Bush bào chữa cho CIA về thông tin Iraq
11:33' 15/07/2003 (GMT+7)

Tổng thống Bush hôm qua đã lên tiếng biện hộ cho thông tin tình báo CIA về việc Iraq mua uranium từ châu Phi, gọi đây là thông tin "cực kỳ tốt". Động thái này của ông chủ Nhà Trắng được xem là một nỗ lực xoa dịu sóng gió dư luận nhằm vào lời cáo buộc thiếu căn cứ của ông đối với Iraq, đồng thời là một hành động "đáp lễ" đối với CIA vì trước đó, cơ quan này đã đứng ra nhận trách phần sai về mình.

Ông Bush trả lời báo chí trong cuộc gặp Tổng thư ký LHQ Kofi Annan tại Phòng bầu dục, Nhà Trắng, hôm thứ hai (14/7)

Đối mặt với những câu hỏi gay gắt từ phía dư luận về khả năng ông đã lừa dối nước Mỹ để hợp thức hoá chiến tranh ngay khi vừa từ châu Phi trở về, Bush khẳng định: "Tôi cho rằng, thông tin tình báo mà tôi nhận được là thông tin cực kỳ tốt. Và bài diễn văn mà tôi đã đọc đều dựa trên cơ sở thông tin tốt". Các thành viên Đảng Dân chủ và thậm chí một vài đảng viên Cộng hoà đang gây áp lực đối với ông Bush về việc sử dụng bằng chứng giả trong bức thông điệp liên bang hồi tháng Giêng cáo buộc Iraq đã tìm mua uranium từ châu Phi.

Trả lời phóng viên báo chí hôm (14/7) tại Phòng bầu dục trong cuộc gặp Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, ông Bush cho biết, Chính phủ Mỹ tin rằng lời cáo buộc là có thật khi ông đọc nó và chỉ sau đó ông mới biết nó không đáng tin cậy. "Khi tôi đọc bức thông điệp liên bang, thông tin về uranium của châu Phi đã ghi sẵn trong đó. Sau khi tôi đọc xong, CIA mới cho biết có vài thông tin đáng nghi ngờ" - ông nói.

Tuy nhiên, nhiều thượng nghị sĩ cho rằng ông Bush phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về sai lầm trên. Ngay cả nghị sĩ Đảng Cộng hoà Arlen Specter cũng đồng tình với ý kiến này. "Vấn đề giờ đây là tìm ra những thông tin nào là thông tin sai lệch và đảm bảo điều này không được lặp lại" - ông Specter nói.

"Những lời nói ngớ ngẩn"

Trong buổi họp báo ngắn trước khi rời nhiệm sở, Phát ngôn viên Nhà Trắng Ari Fleischer, đã bị các phóng viên chất vấn về vấn đề trên. Khi bị hỏi, ông này đã gạt phăng những lời cáo buộc "ông chủ" của mình cho rằng Tổng thống Bush đã sử dụng thông tin giả để lấy cớ tiến hành chiến tranh. Ông này cho rằng, không cần phải tiến hành điều tra thêm nữa về vấn đề trên như yêu cầu của phe Dân chủ. "Về phần mình, Tổng thống đã đồng ý tiến hành điều tra. Song tôi cho rằng, việc đó là không cần thiết" - Fleischer nói.

Trong khi người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố, vũ khí hủ diệt hàng loạt của Iraq là một nguy cơ hiện hữu, ông Fleischer lại cho rằng, vấn đề Iraq tìm mua uranium từ châu Phi không phải là lý do chính để Mỹ phát động chiến tranh. "Quan điểm của những người theo chủ nghĩa xét lại về vấn đề này, quan điểm đã làm cho mọi người hiểu nhầm đây là lý do chính khiến chúng tôi tiến hành chiến tranh, hay là một cơ sở quan trọng cho quyết định của Tổng thống, hoàn toàn là những lời nói ngớ ngẩn" - Fleischer nói.

Nghị sĩ Đảng Dân chủ David Obey, thuộc Ủy ban phân bổ ngân sách Hạ viện, cho rằng, uy tín của Mỹ đang bị đe doạ nghiêm trọng vì sự kiện trên. "Nếu một phần công việc điều tra bị coi nhẹ thì vấn đề càng thêm rắc rối mà thôi, và việc truy cứu trách nhiệm lại càng khó có thể trở nên công bằng được" - ông Obey khẳng định.

Đại diện Nhà Trắng cam kết trong tương lai sẽ tiến hành kiểm tra chặt chẽ hơn các tài liệu để loại bỏ những thông tin sai. "Mọi người tham gia vào quá trình kiểm tra tài liệu vừa qua đều nhận ra rằng, quá trình này cần phải cải thiện. Tất nhiên, không ai muốn lặp lại sơ suất tương tự một lần nữa" - Fleischer nói.

Hôm qua, lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cơn bão tố chính trị về tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, ông Bush đã có cuộc gặp riêng Giám đốc CIA George Tenet. Trước đó, Bush đổ lỗi cho tình báo Anh về lời cáo buộc sai đối với Iraq. Về phần mình, ông Tenet, người sắp bị điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện, đã đứng ra nhận trách nhiệm về việc đã thông qua bài diễn văn của ông Bush, song ông này khẳng định, ông không trực tiếp kiểm tra bức thông điệp liên bang.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Condoleezza Rice cũng đã lên tiếng bào chữa cho ông Bush, cho rằng, lời cáo buộc Iraq đã được chứng minh qua nhiều nguồn tin khác nhau.

(Lam Sơn - Theo Reuters, AFP)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Ngoại trưởng Nga công du Trung Đông (15/07/2003)
Các nhà lãnh đạo đưa ra lộ trình hoà bình Liberia (15/07/2003)
Ấn Độ không đưa quân tới Iraq (15/07/2003)
Iraq trên con đường tiến tới nền tự trị (15/07/2003)
Ứng viên Tổng thống Chechnya lộ diện (15/07/2003)
Trung Quốc chống chọi với cơn lũ dữ nhất trong năm (15/07/2003)
Anh từ chối cắt đứt quan hệ với Yasser Arafat (15/07/2003)
Mỹ muốn ''gài quân'' khắp thế giới (14/07/2003)
Nghi phạm khủng bố Manila đã vượt ngục (14/07/2003)
Đã tìm thấy xác các nạn nhân của vụ chìm phà tại Bangladesh (14/07/2003)
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ biện hộ cho Bush (14/07/2003)
Quân đội Nga bị mai phục tại Chechnya, 9 người chết (14/07/2003)
''Vua Phong lan'' Trung Quốc lĩnh án 18 năm tù (14/07/2003)
Kuwait bổ nhiệm Thủ tướng mới (14/07/2003)
Lãnh đạo thế giới tìm kiếm sự đổi mới cho "Giải pháp thứ ba" (14/07/2003)
Tro ve dau trang