Hạ viện Anh: "Hồ sơ về Iraq đã bị nhấn mạnh quá mức"
15:57' 08/07/2003 (GMT+7)

Bản hồ sơ tình báo về WMD của Iraq dày 54 trang ngốn mất 4 tuần điều tra.

Một số đánh giá về vũ khí của Iraq trong bản hồ sơ tình báo tháng 9 đã bị "nhấn mạnh quá mức", Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Anh đi tới kết luận trên. Song Ủy ban này lại "tuyên án trắng" cho Giám đốc báo chí văn phòng thủ tướng Alastair Campbell, khẳng định ông này đã không làm sai lệch bản hồ sơ gây tranh cãi nói trên.

Bản báo cáo kết quả bao gồm 33 kết luận và bình luận của Ủy ban Ngoại vụ đặc biệt Hạ viện Anh nêu rõ, nhận định cho rằng Iraq có thể sẽ triển khai vũ khí sinh hoá trong vòng 45 phút lẽ ra không nên đưa vào một tài liệu của Chính phủ như hồ sơ tháng 9 (hồ sơ tình báo đánh giá mức độ đe doạ của cái gọi là chương trình sản xuất WMD của Iraq).

"Chúng tôi đã đi tới kết luận: Các đánh giá trong bản hồ sơ tháng 9 đều dựa trên nền tảng thông tin tình báo có sẵn... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo ngại rằng, một số đánh giá đã bị nhấn mạnh quá mức". 

Báo cáo kết qủa điều tra của Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Anh

"Còn phải xem xét"

Ngoài ra, Ủy ban này cho biết, hội thẩm đoàn "còn phải xem xét" liệu đánh giá của Chính phủ về nguy cơ từ phía Iraq có chính xác không. Song bản đánh giá 54 trang về việc chính quyền ông Blair tham gia chiến tranh, các nghị sĩ - trong một quyết định không thống nhất - cho rằng, ông Campbell đã không làm sai lệch hồ sơ nói trên như lời cáo buộc của BBC.

Trong một kết luận không thống nhất khác của Uỷ ban Ngoại vụ, báo cáo kết quả khẳng định, các bộ trưởng đã không cố tình  lừa dối Quốc hội về vấn đề vũ khí Iraq.

Ngoại trưởng Anh Jack Straw ngay lập tức nhắc lại lời kêu gọi đòi BBC đưa ra lời xin lỗi chính thức về bản tin của mình và thừa nhận, "đài này đã biết trước thông tin trong bản tin là sai sự thật".

Phản ứng của ông Campbell và BBC

"Tôi muốn một lần nữa nói rõ, tôi hoàn toàn tôn trọng tính độc lập của BBC ". 

Alastair Campbell.

Cho đến nay liên quân Mỹ - Anh vẫn chưa hề tìm được bằng chứng nào về WMD tại Iraq

Ông Alastair Campbell cho biết, ông rất hài lòng khi các hạ nghị sĩ nhận ra  bản tin của BBC là "sai sự thật". Song ông này cũng cho biết ông cảm thấy rất buồn vì BBC vẫn từ chối thừa nhận điều đó.

Tuy nhiên, trưởng ban tin tức đài BBC, ông Richard Sambrook, khẳng định, báo cáo của Uỷ ban Ngoại vụ đặc biệt đã chứng minh việc cho phát sóng bản tin về hồ sơ tháng 9 của BBC là đúng đắn.

"Báo cáo của Ủy ban nói rõ, cần đặt ra những câu hỏi lớn về nguồn gốc phát sinh của hồ sơ tháng 9" - ông Sambrook nói - "Báo cáo đã đặt câu hỏi cho Chính phủ và cũng đưa ra bình luận về thứ ngôn ngữ quá nhiều tính khẳng định đã được dùng trong bản hồ sơ tháng 9".

"Các ông phải xin lỗi Hạ viện và nhân dân Anh về việc làm sai lệch hồ sơ, cho dù là vô tình".

Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith.

Chưa thống nhất

Theo ông Sambrook, Uỷ ban Ngoại vụ đã "bị chia rẽ sâu sắc" về quyết định xoá án cho ông Campbell.

Các nghị sĩ cho biết, "hội thẩm đoàn vẫn còn phải xem xét tính chính xác" của bản hồ sơ đầu tiên về Iraq, công bố hồi tháng 9 năm ngoái.

Không ít nghị sĩ cáo buộc các bộ trưởng đã "gây cản trở" công việc điều tra khi từ chối cho phép họ tiếp cận tài liệu tình báo và nhân viên các cơ quan tình báo.

Về lời cáo buộc của BBC, báo cáo của Uỷ ban Ngoại vụ khẳng định: "Dựa vào các chứng cứ có trong tay, chúng tôi đi tới kết luận, ông Alastair Campbell đã không lạm dụng hay tìm cách lạm dụng những ảnh hưởng không thích hợp vào việc soạn thảo hồ sơ tháng 9".

Tuy nhiên, các hạ nghị sĩ hiện vẫn chưa thống nhất về kết luận trên vì nó chỉ được thông qua khi Chủ tịch Uỷ ban Ngoại vụ (thành viên Công đảng) bỏ lá phiếu quyết định của mình.

Uỷ ban Ngoại vụ cho rằng, việc phán đoán Iraq có thể triển khai vũ khí trong 45 phút "đã không đảm bảo tính chuẩn xác của hồ sơ, bởi nó dựa trên nguồn thông tin tình báo một chiều và chưa được kiểm chứng".

Ngoài ra, họ còn yêu cầu Chính phủ giải thích lý do đưa ra phán đoán đoán trên. Ủy ban cũng cho rằng, quyết định chủ trì cuộc họp về vấn đề thông tin tình báo của ông Campbell là sai lầm.

Yêu cầu đối với ông Blair

Báo cáo của Uỷ ban Ngoại vụ còn yêu cầu Chính phủ Anh nói rõ liệu họ có còn tin lời khẳng định của mình về vũ khí Iraq trong hồ sơ tháng 9 là chính xác hay không.

Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Iain Duncan Smith cho rằng, ông Blair phải giải thích với Hạ viện lý do ông đã tạo ra một "ấn tượng sai lệch" trong bản hồ sơ thứ hai hồi tháng 2 đọc trước Hạ viện. Trong khi đó, ông Donald Anderson, Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ, lại cho rằng, Thủ tướng Anh nên xin lỗi trước Hạ viện về tuyên bố của mình. "Tôi nghĩ rằng, ông Blair nên đứng trước Quốc hội giải trình rõ ràng về bản hồ sơ tháng 2". Lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do Charles Kennedy cho rằng, Hạ viện Anh nên tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ việc.

Trước đó, trong hồ sơ đánh giá chính thức đầu tiên về cuộc chiến Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Anh cho biết, Anh và Mỹ chỉ có thông tin tình báo "rất hạn chế" về các lực lượng quân sự Iraq trong thời kỳ chuẩn bị cho chiến tranh.

Như vậy, cuộc khẩu chiến gay cấn giữa BBC và Chính phủ Anh vẫn chưa thể ngã ngũ khi không bên nào nhận phần sai về mình cũng như Hạ viện chưa đi tới kết luận cuối cùng.

(Lam Sơn - Theo BBC, AFP)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Cảnh sát Nigeria bắn chết ít nhất 10 người biểu tình (08/07/2003)
Máy bay rơi ở Sudan, 116 hành khách thiệt mạng (08/07/2003)
36 nước châu Phi tham gia Công ước cấm vũ khí hoá học (08/07/2003)
Seoul, Bắc Kinh hứa thúc giục Bình Nhưỡng tham gia hội đàm đa phương (08/07/2003)
Hội đồng thành phố Baghdad tái hoạt động (08/07/2003)
Tổng thống Hàn Quốc công du Trung Quốc (07/07/2003)
Iran thử nghiệm tên lửa tầm xa (07/07/2003)
Thêm 3 lính Mỹ bị giết tại Baghdad (07/07/2003)
Tổng thống Liberia chấp nhận đi tị nạn tại Nigeria (07/07/2003)
Cuộc chiến BBC - Thủ tướng Anh khai hoả trở lại (07/07/2003)
Tổng thống Nga hoãn công du nước ngoài do vụ khủng bố Moscow (07/07/2003)
Nga không thay đổi chính sách với Chechnya (07/07/2003)
Israel đồng ý phóng thích tù nhân Palestine (07/07/2003)
16 người thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố ở Moscow (06/07/2003)
Hoả hoạn tại nhà máy hạt nhân Nhật Bản (06/07/2003)
Tro ve dau trang