G8 đã làm được gì qua Hội nghị Evian?
11:17' 05/06/2003 (GMT+7)

Mặc dù đã đề ra những mục tiêu ngay từ đầu, Hội nghị thượng đỉnh G8 năm nay đạt được rất ít kết quả. Ngoài việc đưa ra những biện pháp an ninh và chính trị, các nước công nghiệp hàng đầu thế giới không làm được gì nhiều cho kinh tế thế giới so với tầm vóc và sứ mạng của khối này.

Mặc dù tươi cười, song thực ra, các lãnh đạo Lục địa Đen nhận được rất ít từ Hội nghị G8 năm nay.

Thất vọng

Kêu gọi cộng đồng quốc tế thắt chặt kiểm soát vũ khí; chỉ trích CHDCND Triều Tiên, Iran về chương trình hạt nhân và giảm giá dược phẩm cho các nước thuộc thế giới thứ ba là tất cả những gì Evian 2003 đạt được. Chỉ trong 72 giờ, những vấn đề về hỗ trợ các nước nghèo; tìm giải pháp cho tài nguyên nước của châu Phi; dỡ bỏ chính sách trợ giá nông sản của châu Âu và Mỹ... vẫn chỉ là những vấn đề mang ra để bàn mà thôi.

Trên danh nghĩa, Hội nghị G8 tại Evian là cơ hội cho lãnh đạo các nước trong khối giải quyết những vấn đề lớn liên quan tới châu Phi cũng như kinh tế toàn cầu. Song trên thực tế, mục tiêu chính đã không phải như người ta mong đợi. Dù không ai nói ra, song đến dự Evian, nguyên thủ các nước trong khối đều muốn thể hiện một cái bắt tay thật chặt với hy vọng hàn gắn vết rạn nứt trong quan hệ bắt nguồn từ vấn đề Iraq. Nhưng ngay cả mục tiêu này cũng không đạt được một cách trọn vẹn.

Bush và Chirac, hai người nhìn về hai hướng.

Sau cái bắt tay ngoại giao gượng gạo, Jacques Chirac và George W. Bush đã có một cuộc gặp "thân mật" hôm thứ hai. Song vết rạn nứt trong quan hệ Washington - Paris đã không được hàn gắn như ông Bush mong đợi. Chỉ một ngày sau khi rời hội nghị lên đường tới Trung Đông, ông Bush đã bị dội một gáo nước lạnh khi người đồng nhiệm Chirac nhắc lại lập trường của mình rằng, cuộc chiến chống Iraq của Mỹ vừa qua là bất hợp pháp.

Mặc dù không tán thành kế hoạch của Wasshington cho phép cảnh sát Mỹ chặn đứng những con tàu tình nghi vân chuyển vật liệu có thể sử dụng để sản xuất WMD, song Paris đã cùng các nước trong khối chỉ trích chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran. Tuyên bố chung kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ "rõ ràng và dứt khoát" bất kỳ một ý định phát triển chương trình vũ khí nào mà nước này đang ấp ủ. Tuyên bố cũng kêu gọi Tehran ký vào nghị định thư quốc tế bổ sung về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong một bước tiến đáng kể, ông Putin cam kết rằng, Nga sẽ "tạm ngừng xuất khẩu nguyên liệu hạt nhân sang Iran cho tới khi nước này ký vào nghị định thư nói trên.

Mặc dù không xảy ra thảm hoạ ngoại giao nào tại Evian, song đối với khách mời của G8, bao gồm lãnh đạo các nước châu Phi và đại diện các tổ chức phi chính phủ, thì Hội nghị năm nay quả khó có thể được xem là thành công. Nói như người đại diện của Oxfam, một tổ chức chống đói nghèo phi chính phủ nổi tiếng, khi lịch sử cuộc chiến chống đói nghèo được viết ra, Evian 2003 thậm chí sẽ không đáng được làm "một lời chú thích ở cuối trang".

Né tránh

Trong các cuộc gặp riêng với các đồng nhiệm, thay vì giải thích về cuộc chiến vừa qua, ông Bush lại tập trung bàn về tương lai của Iraq và cả về đề tài "nóng" nhất hiện nay, đồng thời cũng là nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia - vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD).

Cũng như những cuộc họp trước đây, tuyên bố bế mạc của Hội nghị năm nay cũng khiến cho người ta không khỏi buồn ngủ. Bản tuyên bố chỉ dành ít dòng nói cho những vấn đề nan giải của các nước đang phát triển (ngay cả khi khách mời đã đưa ra đề xuất cụ thể trước hội nghị). Chẳng hạn như đề xuất của Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki về vấn đề nước sạch, một đề tài luôn bị né tránh trong các cuộc họp lần trước đây, chỉ nhận được một giải pháp chung chung: "Cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn nữa".

Cảnh sát phải dùng tới vòi rồng để dẹp đoàn người biểu tình phản đối.

Và mặc dù nhất trí đưa ra cam kết tăng cường cung cấp dược phẩm rẻ cho thế giới thứ ba, song cả Mỹ và châu Âu không có một bước tiến nào trong việc giảm, xoá nợ cho châu Phi hay trợ giá nông sản - mục tiêu mà các tổ chức phi chính phủ đang tìm kiếm. Chủ đề kinh tế giờ đây nhường chỗ cho các vấn đề chính trị. Nội dung chính của hội nghị đã bị xem nhẹ, thay vào đó là những tiếng thở phào nhẽ nhõm của những người tham dự, bởi một thảm hoạ ngoại giao như nhiều người lo ngại đã không xảy ra tại hội nghị.

Tuy nhiên, đó không phải là cảm giác của hàng chục nghìn người đang biểu tình phản đối ở các thành phố của Thuỵ Sĩ, những người đã đập phá cửa hàng và xô xát với cảnh sát. Con số thiệt hại do biểu tình cũng như chi phí an ninh cho Evian 2003 ước tính lên tới hàng triệu USD.

  • Lam Sơn (tổng hợp)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Người Ấn Độ khốn khổ vì nắng nóng (05/06/2003)
NATO sẽ tham gia quá trình tái thiết Iraq (05/06/2003)
Hội nghị thượng đỉnh Trung Đông kết thúc thành công (05/06/2003)
Can phạm vụ đánh bom Bali: ''Tôi muốn tấn công người Mỹ'' (05/06/2003)
Số người chết do nắng nóng ở Ấn Độ vượt quá 1.000 (04/06/2003)
Mỹ chuyển 6.000 quân ra khỏi trung tâm Seoul (04/06/2003)
Indonesia xét xử binh sĩ ngược đãi dân thường (04/06/2003)
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm khống chế SARS (04/06/2003)
Hàn Quốc ''phản đòn'' CHDCND Triều Tiên (04/06/2003)
Chirac: "Pháp không thay đổi lập trường về cuộc chiến Iraq" (04/06/2003)
Thủ tướng Anh bị điều tra vì tội lừa dối (04/06/2003)
''Saddam Hussein vẫn sống tại Baghdad'' (04/06/2003)
Cuối tuần này, IAEA sẽ trở lại Iraq? (04/06/2003)
Nga "tạm ngừng giúp đỡ Iran trong lĩnh vực hạt nhân" (04/06/2003)
Biểu tình tiếp diễn tại Peru (04/06/2003)
Tro ve dau trang