Kinh tế - yếu tố quyết định trong chiến dịch tranh cử của Bush?
17:03' 20/05/2003 (GMT+7)

Bush con.

Đa số các nhà quan sát, theo dõi chính trường Mỹ những năm gần đây đều có quan điểm cho rằng, cựu Tổng thống Mỹ George H. Bush thất bại trong cuộc tái tranh cử nhiệm kỳ hai năm 1992 trước đối thủ Đảng Dân chủ, ông Bill Clinton, là vì kinh tế Mỹ lúc đó xấu đi, cử tri Mỹ muốn thay đổi...

Tuy nhiên, nhà bình luận Tony Blankley của tờ "Thời báo Washington" lại không cho là như vậy. Bush (cha) năm 1992 đã thất bại vì nhiều lý do khác, Bush (con) trong cuộc tái tranh cử năm 2004 sẽ có số phận khác với cha. Dưới đây là những ý kiến của ông Blankley.

Các nhà phân tích, bình luận thời sự vẫn thường khó cưỡng lại thủ pháp dễ dàng khi so sánh khả năng tái cử của đương kim Tổng thống Bush với những gì đã xảy ra với Bush cha trong năm 1992, mặc dù họ là những người khác nhau, ở vào những thời điểm khác nhau. Trong khi đó, nếu tư duy một cách lôgic, người ta có thể so sánh khả năng tái cử của Bush (con) với chiến thắng tái cử vang dội của cựu Tổng thống Ronald Reagan trong năm 1984 hay của Frankelin D. Roosevelt năm 1944 hoặc của Nixon năm 1972.

Những phân tích thường gặp hiện nay là Bush (cha) chiến thắng trong chiến tranh Trung Đông, kinh tế Mỹ xấu đi và ông thất cử. Nay Bush (con) lại thắng trong chiến tranh Trung Đông, kinh tế cũng xấu đi và thế là... có thể ông sẽ thất cử.

Cái sai của cách phân tích này là ở chỗ Bush (cha) trong năm 1992 không phải thất cử vì nền kinh tế xấu đi, mặc dù nếu nền kinh tế lúc đó khiến cử tri Mỹ hài lòng thì chắc chắn ông đã thắng. Nguyên nhân dẫn đến thất bại của Bush (cha) năm 1992 có khá nhiều, xuất hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông năm 1988.

Bush (cha) tranh cử lần đầu với những vấn đề như lòng trung thành với nước Mỹ, công đoàn, các nhà máy sản xuất cờ, tội phạm được tại ngoại và không tăng thuế. Đây là những vấn đề tình cảm, mang màu sắc bảo thủ, dễ tranh thủ được cử tri trước một đối thủ có khuynh hướng tự do rõ rệt như Michael Dukakis. Vấn đề trung tâm, truyền thống của Đảng Cộng hòa từ những năm 1970 - không tăng thuế - vẫn chiếm vị trí trung tâm, có sức tập hợp lực lượng lớn đối với tầng lớp trung lưu lớp trên ở Mỹ. Nhưng đến năm 1988, Bush (cha) đã có biểu hiện thay đổi lập trường đối với vấn đề trung tâm này; năm 1990, ông bắt đầu tăng thuế. Với quyết định đó, Bush (cha) đã chia rẽ Đảng Cộng hòa, làm suy yếu cơ sở quyền lực chính trị của mình trong khối cử tri trung lưu, bảo thủ.

Ed Rollins, lúc đó là người điều hành ủy ban tranh cử Hạ viện của Đảng Cộng hòa, đã khôn ngoan khuyến cáo các nghị sĩ của đảng, khi tranh cử, nên đi ngược lại quan điểm của ông Bush về vấn đề thuế. Từ chỗ trong đảng bị chia rẽ, uy tín của ông Bush lại vượt lên với chiến thắng quân sự ở Iraq (1991). Nhưng thực ra khi đó cơ sở quyền lực của ông đã ruỗng nát. Mùa xuân năm 1991, ông lại tuyên bố hoãn việc thực hiện các chương trình kinh tế đến năm 1992. Trên thực tế, ông chưa bao giờ đưa ra được một chương trình kích thích kinh tế đáng hoan nghênh. Chương trình đối nội của ông sau chiến tranh chỉ là một dự luật về giao thông và một dự luật về chống tội phạm hình sự. Các nghị sĩ Cộng hòa nổi dậy chống ông Bush, người theo Rush Limbaugh, lúc này đã tranh thủ được hàng triệu cử tri bảo thủ, phản đối việc tăng thuế của ông Bush.

Năm 1992, ngay trong Đảng Cộng hòa, ông Bush còn gặp phải thách thức lớn của ứng cử viên Tổng thống Pat Buchanan, người đã giành được tới 37% số phiếu ủng hộ tại cuộc bầu cử sơ bộ của đảng ở New Hampshire. Bài diễn văn với màu sắc "cuộc chiến tranh văn hóa" của ông Buchanan ở đại hội Đảng Cộng hòa đã thực sự trở thành một vụ bê bối báo chí của ông Bush. Chiến dịch tranh cử, tiến tới đại hội Đảng của ông Bush đã được điều hành rất kém. Vì lúc đó Ngoại trưởng James Baker được ông đề nghị từ chức để làm người điều hành chương trình tranh cử. Baker không muốn dính líu vào chuyện chính trị, từ chối dàn dựng đại hội Đảng Cộng hòa cho cánh của ông Bush. (Mọi người cứ thử tưởng tượng xem, nếu Karl Rove, cố vấn chính trị của Bush (con) hiện nay, không làm hết sức mình trong chiến dịch tái tranh cử thì mọi chuyện sẽ ra sao?). Ngoài ra, ông Bush (cha) còn mất người quản lý chiến dịch tranh cử tài ba, quyết đoán Lee Atwater, chết vì bệnh ung thư.

Chưa hết, thách thức với Bush (cha) hồi đó còn có nhà tỷ phú Ross Perot, đồng hương bang Texas, cực kỳ ghét Bush, quyết tâm làm "tất cả những gì có thể làm được" để hạ bệ Bush. Ra tranh cử tổng thống với tư cách ứng cử viên độc lập, ông Perot đã góp phần "phi đảng phái hóa" những lời phê phán Bush, giúp cho phe Dân chủ của Clinton dễ dàng vượt lên. Đã thế, ngay sau ngày Clinton được Đảng Dân chủ chính thức đề cử, ông Perot tuyên bố rút khỏi cuộc đua tay ba, dồn hầu hết 25% cử tri ủng hộ ông sang ủng hộ cho Bill Clinton.

Trong cuộc tranh luận tay đôi truyền hình tháng 10/92, ông Bush lại mất điểm khi mang vóc dáng yếu ớt, già nua bên một Clinton trẻ trung đầy sinh lực; ông lại còn luôn nhìn đồng hồ, một cử chỉ khinh thị, khiến nhiều người Mỹ khó chấp nhận. Một tuần, trước ngày bầu cử, "quả bom Iran - Contragate" lại bùng nổ, ông Bush bị dư luận nghi có liên đới trách nhiệm. Kết thúc ngày bầu cử, Bush chỉ được 38% số phiếu so với 43% số phiếu dành cho Bill Clinton.

Bất chấp việc nền kinh tế yếu kém, Bush (cha) đã có thể chiến thắng nếu ông không gặp phải những chuyện không may và yếu kém của guồng máy tranh cử. Vị thế của Bush (con) hiện nay khác với Bush (cha) "một trời một vực". Ông có một Đảng Cộng hòa thống nhất, không có đối thủ thách thức trong nội bộ Đảng, giành được sự ủng hộ nhiệt thành của hầu hết đảng viên và của khối cử tri bảo thủ. Bush (con) lại đang chiến đấu rất quyết liệt để cắt giảm thuế, kích thích nền kinh tế. Mặc dù nước Mỹ không còn phải đối mặt với một cuộc chiến tranh, người Mỹ vẫn thấy họ đang gặp nguy hiểm và họ tin ở khả năng lãnh đạo quyết đoán, vững vàng của ông Bush. Đã vậy, phù trợ ông hiện nay lại là những tay chuyên gia, lọc lõi trong nghề chính trị, đứng đầu là cố vấn chính trị Karl Rove, luôn biết cách giữ cho tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ với ông Bush ở mức cao.

Tất nhiên, trong chính trị, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhưng nói cho ngay, nếu kinh tế Mỹ không bị một cơn trầm phát nghiêm trọng, thì yếu tố quyết định cho thắng lợi của ông Bush trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ không phải là nền kinh tế.

  • Mỹ Dung
     
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nổ lớn tại Ankara (20/05/2003)
Indonesia triển khai thêm lính dù tới Aceh (20/05/2003)
Nga trang bị cho Malaysia 18 máy bay Su-30 (20/05/2003)
Al-Qaeda không dính líu ụ đánh bom Casablanca (20/05/2003)
Thái Lan - Myanmar tăng cường hợp tác qua biên giới (20/05/2003)
Đình công tiếp tục lan rộng tại Pháp (20/05/2003)
Lũ lụt ở Sri Lanka: Số người chết lên tới 200 (20/05/2003)
Trực thăng Mỹ rơi ở Iraq, 5 người chết (20/05/2003)
Mỹ cam kết tiếp tục giúp Philippines về quân sự (20/05/2003)
Bom lại nổ tại Israel, 3 người thiệt mạng (20/05/2003)
Hàn Quốc đợi hành động mới của CHDCND Triều Tiên (20/05/2003)
Mỹ trình LHQ dự thảo nghị quyết về Iraq (20/05/2003)
30.000 thành viên đảng Baath bị cấm tham gia tân chính phủ Iraq (20/05/2003)
Phát ngôn viên của Tổng thống Bush từ chức (20/05/2003)
Cuộc chiến Iraq kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế EU (20/05/2003)
Tro ve dau trang