|
Chính quyền khác, chính sách khác. |
Washington vừa ra khuyến cáo các quốc gia không nên gửi nhân viên ngoại giao của mình tới Iraq trước thời gian bầu cử chính phủ mới tại đây trừ khi nhận được đề nghị của chính quyền lâm thời Mỹ ở Baghdad. Theo đó, Mỹ không đảm bảo toàn bộ phái viên các nước được công nhận dưới thời chính quyền Saddam Hussein được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Richard Boucher nói: ''Chúng tôi không khuyến khích các nước gửi đại diện tới Iraq. Mặc dù có quyền cho phép ai có thể vào quốc gia này song chúng tôi sẽ không thể cấp cho họ quy chế ngoại giao''. Quan chức ngoại giao Mỹ đã tuyên bố như vậy sau khi có thông tin văn phòng đại diện Palestine tại Baghdad bị lục soát và 3 nhà ngoại giao tại đây bị bắt.
Ông Richard Boucher cho biết thêm, mặc dù toàn bộ các nhà ngoại giao được thừa nhận dưới thời chính quyền Saddam không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao song toàn bộ tài sản của các văn phòng đại diện các nước tại Iraq vẫn được đảm bảo và bảo vệ theo quy định quốc tế.
Cùng với việc gửi thông báo trên tới nhiều quốc gia trên thế giới, Mỹ cùng với Anh, Pháp, Đức đề nghị LHQ giúp đỡ hàng trăm nghìn người Iraq đang tị nạn tại châu Âu trở về nước. 4 quốc gia này đề nghị tặng tiền và nhiều hình thức khuyến khích khác để nạn dân Iraq tình nguyện hồi hương. Bộ trưởng Nội vụ Anh David Blunkett cho biết, nếu các biện pháp kêu gọi người dân tự nguyện trở về nước không hữu hiêu, thì ép buộc sẽ được sử dụng.
Ruud Lubbers, thành viên của Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR) cam kết, vào cuối tháng 6 này sẽ có báo cáo đánh giá về tình hình an ninh và nhiều điều kiện khác để thông báo cho những người muốn hồi hương tự nguyện. Ước tính, có khoảng 4 triệu người đã rời bỏ Iraq trong vòng 25 năm cầm quyền của chế độ Saddam Hussein.
(Hoài Linh - Theo Reuters, PTI)
|