Mỹ muốn ''gài quân'' khắp thế giới
18:29' 14/07/2003 (GMT+7)

Theo lời Tướng Tommy Franks phát biểu trước Uỷ ban Thượng viện, khoảng 148.000 binh sĩ Mỹ hiện đang đóng ở Iraq không thể rút về nước trong một sớm một chiều. Nhưng, đằng sau vở diễn này, Lầu Năm Góc đang chuẩn bị tái cơ cấu sự hiện diện quân sự của mình trên khắp thế giới.

Afghanistan, Iraq, Grudia, Djibouti, Philippines và bây giờ có thể là cả Liberia: đó là danh sách các quốc gia Mỹ đã triển khai quân ồ ạt tới kể từ vụ khủng bố hôm 11/9/2001 tại New York và Washington. Ước tính, hiện Mỹ có khoảng gần 1,5 triệu quân nhân chính quy đang làm nhiệm vụ cả trong và ngoài nước, cũng chừng ấy quân số là lính dự bị và phòng vệ quốc gia. Con số đó nghe có vẻ rất lớn. Tuy nhiên, thực ra trong số đó cùng không ít là nhân viên hậu cần, bác sĩ quân y, đầu bếp .... Như vậy, số lượng binh sĩ trực tiếp tham chiến ít hơn con số khổng lồ trên rất nhiều.

Vì những lẽ đó, Quốc hội Mỹ hết sức lo lắng về quy mô quân số binh sĩ Mỹ hiện đang làm nhiệm vụ tại Iraq. Hôm 10/7, Tướng 4 sao Tommy Franks, người từng là Tổng tư lệnh chiến dịch quân sự tấn công Iraq, phát biểu trước Uỷ ban vũ trang Thượng viện, hiện tại 148.000 binh sĩ Mỹ ''có thể nắm được chắc chắn tương lai không khó tiên đoán của mình'' và rằng, quân đội Mỹ có thể sẽ phải duy trì sự hiện diện của mình thêm 2 hoặc 4 năm nữa. Như vậy, cái hy vọng rút quân nhanh khỏi Iraq của một số chính trị gia Mỹ chắc chắn là điều không thể. Với tình trạng hiện nay, Mỹ sẽ phải trả giá không nhỏ cho việc duy trì sự hiện diện quân đội của mình ở Iraq. Ngoại trưởng Mỹ Donald Rumsfeld phàn nàn trước Quốc hội, chi phí cho việc duy trì quân tại Iraq đã lên tới 3,9 tỷ USD/tháng, đấy là chưa kể tới chi phí dành cho công cuộc tái thiết quốc gia vùng Vịnh này. Thế mà hồi tháng 4, giới chức Mỹ dự đoán, hoá đơn cho việc duy trì quân ở Iraq căng lắm cũng chỉ 2 tỷ/tháng. Đặc biệt, làn sóng tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ tại Iraq càng ngày càng dữ dội khiến nhu cầu thêm tiền và thêm nhân lực cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bất chấp cả nước Mỹ đang đau đầu về đặc vụ ở Iraq, các nhà hoạch định kế hoạch của Lầu Năm Góc vẫn đang mải miết nghi ra nơi để tiếp tục triển khai quân tới. Các nhà chiến lược quân sự đặc biệt lo lắng về cái gọi là ''Đường cung bất ổn'' - bao hàm các nước nghèo, bất ổn định chạy từ Đông Nam Á qua Trung Đông và tới tận Bắc Phi. Vào thời điểm hiện nay, nhiều căn cứ quân sự lớn của Mỹ tại hải ngoại vẫn còn nằm ở rất xa ''Đường cung bất ổn'' nói trên. Chỉ tính riếng Đức đã ''chứa'' khoảng 68.000 binh sĩ Mỹ như hậu quả của các cuộc chiến trong thế kỷ trước. Ngoài ra, một số lượng không ít quân Mỹ vẫn đang ''ăn không nằm rồi'' tại Italia và Anh. Ở khu vực Thái Bình Dương, Nhật Bản được coi là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ, ước tính khoảng 41.000 quân - 1/2 là thuỷ quân lục chiến đang đóng tại Okinawa, một đảo nhỏ thuộc phía nam Nhật Bản. Gần hơn với đường cung trên, Mỹ có khoảng 37.000 quân đóng tại Hàn Quốc.

Thậm chí trước 11/9, ông Rumsfeld luôn được biết đến như một người ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch triển khai quân sự thần tốc. Chiến dịch chống khủng bố của Mỹ trên khắp thế giới đòi hỏi nỗ lực của ông Rumsfeld cấp thiết hơn bao giờ hết. Với tình hình các mối đe doạ mới có thể đến bất cứ lúc nào và từ bất cứ đâu, ông Rumsfeld và các cộng sự của mình nghĩ rằng, cách tốt nhất đối mặt với những mối đe doạ đó chắc chắn không phải bằng các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ các quốc gia bằng hữu. Như vậy, hiển nhiên kế hoạch phát triển mạng lưới ''các căn cứ hoạt động ở tiền tuyến với quy mô nhỏ hơn, song bao sân khắp thế giới sẽ được ông này trưng dụng.

Thực ra, Mỹ đã có rất nhiều tiền đồn nhỏ trên khắp thế giới. Đơn cử, tại Guam có khoảng vài nghìn quân Mỹ. Thêm nữa, quân đội Mỹ dưới cái ô ''Lực lượng gìn giữ hoà bình của NATO'' cũng đã được triển khai tới Bosnia và Kosovo; theo con số thống kê mới nhất, ở Ai Cập hiện có khoảng hơn 300 lính Mỹ. Ngoài ra, có hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đang lênh đênh trên các hạm đội khắp thế giới.

Cho dù vậy thì Mỹ vẫn không thể bao hết các lỗ hổng khác. Khu vực tiểu sa mạc Sahara có lẽ là một ví dụ hiển minh nhất. Bởi vì, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Trung Đông vẫn đậm đặc hơn cả. Theo New York Times, Washington đang để mắt đến việc thiết lập các căn cứ quân sự tại Mali, Algeria và nhiều nơi khác. Chẳng nghi ngờ gì nữa, chuyến công du của ông Bush tới châu Phi vừa qua đã nói lên tất cả. Sau chuyến đi này, chắc chắn Mỹ sẽ điều một đoàn binh lớn tới làm ''nhiệm vụ gìn giữ hoà bình'' tại Liberia.

Và châu Á cũng vậy. Cho đến nay, mọi sự chú ý của Mỹ vẫn đang hướng về Hàn Quốc. Mới rồi, Lầu Năm Góc tuyên bố, 15.000 binh sĩ Mỹ đang đóng đồn dọc khu vực phi quân sự giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên sẽ rút về một cứ điểm gần Seoul hơn (cho dù vẫn ở phía Bắc). Hàn Quốc lo ngại, như vậy Mỹ có thể dễ dàng đánh bom CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc khẳng định, tính cơ động của quân đội là quan tâm chính của Mỹ. Tại khu vực Đông Á, nghe đâu Mỹ cũng đang có ý định gửi quân tới Singapore và Australia— đồng minh thân cận trên mặt trận chống khủng bố của Mỹ. Hiện, Mỹ có hàng nghìn quân đang làm công tác huấn luyện chống khủng bố tại Philippines.

Tại châu Âu, các nước xã hội chủ nghĩa cũ thân Mỹ đang tỏ rõ ý định hất cảng Đức. Bulgaria đã bỏ đi ''cú tát'' của Mỹ - cắt khoản viện trợ quân sự trị giá 10 triệu USD vì đã không ký hiệp định miễn trừ truy tố người Mỹ trước toà án quốc tế xét xử tội phạm chiến tranh ICC - và bày tỏ ý định sẵn sàng tiếp nhận quân đội Mỹ.

Tóm lại, nếu như những sự đổi thay về cơ cấu quân sự của Mỹ diễn ra, chắc chắn bản đổ quân sự của Mỹ sẽ rất khác trong một vài năm tới. Và tất nhiên, sự sắp xếp mới này không còn giống như ''địa lý quân sự thời chiến tranh lạnh''. Tuy nhiên, chỉ đơn giản thiết lập lực lượng cơ động hơn được sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ cao dường như vẫn chưa đủ. Với những dự án khổng lồ như Iraq và Afghanistan vẫn cần huy động một lực lượng lớn binh sĩ và như vậy nỗi lo vẫn còn đó. Nếu Mỹ chấm dứt - cho dù là miễn cưỡng - với một đế chế các nhà nước ''dễ vỡ'', nó sẽ dễ dàng thuyết phục các đồng minh chia sẻ gánh nặng bảo đảm an ninh. Và nước Mỹ đã làm vậy thành công tại Bosnia và Kosovo, dần dần giảm lực lượng trong khi chuyển giao cho các nước châu Âu và những quốc gia khác tiếp quản nhiệm vụ. Tại Iraq, cho đến nay vẫn chưa thể làm như vậy. Tướng Franks đã thông báo trước Uỷ ban vũ trang Thượng viện rằng, 19 quốc gia đã điều quân tới Iraq, 19 nước khác sẽ triển khai quân sớm và 11 nước khác vẫn đang trong quá trình thương thuyết.

(Trần Kiên - Theo Economist)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Nghi phạm khủng bố Manila đã vượt ngục (14/07/2003)
Đã tìm thấy xác các nạn nhân của vụ chìm phà tại Bangladesh (14/07/2003)
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ biện hộ cho Bush (14/07/2003)
Quân đội Nga bị mai phục tại Chechnya, 9 người chết (14/07/2003)
''Vua Phong lan'' Trung Quốc lĩnh án 18 năm tù (14/07/2003)
Kuwait bổ nhiệm Thủ tướng mới (14/07/2003)
Lãnh đạo thế giới tìm kiếm sự đổi mới cho "Giải pháp thứ ba" (14/07/2003)
Mỹ rút nhân viên ngoại giao khỏi Burundi (14/07/2003)
Giá dầu tăng vọt trước mùa bão (14/07/2003)
Toà nhà Quốc hội Indonesia bị đánh bom (14/07/2003)
Ông Abbas yêu cầu Israel hạn chế cô lập Tổng thống Palestine (14/07/2003)
Al Qaeda đào tạo tới 120.000 phần tử khủng bố (14/07/2003)
''CHDCND Triều Tiên hoàn thành tái chế hạt nhân'' (14/07/2003)
Anh phủ nhận có sự rạn nứt với Mỹ về vấn đề tình báo Iraq (14/07/2003)
Bom nổ bên lề hội nghị Hội đồng điều hành Iraq (14/07/2003)
Tro ve dau trang