nhân bị toà án quốc tế bắt giữ. Ngoài ra, ASPA còn quy định người đứng đầu nước Mỹ có thể giảm viện trợ quân sự đối với những nước đã phê chuẩn Đạo luật Rome 1998 về việc thành lập ICC trừ các nước đồng minh NATO và một số quốc gia như Argentina, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine, Israel. Và trong trường hợp, lợi ích quốc gia bị ảnh hưởng, Tổng thống cũng có thể dùng cách này.
ICC là toà án quốc tế thường trực đầu tiên chuyên xét xử tội phạm chiến tranh, tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng. Trụ sở của cơ quan này đặt tại The Hague (Hà Lan).
(Hoài Linh - Theo AP)
|