BBC từng bác bỏ đề nghị đình chiến của Chính phủ
18:15' 21/07/2003 (GMT+7)

Tờ nhật báo Guardian hôm nay đưa tin, Ban lãnh đạo hãng thông tấn BBC đã thẳng thừng từ chối thoả hiệp với Chính phủ Anh trước khi xảy ra cái chết của chuyên gia vũ khí David Kelly, người mà BBC mới đây xác nhận là đối tượng cung cấp thông tin cho họ về câu chuyện bản hồ sơ tháng 9 "bị thêm mắm thêm muối".

Chuyên gia vũ khí, Tiến sĩ David Kelly trong phiên điều trần tại Ủy ban Ngoại vu Hạ viện Anh hồi tuần trước

Tờ The Guardian của Anh hôm nay (21/7) đưa tin, Chủ tịch BBC Gavyn Davies và Tổng giám đốc Greg Dyke đã nhận được lời đề nghị từ phía Chính phủ kêu gọi "ngừng bắn" trong thời gian trước khi Tiến sĩ Kelly được nhận dạng, song họ đã từ chối bởi họ đã quyết tâm không khoan nhượng với ông Alastair Campbell, Giám đốc báo chí Văn phòng thủ tướng Anh.

Tối qua, phóng viên BBC Andrew Gilligan, trung tâm của cuộc tranh cãi, tuyên bố ông đã không trích nhầm lời của Tiến sĩ Kelly, mà là do chuyên gia vũ khí 59 tuổi này đã không trung thực về cuộc trao đổi giữa hai người trước Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện Anh. Ủy ban này cho rằng, ông Kelly không phải là người đã cung cấp thông tin chính cho BBC. Trong khi đó, một số thành viên Công đảng đã cáo buộc BBC đã tung tin thất thiệt.

Thi thể ông Kelly, người thừa nhận đã trao đổi với phóng viên Gilligan, đã được tìm thấy gần nhà ông ở Oxfordshire hôm thứ sáu. Khám nghiệm tử thi cho thấy, ông này đã sử dụng thuốc giảm đau quá liều và cắt động mạch chủ ở cổ tay. Bạn bè ông Kelly cho biết, ông lo lắng rằng có thể sẽ không được trở lại Iraq để săn tìm bằng chứng vũ khí sinh hoá.

Lời thừa nhận của BBC về vai trò của ông Kelly đã châm ngòi một cuộc khẩu chiến không cân sức mới, cuộc chiến ác liệt sau khi Thủ tướng Anh Tony Blair, ông Campbell và Bộ trưởng Quốc phòng Geoff Hoon đưa ra yêu cầu BBC rút lại bản tin của mình trong đó trích dẫn lời cáo buộc cho rằng, chính phủ đã thổi phồng nguy cơ từ phía Iraq trong bản hồ sơ tháng 9. Nghị sĩ Gerald Kaufman, thuộc Công đảng, cáo buộc BBC đã tung tin "lá cải" và hối thúc chính phủ xem xét lại vị thế của đài này. Hạ nghị sĩ Robert Jackson, thuộc đảng Bảo thủ, lại cáo buộc BBC là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết của chuyên gia vũ khí.

Thông tin cho rằng BBC đã từ chối thoả hiệp với Chính phủ sẽ chỉ càng làm gia tăng áo lực đối với hãng thông tấn này. Đề cập đến việc thoả hiệp trước ngày tên ông Kelly xuất hiện trên mặt báo, Tổng giám đốc BBC Dyke chỉ cho biết: "Việc này xảy ra vào tuần trước". Ông từ chối bình luận bình luận thêm về sự việc trên.

Cùng ngày, một quan chức cấp cao của BBC cho biết: "Ông Greg và Gavyn nhận được mệnh lệnh cấp trên rằng, nếu họ muốn châm ngòi một cuộc tranh luận về vấn đề này, sẽ có người ở Số 10 Đại lộ Downing (Văn phòng Thủ tướng Anh) sẵn sàng tranh luận".

Ông Dyke và Davies đã quyết định không theo đuổi cơ hội cầu hoà bởi chiến thuật của họ vào thời gian đó là dốc hết toàn lực đấu tranh để tự vệ sự công kích từ phía Campbell. Các nguồn tin BBC nhận được cho biết, ông Davies và Dyke - hai người đã bỏ phiếu cho Công đảng - cảm thấy sự cần thiết để chứng minh sự độc lập của họ. "Ông Greg đã nói xấu các quan chức chính phủ và thổi phồng các lá thư của ông Richard Sambrook" - một hạ nghị sĩ cấp cao nói - "Nếu ông ta không thỏa hiệp với chính phủ thì uy tín của ông sẽ bị tổn hại nghiêm trọng".  Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, ban lãnh đạo BBC cảm thấy chiến thuật hiếu chiến là không khôn ngoan, mặc dù nhận thức này đến hơi muộn.

Về phần mình, Thủ tướng Anh cũng tỏ ra tự tin về khả năng BBC chấp nhận thoả hiệp. Ông Blair kêu gọi các bên liên quan nên dành một "thời gian để suy ngẫm" trong khi Thượng viện tiến hành điều tra cái chết của ông Kelly. Lời kêu gọi của ông Blair sau đó đã nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown. Ông cho biết, trong một bài phát biểu tại New York hôm nay, ông sẽ thể hiện sự ủng hộ công khai đối với lập trường của ông Blair về nguy cơ từ phía vũ khí của Saddam Hussein.

Ông Blair đã bác bỏ yêu cầu của Chủ tịch Hạ viện Iain Duncan Smith đòi tiến hành một cuộc họp quốc hội về cái chết của ông Kelly. Blair cho rằng, điều này sẽ khiến cho gia đình của tiến sĩ Kelly "càng thêm đau buồn".

Tờ New York Times đưa tin, trong một bức thư gửi tới báo vài giờ trước khi tự tử, Tiến sĩ Kelly đã nói về "nhiều diễn viên phản diện trong cuộc chơi". Tờ này cho biết, có vẻ như ông Kelly đã ngụ ý tới các quan chức Bộ Quốc phòng và cơ quan tình báo Anh, những người mà ông từng đấu khẩu về cách diễn đạt của báo cáo vũ khí Iraq.

Song có quan chức chính phủ phỏng đoán rằng, ông có thể đã không hoàn toàn trung thực với Ủy ban Ngoại vụ Hạ viện về mối quan hệ giữa ông với phóng viên Gilligan, và điều này đã khiến cho ông hoang mang.

(Lam Sơn - Theo Guardian)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thủ phủ Kosovo rung chuyển bởi 2 vụ nổ lớn (21/07/2003)
Bạo lực Chechnya chưa kết thúc, thêm 1 người chết (21/07/2003)
Lính Mỹ đâm lê vào đoàn người biểu tình Iraq (21/07/2003)
EU gây áp lực buộc Nga phê chuẩn Nghị định thư Kyoto (21/07/2003)
Chính phủ Pháp cấm sử dụng từ ''E-Mail'' (21/07/2003)
Lũ lớn tại Thủ đô Venezuela (21/07/2003)
Thủ tướng Anh sẽ không từ chức (21/07/2003)
Nội các Fiji bị coi là ''bất hợp pháp'' (21/07/2003)
Hàng nghìn người Shi'ite biểu tình chống Mỹ (21/07/2003)
Hệ thống tên lửa đạn đạo Iran vào vị trí (21/07/2003)
Máy bay du lịch rơi ở Kenya (21/07/2003)
Palestine loại khỏi vòng pháp luật hàng loạt nhóm vũ trang (21/07/2003)
Nghị sĩ Mỹ chỉ trích chính sách của Bush với CHDCND Triều Tiên (21/07/2003)
Hội đồng điều hành Iraq chưa chọn được chủ tịch (20/07/2003)
Syria đề nghị nối lại đàm phán hoà bình với Israel (20/07/2003)
Tro ve dau trang