Quân đội Nhật Bản trước bước ngoặt lịch sử
08:51' 16/05/2003 (GMT+7)
Máy bay lực lượng phòng vệ Nhật Bản làm công tác cứu trợ tại Afghanistan

Để đối phó với những diễn biến mới của tình hình thế giới kể từ sau sự kiện 11/9/2001 và những "mối đe doạ" ở khu vực, Nhật Bản đang xem xét điều chỉnh, bổ sung các vấn đề pháp lý liên quan đến quân đội. Nhiều khả năng quốc gia duy nhất trên thế giới không có Bộ Quốc phòng này sẽ sớm thực hiện những cải cách căn bản đối với bộ máy quân sự vốn trung thành với mục đích tồn tại duy nhất là phòng vệ kể từ ngày Thế chiến thứ hai kết thúc.

Hạ viện Nhật Bản hôm qua (15/5) chính thức thông qua bộ luật tăng cường khả năng phản ứng của quân đội đối với các cuộc tấn công. Bộ luật này trao thêm quyền cho chính quyền trung ương khi chiến tranh xảy ra, đồng thời quy định những trường hợp quân đội được phép sử dụng tài sản riêng của công dân và hình phạt đối với người dân nếu họ chống lại điều này. Bộ luật sẽ được chuyển lên Thượng viện, cơ quan ít khi nói "không" đối với các quyết nghị của Hạ viện, và dự kiến sẽ được phê chuẩn trước ngày 18/6.

Đây tiếp tục là một thành công lớn của Thủ tướng Junichiro Koizumi. Trước đó, ngay sau khi các vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ xảy ra, ông Koizumi đã thuyết phục được Quốc hội bổ sung thêm quyền chống khủng bố cho quân đội. Kể từ khi nhậm chức cách đây 2 năm, ông này coi việc mở rộng quyền hạn cho quân đội là một mục tiêu hoạt động quan trọng trong nhiệm kỳ của mình.

Nhưng nếu được Quốc hội thông qua, bộ luật này sẽ mâu thuẫn với chính Hiến pháp Nhật Bản, vốn bác bỏ chiến tranh và hạn chế chính phủ sử dụng quân đội. Theo đó, quân đội (phiên chế ở Cục Phòng vệ Nhật Bản) chỉ có nhiệm vụ bảo vệ đất nước và tham gia các lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế không chiến đấu.

Hơn nữa, một số ý kiến chỉ trích trực tiếp bộ luật này, cho rằng chúng là một bước tiến tới quá trình tái vũ trang, rất mơ hồ và có thể dẫn tới lạm dụng quyền lực hay vi phạm các quyền dân sự.

Các nhà quan sát cho biết những động thái đáng lo ngại từ quốc gia láng giềng CHDCND Triều Tiên là một trong những nguyên cớ khiến Nhật Bản rất bức xúc về thực lực quân sự. Tokyo đứng ngồi không yên khi đầu năm nay Bình Nhưỡng thử thành công 2 hoặc 3 quả tên lửa tầm ngắn. Trước đó, vào năm 1998, tên lửa của CHDCND Triều Tiên cũng đã băng qua Nhật Bản và vọt ra Thái Bình Dương. Điều này có nghĩa là hầu như toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản nằm gọn trong tầm bắn của tên lửa CHDCND Triều Tiên.

Các vụ thử này đã khiến Nhật Bản toan tính đến khả năng áp dụng quyền tấn công phủ đầu khi biết chắc rằng mình sắp sửa bị tấn công. Thủ tướng Koizumi cho rằng Tokyo hoàn toàn có quyền đó.

Tuy nhiên, giải pháp này đang gặp phải 2 trở lực đáng kể. Thứ nhất, người Nhật hầu hết phản đối chiến tranh và bài học về sự thất bại của quân đội từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1945 vẫn đang ám ảnh họ. Thứ hai, khả năng tấn công quân sự của Nhật Bản thực sự rất hạn chế. Tokyo hiện có 27 khẩu đội chống tên lửa Patriot, nhưng chúng chỉ đủ khả năng xử lý tên lửa tầm ngắn và tốc độ thì thấp hơn nhiều so với các loại tên lửa mà Bình Nhưỡng đang phát triển.

Nhật Bản đang tính toán việc tăng cường vũ khí cho quân đội nhưng, như thừa nhận của Cục trưởng Cục Phòng vệ Shigeru Ishiba, bất kỳ hành động tấn công nào của đất nước mặt trời mọc cũng phải dựa vào hơn 50.000 quân Mỹ đang đóng tại đây theo hiệp ước an ninh song phương được ký kết sau năm 1945.

(Tiến Dũng - Theo AP)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Xe tăng Israel tràn vào Gaza (15/05/2003)
Mỹ chỉ trích Arập Xêút sau các vụ tấn công ở Riyadh (15/05/2003)
Quân Mỹ tấn công Tikrit, bắt giữ 200 người (15/05/2003)
''Mỹ không có kế hoạch tấn công quân sự Iran'' (15/05/2003)
Nga - Mỹ chia rẽ trong vấn đề Iraq (15/05/2003)
Cháy tàu ở Ấn Độ, ít nhất 35 người thiệt mạng (15/05/2003)
Hạ viện Nga thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí với Mỹ (15/05/2003)
Ứng viên Menem rút khỏi bầu cử Tổng thống Argentina (15/05/2003)
Mỹ: Thâm hụt thương mại lên tới 43,5 tỷ USD (15/05/2003)
Chechnya tiếp tục bị đánh bom (14/05/2003)
Đức - Indonesia tăng cường hợp tác chống khủng bố (03/11/2003)
Hàn Quốc muốn quân Mỹ tiếp tục có mặt tại DMZ (14/05/2003)
Mỹ cho phép bắn bỏ những kẻ hôi của tại Iraq (14/05/2003)
Nổ hầm lò ở Trung Quốc, 63 người thiệt mạng (14/05/2003)
Tái mở cửa khẩu Iraq - Syria (14/05/2003)
Tro ve dau trang