Báo chí Nhật hôm nay (31/5) đồng loạt đưa tin, Tokyo dự định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ sản xuất vào đầu năm 2006 nhằm tăng cường khả năng tự bảo vệ trước các mối đe doạ quân sự. Thông tin này được đăng tải vào đúng thời điểm Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Paul Wolfwitz công du châu Á để thảo luận về kế hoạch tái sắp xếp lực lượng tại khu vực.
Trong thời gian qua, các quan chức Nhật thường tỏ ra lo lắng về việc nước này thiếu khả năng tự bảo vệ trước CHDCND Triều Tiên đặc biệt vào thời điểm căng thẳng quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang ngày càng gia tăng. Tokyo lo ngại tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng có thể chạm tới Nhật và chương trình hạt nhân của quốc gia này tiềm ẩn một mối nguy hiểm lớn.
Hãng tin Kyodo dẫn tin từ chính phủ Nhật cho biết, kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần trong Dự thảo chương trình phòng vệ quốc gia của Nhật dự kiến tiến hành vào cuối năm nay. Theo đó, Nhật có ý định triển khai hệ thống tên lửa Patriot cải tiến 3 (PAC-3), được nâng cấp từ hệ thống PAC-2 mà hiện Nhật đang sở hữu. Ngoài ra, Tokyo sẽ cải tạo 4 tàu khu trục Aegis, thay thế hệ thống phát hiện tên lửa công nghệ cao hiện nay bằng hệ thống phòng thủ tên lửa mới do Mỹ chế tạo. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Nhật, chi phí thấp nhất cho hai hệ thống này sẽ tiêu tốn khoảng 500 tỷ yen (4,23 tỷ USD)
Chính phủ Nhật hiện chưa xác nhận các thông tin trên song các nguồn tin quân đội khẳng định, cả hai kế hoạch trên đều đang được xem xét thực thi. Để triển khai một hệ thống bảo vệ mới, chính phủ Nhật cần phải phê chuẩn bằng văn bản song quyết định này có thể gặp khó khăn vì lo ngại biện pháp trên có thể vượt quá giới hạn các hiến pháp hoà bình của quốc gia.
Hiến pháp Nhật thời hậu chiến nghiêm cấm việc dùng chiến tranh như một phương pháp để giải quyết xung đột quốc tế và quy tắc này được hiểu là quân đội Nhật bị hạn chế trong sử dụng các biện pháp tự vệ.
(Hoài Linh - Theo Reuters, Japan Times)
|