Tái thiết Iraq: Nhiệm vụ bất khả thi?
09:39' 06/07/2003 (GMT+7)
Thường dân Iraq chia nhau từng thùng nước

Khu vực dịch vụ công tan hoang, các cuộc tấn công du kích vẫn không ngừng xảy ra, tội phạm tràn lan, các cuộc cãi vã tranh giành doanh thu dầu mỏ và cấp tài chính cho quá trình tái thiết ngày càng quyết liệt, đặc biệt chưa có dấu hiệu thành lập được cái gọi là ''Chính phủ của người Iraq'', đó chỉ là một trong muôn vàn khó mà các nhà lãnh đạo lâm thời tại Iraq đang phải đối mặt. Phải chăng chính quyền của ông Bush đã dành quá nhiều thời gian để nghĩ cách bảo vệ chiến thắng quân sự và quá ít để vạch ra giải pháp tái thiết quốc gia vùng Vịnh này khi Saddam Hussein đã bị truất quyền?

Mọi kỳ vọng dường như đã lên cao trào khi liên quân thắng lợi chóng vánh đập tan chế độ Saddam Hussein hồi tháng tư vừa qua. Nhưng, người Mỹ một lần nữa lại chứng minh thực tế rằng, họ giỏi chiến thắng về mặt quân sự hơn là tái thiết, một giai đoạn quan trọng và tối cần thiết khi chế độ cũ bị lật đổ. Trước tiên, thật nực cười, viên ''tổng trấn'' hậu Saddam - Jay Garner, một tướng Mỹ nghỉ hưu đã chẳng làm được gì và buộc phải nhường chỗ cho Paul Bremer, một sự lựa chọn khác của Lầu Năm Góc. Và giờ đây, Paul Bremer và các cố vấn thân cận của mình đang phải lao tâm khổ tứ trước cảm cảnh: khủng hoảng nhân đạo; kỷ luật trật tự bị phá vỡ; không thể đoàn kết các đảng phái để thành lập chính phủ lâm thời; thiếu tiền tái thiết cơ sở hạ tầng...Tất cả những vấn đề đó ngày càng làm ông Bremer đau đầu hơn ông nghĩ khi bắt đầu tiếp quản nhiệm vụ ''bất khả thi này'' (?).

Mỹ đã hoàn thành mục tiêu chiến tranh?

Bush tuyên bố bế mạc chiến dịch tấn công Iraq hồi đầu tháng 5

Ý đồ lật đổ chính quyền Saddam — một trong những mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ cuối những năm 90 - đã thành công viên mãn chỉ trong một tháng khởi hấn. Lực lượng quân sự Iraq kháng cự hầu như không đáng kể và đặc biệt chẳng có bất kỳ mệnh lệnh sử dụng vũ khí sinh hoá nào. Binh lính Iraq đã ''tan chảy'' vào thường dân trước các đòn tấn công ồ ạt của liên quân.

Tuy nhiên, vũ khí huỷ diệt hàng loạt (WMD) của Iraq, cái cớ chính để Mỹ phát động chiến tranh, vẫn chẳng thấy đâu. Một tập hồ sơ dày cộp của Anh cho rằng Saddam có thể sẽ tung ra đòn tàn phá quyết định trong vòng 45 phút chỉ là chủ đề chế nhạo của công chúng. Các cơ sở tình nghi WMD và phòng thí nghiệm di động vi khuẩn cho đến nay cũng chẳng ''đẻ'' ra chút bằng chứng nào về vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Và, cái mối quan hệ của Saddam với al-Qaeda được Washington và London gán cho đến nay chẳng được mấy ai ủng hộ. Đặc biệt mới đây, LHQ đã chính thức tuyên bố, Iraq không có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda.

Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, song cho đến nay, hàng loạt các nhân vật chủ chốt thuộc chính quyền Saddam vẫn đang tự do. Liên tục đẩy mạnh các chiến dịch truy quét, liên quân Anh - Mỹ vẫn không thể phát hiện ra Saddam và 2 con trai Uday và Qusay. Trong số 55 cựu quan chức Iraq bị Mỹ truy nã, mới chỉ có một nửa bị bắt hoặc tự đầu thú. Ngày 18/6, Abid Hamid Mahmud, thư ký riêng của Saddam, đã bị bắt trong một cuộc đảo chính có lợi cho đồng minh. Vài ngày sau đó, Cựu Bộ trưởng Thông tin, người chẳng mấy nguy hiểm và được người ta gán cho cái biệt hiệu ''Hề Ali'' đã đầu hàng Mỹ, song dường như ông này không đủ quan trọng để Mỹ tống vào tù.

Khi nào Iraq mới được ổn định?

Tình trạng hôi của tràn lan khi chính quyền Saddam bị tan rã

Trả lời câu hỏi trên quả là không dễ, nhưng tình trạng bất ổn tại Iraq có thể kéo dài vài tháng, thậm chí là vài năm. Nhiều vùng trên lãnh thổ quốc gia vùng Vịnh này, trong đó có cả thủ đô Baghdad, hiện hầu như vẫn trong tình trạng vô trật tự. Liên quân đã quá nhanh chóng buộc lực lượng quân đội Iraq phải đầu hàng hoặc tự tan rã, song quá chậm chạp trong việc lấp chỗ trống bỏ lại bởi lực lượng quân đội và cảnh sát Iraq. Nạn cướp bóc hôi của hoành hành khắp các đô thị. Nói gì đi nữa, chính quyền mới cũng đã đạt được nhiều tiến bộ. Hiện có khoảng 8.000 cảnh sát trải quân tại 18 đồn trong nội đô Baghdad. Nhiều toà án đã bắt đầu rục rịch hoạt động trở lại để giải quyết các vụ án cướp bóc, hôi của, bạo lực..Cuối cùng, nhiều người vẫn rất ngại đi ra ngoài, đặc biệt vào ban đêm.

Lực lượng liên quân đã giải tán quân đội Iraq vì sợ rằng, cái lực lượng này là một tổ chức thối nát đầy rẫy các thành viên đảng Baath của Saddam. Hành động trên của liên quân đã đẩy khoảng 400.000 người lâm vào cảnh thất nghiệp và lẽ đương nhiên, họ rất giận dữ. Đáng lo ngoại hơn, hàng nghìn người đã tập trung biểu tình vì không được trả lương và trong một cuộc biểu tình tương tự, 2 cựu binh Iraq đã bị lính Mỹ bắn chết. Trước tình hình trên, ông Bremer đã đồng ý, 250.000 cựu binh Iraq sẽ được nhận lương khoảng từ 50 - 150 USD/tháng. Kế hoạch tuyển mộ 40.000 binh sĩ vào lực lượng quân đội mới sẽ được thực hiện trong tuần này.

Thời gian gần đây, binh sĩ Mỹ và Anh thương xuyên bị tấn công, quân số thương vong ngày càng tăng. Thực ra, các cuộc tấn công nhằm vào liên quân, xảy ra chủ yếu tại các khu vực ngoại vi Baghdad là hệ quả của hàng loạt chiến dịch thẳng tay của chống bạo loạn của liên quân hồi giữa tháng 6.

Nhu cầu viện trợ nhân đạo của Iraq ra sao?

Đó là một con chó không biết sủa: cuộc khủng hoảng nhân đạo mà các cơ quan cứu trợ lo ngại và được ông Garner tập trung chú ý đã không xảy ra. Khoảng 27 triệu người Iraq vẫn chưa thấy đói. LHQ tuyên bố, lương thực dành cho hết năm nay vẫn còn đủ.

Kế hoạch chuyển nước từ Kuwait đã phần nào đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân Iraq. Đơn cử, Baghdad hiện đang nhận khoảng 70%-90% so với thời kỳ trước chiến tranh. Tuy nhiên, nước thải tiếp tục được đổ ra sông ngòi mà không được xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước sinh hoạt. Về điện sinh hoạt, các nhân viên cứu trợ khẳng định, tính đến đầu tháng 6, Baghdad đã được đáp ứng 50%-60% nhu cầu, so với 40% thời kỳ trước chiến tranh. Tuy nhiên, tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra.

Liệu nền kinh tế Iraq có được điều trị?
 

Ông Bremer cho rằng, cải thiện tình hình kinh tế mang ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều so với việc thành lập một chính phủ lâm thời và tất nhiên ông này nhắc nhiều đến khoản giải ngân 400 triệu USD cho Iraq, trong đó dành phàn lớn để trả lương cho khu vực hành chính công. Tuy nhiên, hiện ở Iraq vẫn song song lưu hành 3 loại tiền tệ:  đồng “dinar Saddam”, đồng “dinar Thuỵ sĩ” (Tại miền Bắc) và đồng đô la Mỹ, chủ yếu được người Mỹ tiêu. Cho đến nay, liên quân vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch nào về tiền tệ tại đây.

Trong khi đó, hệ thống tài chính vẫn hết sức lạc hậu. Các ngân hàng đã mở cửa hoạt động tại cả Baghdad và Basra, song vẫn không có khả năng thu hút được dòng tài chính đổ vào Iraq. Tuy nhiên, Mỹ đã chuyển khoản tài chính 550 triệu USD từ Cục dự trữ liên bang sang Iraq. Thật buồn cười khi chính quyền đưa ra hàng loạt đề xuất cải tổ kinh tế, trong đó có kế hoạch tư nhân hoá các nhà máy quốc doanh, thì hệ thống tài chính vẫn chưa hề được khởi động trở lại. 

Một trong những nhu cầu cấp thiết khác chính là tín dụng thương mại. Rất ít ngân hàng Iraq có lượng tiền gửi đủ để bảo đảm các doanh nghiệp nước ngoài rằng, họ sẽ được thanh toán vì ngân hàng đủ khả năng đóng vai trò là người đảm bảo. Các tập đoàn tài chính Mỹ như: J.P. Morgan Chase, Citigroup và Bank of America vẫn đang thảo luận với Bộ Tài chính Mỹ về giải pháp hỗ trợ thành lập hệ thống thanh toán, ngoại hối và tài chính thương mại tại Iraq. Bộ Tài chính Mỹ đang nghĩ đến chuyện thành lập Ngân hàng thương mại Iraq, dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ. Và sự lựa chọn có thể là doanh thu bán dầu của Iraq sẽ được sử dụng như 'khoản tài chính ký quỹ'' đối với tiền vay sử dụng để tái thiết từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, một nghị sĩ Dân chủ chỉ ra rằng, kế hoạch trên ''về cơ bản xung đột'' với quan điểm nhất quán của Mỹ là, dầu Iraq thuộc về người Iraq.


Điều gì đang xảy ra với dầu của Iraq?

Cho đến nay, tất cả các nhà máy lọc dầu đang hoạt động

Iraq có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, song khả năng sản xuất sút giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng nặng nề từ hai cuộc chiến tranh, một thập kỷ oằn mình dưới lệnh cấm vận của Mỹ và đầu tư kém. Liên quân đã cố gắng ngăn chặn các đòn tấn công phá huỷ cơ sở dầu khí và sửa chữa kịp thời những thiệt hại. Cho đến nay, tất cả các nhà máy lọc dầu đang hoạt động và ngày 22/6 vừa qua, Iraq đã có chuyến xuất khẩu dầu thô đầu tiên kể từ thời điểm bùng nổ chiến tranh.

Tuy nhiên, chỉ riêng việc làm sao Iraq có thể nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ cũng là mọt chuyện gây nhiều tranh cãi. Bộ trưởng Dầu mỏ lâm thời Thamer Al-Ghadban hy vọng Iraq sẽ sản xuất khoảng 1,3 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7. Trong khi đó, Philip Carroll, cựu Giám đốc điều hành hãng Shell - hiện đang chịu trách nhiệm về ngành dầu mỏ Iraq - hy vọng sản lượng khai thác có thể đạt tới 1,8 triệu thùng/ngày, trong đó khoảng 1 triệu thùng dành cho xuất khẩu.

Liệu tiền bán dầu có đủ để tái thiết?

Trước chiến tranh, nhiều quan chức Mỹ ví Iraq như một nhà máy hoạt động dưới công suất, song có đủ tiền để tồn tại. Những không phải vậy, dự đoán Iraq có thể bán khoảng 5 tỷ USD tiền dầu mỏ tính đến cuối năm nay. Với số tiền đó, chính phủ còn lại 3,5 tỷ USD sau khi đã chi cho hàng loạt khoản, trong đó bao gồm cả việc đền bù chiến tranh cho Kuwait từ thời chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Doanh thu từ dầu mỏ dự kiến lên tới 13 tỷ USD trong năm tới. Tuy nhiên, Iraq đang rất cần khoản tiền nhiều hơn số đó rất nhiều trong vòng 2 năm tới.

Liên quân phải đóng tại Iraq trong bao lâu?

Câu trả lời là sẽ lâu hơn dự kiến. Cho đến nay, rõ ràng không có chuyện liên quân giảm sự hiện diện quân sự của mình chí ít trong thời gian ngắn. Ước tính khoảng 145.000 lính Mỹ vẫn đang thực thi nhiệm vụ tại Iraq nóng bỏng. Và có nhiều khả năng, số quân trên sẽ vẫn duy trì sự hiện diện của mình cho đến khi lực lượng hoà bình quốc tế được triển khai tới Iraq. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng yêu cầu hơn 70 quốc gia gửi lực lượng gìn giữ hoà bình tới Iraq, để quân Mỹ có chút xả hơi. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích dự đoán, Mỹ đang có ý đồ tăng quân số tại Iraq lên khoảng từ 200.000-300.000.

Vào thời điểm này, có nhiều dấu hiệu cho thấy công chúng Mỹ đang rất hoang mang trước dòng tin không mấy tốt đẹp về tình trạng ngày càng nhiều binh sĩ bị thương vong từ Iraq. Kết quả thăm dò cho thấy, 45% số người được hỏi tin rằng tình hình không tiến triển tốt đẹp, tăng 13% so với thời điểm đầu tháng 5.

  • Trần Kiên - Tổng hợp
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
''Mỹ nhạo báng công lý'' (06/07/2003)
Thêm nhiều lính Mỹ bị bắn tại Iraq (05/07/2003)
Nội chiến Bờ Biển Ngà chính thức chấm dứt (05/07/2003)
Saddam Hussein tái xuất trên Al Jazeera (05/07/2003)
Hạ viện Nhật sẽ giải thể vào tháng 10? (05/07/2003)
TT Mỹ phê chuẩn xét xử nghi phạm khủng bố (04/07/2003)
Silvio Berlusconi xin lỗi đã lỡ nói đùa (04/07/2003)
Anh - Mỹ tập trận chung chống khủng bố (04/07/2003)
Mỹ trao thưởng 25 triệu USD cho đầu Saddam Hussein (04/07/2003)
Trung Quốc, Ấn Độ đối mặt với đại dịch AIDS (04/07/2003)
Liên quân Anh-Mỹ sẽ không rút khỏi Iraq (03/07/2003)
Al Qaeda sở hữu nhiều hộ chiếu trắng của Ảrập Xêút (03/07/2003)
Mỹ chủ toạ hội đàm 3 bên về CHDCND Triều Tiên (03/07/2003)
Israel rút quân khỏi Bethlehem (03/07/2003)
EU bỏ lệnh cấm với thực phẩm biến đổi gen (03/07/2003)
Tro ve dau trang