|
Tổng thư ký LHQ. |
Tổng thư ký LHQ Cofi Annan khẳng định, LHQ không thể đóng vai trò tại Iraq như mong muốn của Washington. Dù không nói trắng ra rằng LHQ sẽ không tham gia vào quá trình tái thiết Iraq, song trong buổi ăn trưa với các đại sứ tại HĐBA hôm qua, ông Annan đã nói rằng, dự thảo nghị quyết mới do Mỹ soạn thảo đã giao cho LHQ một nhiệm vụ bất khả thi.
"Không hoàn chỉnh"
Đây là một trong những lần hiếm hoi suốt 5 năm nắm chức Tổng thư ký LHQ của mình ông Annan phản đối Mỹ thẳng thừng như vậy về một vấn đề quan trọng. Mặc dù còn nhiều nước hoài nghi song các thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã ngầm nhất trí về dự thảo nghị quyết của Mỹ. Tuy nhiên các nhà ngoại giao cho rằng, bình luận của ông Annan có thể vô hiệu hoá sự ủng hộ của 15 thành viên trong HĐBA.
Một đặc phái viên của ông Annan trình bày quan điểm: "Chúng tôi cần một dự thảo nghị quyết chặt chẽ và khả thi chứ không phải là một nghị quyết không hoàn chỉnh được thông qua bởi sự nhất trí giả tạo của HĐBA". Phát biểu trước báo giới, ông Annan cho rằng, dự thảo nghị quyết đã không làm theo gợi ý của ông về việc thành lập một chính phủ lâm thời Iraq trước khi soạn thảo hiến pháp mới và tổ chức bầu cử.
"Hoặc là Mỹ hoặc là LHQ"
Thay vào đó, nghị quyết nói rõ rằng, chính quyền chiếm đóng do Mỹ lãnh đạo sẽ kiểm soát Iraq cho đến khi tiến hành bầu cử và soạn thảo hiến pháp, một quá trình có thể kéo dài 2 năm. Nghị quyết mới có thể sẽ yêu cầu LHQ hỗ trợ Hội đồng điều hành Iraq 25 thành viên do Mỹ bổ nhiệm, hợp tác với chính quyền chiếm đóng và soạn thảo hiến pháp và tổ chức bầu cử.
Đặc phái viên Tổng thư ký LHQ dẫn lời ông Annan nói, hoặc là liên quân do Mỹ dẫn đầu hoặc là LHQ sẽ phụ trách quá trình xây dựng hệ thống chính trị. Ông cũng cho rằng, quá trình này là rất nguy hiểm. "Chỉ có thể có một người cầm lái và người đó hiện nay là liên quân", quan chức này nói. "Đây là tình thế hai chọn một và việc đóng một vai trò chính trị quá sức là vấn đề rất nhạy cảm".
Chưa hết bất đồng
Sau vụ đánh bom 19/8 nhằm vào Trụ sở LHQ tại Baghdad (làm chết 22 người), ông Annan cho biết, ông muốn có một cách tiếp cận toàn diện hơn đảm bảo cho LHQ quay lại Iraq an toàn. Hiện chỉ có 30 nhân viên LHQ trong hơn 600 người ban đầu có mặt tại Iraq.
Mục đích chính của nghị quyết mới, như dự thảo trước đó, là nhằm chuyển giao nhiệm vụ quân sự tại Iraq từ liên quân sang lực một lượng đa quốc gia được LHQ ủy nhiệm nhưng hoạt động dưới sự chỉ huy của Mỹ. Việc chia sẻ quyền lực cho LHQ nhằm khuyến khích các nước gửi quân tham gia lực lượng mũ nồi xanh, cho dù rất ít nước có ý định đó.
Tuy nhiên, các quan chức LHQ cho rằng, điều này sẽ rất khó đạt được, bởi riêng việc thay đổi cơ cấu lực lượng quân sự tại Iraq sẽ không được các nước dễ dàng chấp nhận. Trong khi đó, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cho biết, "Nghị quyết mới không phải là một nỗ lực duy trì vai trò của chúng tôi tới chừng nào có thể mà là cách thận trọng và trách nhiệm nhằm đảm bảo rằng chúng tôi không bỏ rơi một nhà nước thất bại".
Nga, Pháp, Đức và các thành viên HĐBA khác cũng đồng quan điểm với ông Annan. Họ đều cho rằng, dự thảo nghị quyết mới đã không đáp ứng được kỳ vọng của mình và cần thiết phải chấm dứt tình trạng chiếm đóng nhằm ổn định tình hình hiện nay ở Iraq.
(Lam Sơn - Theo Reuters)
Tổng thư ký LHQ Cofi Annan phản đối dự thảo nghị quyết về Iraq do Mỹ đệ trình
|