|
Liên Hợp Quốc sẽ có tác dụng trong nghị quyết mới này? |
Chính phủ Mỹ tiên đoán sẽ nhận được ''sự ủng hộ thiết yếu'' của LHQ đối với bản dự thảo nghị quyết đề nghị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iraq. HĐBA dự kiến sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày mai (22/5).
Bản dự thảo nghị quyết do Mỹ đưa ra nhằm đòi hỏi quyền được điều hành Iraq cho đến khi cộng đồng quốc tế cộng nhận một Chính phủ lâm thời Iraq, đồng thời được sử dụng nguồn dầu mỏ quý giá của quốc gia Trung Đông này để chi trả cho quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Tuy nhiên, Nga, Pháp và Trung Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hai bản dự thảo nghị quyết trước đó và đối với bản dự thảo nghị quyết lần này cũng vậy. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh: ''Vai trò của HĐBA trong việc giám sát quá trình tái thiết Iraq cần phải rõ ràng''.
Giới quan sát đánh giá, giới cầm quyền Mỹ và Anh đã có nhiều nhượng bộ. Tuy nhiên, trước đó Pháp tuyên bố, vai trò mà Mỹ - Anh đưa ra đối với LHQ là chưa đủ.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Anh tại LHQ Jeremy Greenstock cho biết, các thành viên khác của Hội đồng Bảo an sẽ thấy đây là một bản dự thảo có nhiều cải tiến phản ánh sự quan tâm của các nước. Ông này nhấn mạnh: ''Các nước có thể thấy được những dấu hiệu khả quan tiến tới sự đồng thuận về vai trò của LHQ''.
Theo bản dự thảo nghị quyết của Mỹ, chương trình đổi dầu lấy lương thực của LHQ tại Iraq sẽ được gia hạn đến cuối năm. Do đó, các hợp đồng ký kết giữa Nga và chính quyền Iraq trước đây sẽ có thời gian để giải quyết.
(Trần Kiên - Theo AP, BBC) |