Bush kêu gọi các nước giúp Mỹ ổn định Iraq
16:59' 22/07/2003 (GMT+7)

Tổng thống Bush, hôm qua (21/7), cho biết, ông đang thuyết phục các quốc gia khác giúp đỡ Mỹ trong việc ổn định Iraq. Tuyên bố trên được người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra trong buổi gặp gỡ Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, người ủng hộ Washington trong cuộc chiến Iraq, tại Trại David, Crawford, Texas.

Bush và Berlusconi, trong trang phục hải quân Mỹ và giày cao bồi miền Tây, trong buổi họp báo hôm qua (21/7) tại trại David. Texas.

Trong cuộc tiếp xúc hôm qua, Tổng thống Mỹ nói: "Càng nhiều nước tham gia ổn định Iraq, chúng tôi càng nhanh chóng hoàn thành công việc". Bush cũng một lần nữa nhắc lại lời cáo buộc Chính phủ Syria và Iran, cho rằng hai nước này đã "chứa chấp khủng bố". Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, chủ nghĩa khủng bố là chướng ngại vật lớn nhất đối với hòa bình trong khu vực. "Hành động này hoàn toàn không thể chấp nhận được" - Bush nói - "Những nhà nước hậu thuẫn cho khủng bố sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình".

Trả lời phóng viên báo chí trên chiếc Không lực I khi bay về Washington sau đó, phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Scott McClellan cho biết, tuyên bố về Syria và Iran của người đứng đầu Nhà Trắng là một lời nhắc nhở các nước này cần phải mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố.

"Iran và Syria đang tiếp tục làm những điều vô ích và điều quan trọng việc tiếp tục chứng minh hành động của họ là không thể chấp nhận" - ông McClellan nói - "Tôi xem đây là một lời nhắc nhở cho các nước này thấy rằng, những hành động mà họ đang thực hiện là vô ích và không thể chấp nhận được". Ông McClellan cho biết, bình luận trên ám chỉ những quốc gia tiếp tục "bao che và tiếp tay" cho các tổ chức khủng bố.

Chuyến thăm của ông Berlusconi tới Trại David trong hai ngày 20 và 21/7 đã tạo cho ông Bush một cơ hội thể hiện rằng, không phải tất cả các nước châu Âu đều lạnh nhạt với chính sách của ông, và rằng, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vẫn còn đủ chặt chẽ mặc dù Pháp và Đức không ủng hộ cuộc chiến vừa qua. "Bảo vệ tự do đòi hỏi trả giá và hy sinh. Hoa Kỳ rất cảm kích trước thiện chí của Italia muốn cho sẻ gánh nặng với chúng tôi" - Bush tuyên bố.

Đối với Thủ tướng Italia, đương kim Chủ tịch EU, qua chuyến thăm này, ông muốn cùng với Anh và Tây Ban Nha thể hiện lập trường ủng hộ chiến tranh đối với Mỹ. Sự ủng hộ của ông Berlusconi đã khiến quan hệ giữa ông và những người đồng nhiệm Đức và Pháp xấu đi, và những phát ngôn thiếu thận trọng của ông gần đây càng khiến cho quan hệ này xấu đi. Ngay trong ngày thứ hai nắm chức Chủ tịch EU, ông đã châm ngòi một cuộc đấu khẩu gay gắt giữa các ông lớn trong khối khi so sánh một nghị sĩ Đức trong Nghị viện châu Âu với một tên lính gác trong trại tập trung của Đức quốc xã.

Việc ngăn chặn sự lan tràn của vũ khí hạt nhân, hoà bình đang đạt được ở Trung Đông, cuộc chiến chống khủng bố và việc hàn gắn rạn nứt trong quan hệ Mỹ - EU là các đề tài mà Bush và Berlusconi đã bàn đến trong cuộc gặp gỡ hôm qua. "Chúng tôi sẽ mời ông (Thủ tướng Italia) ăn một ít thịt gà - Bush nói cuối buổi họp báo ngắn được tổ chức tại trại David. Phát ngôn viên Tổng thống MacClellan sau đó cho biết, nguyên thủ hai nước cũng đã trò chuyện về bóng đá và bóng chày.

Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ của các nước khác, trong đó có các nước châu Âu, trong việc ổn định Iraq. Pháp, Đức và Ấn Độ đã từ chối đề nghị của Mỹ về việc gửi quân đội tới Iraq nếu không có sự ủy nhiệm của Liên Hợp Quốc.

Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, người từng hội đàm với Bush hồi tuần trước, mới đây cho hay, một nghị quyết mới đang được thảo luận sẽ cho phép mở rộng quyền hạn của LHQ tại Iraq và quốc tế hoá hoạt động của Mỹ và Anh hiện nay.

Song Nhà Trắng lại không cho rằng một nghị quyết mới là cần thiết. Tuy nhiên, Bush cho biết, ông đã thảo luận sâu với ông Annan về nhiều giải pháp khác nhau với sự tham gia của nhiều quốc gia khác. "Việc bành trường hành động chống đối thực sự là một phần của cuộc chiến giải phóng Iraq" - Bush nói - "Chúng tôi đủ kiên nhẫn, sức mạnh mạnh và cương quyết để giải quyết tận gốc rễ vấn đề hiện nay. Rõ ràng là, càng nhận được nhiều sự giúp đỡ, chúng tôi càng nhanh chóng hoàn thành công việc".

Khi được hỏi liệu các nước không tham gia vào liên minh có thể bảo đảm hợp đồng tái thiết Iraq hay không, Bush nói: "Nỗ lực tái thiết Iraq không phải là một bài tập chính trị, càng không nên bị coi là một miếng bánh béo bở".

Các chủ đề khác

Thuỷ quân lục chiến Mỹ đổ bộ xuống Thủ đô Monrovia của Liberia hôm nay nhằm bảo vệ Đại sứ quán Mỹ.

- Ông Bush cho rằng, Trung Quốc, Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ cần phải gây sức ép đối với CHDCND Triều Tiên từ bỏ cái gọi là "tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân" và quay lại bàn đàm phán. "Tôi tin rằng, chúng ta có thể giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao thông qua việc thuyến phục ông Kim Jong Il rằng, quyết định phát triển vũ khí hạt nhân sẽ khiến cho Bình Nhưỡng trở nên cô lập" - Bush nói. Hồi đầu tháng 7, CHDCND Triền Tiên tuyên bố với các quan chức Mỹ rằng, nước này đã hoàn thành việc tái chế 8.000 thanh nhiên liệu hạt nhân, đủ để sản xuất 5 hoặc 6 quả bom nguyên tử.

- Bush cho biết ông đã gửi quân tới Liberia để bảo vệ Đại sứ quán và các cơ quan khác của Mỹ. 90 người chết trong làn sóng bạo động tại Thủ đô nước này. Bush cho biết, ông sẽ bàn bạc với LHQ về việc giúp Liberia khôi phục lệnh ngừng bắn.

- Trong khi đó, Berlusconi, lại sử dụng cuộc hội đàm với Bush làm diễn đàn để gửi thông điệp tới các đồng minh châu Âu. Nhà lãnh đạo Italia phát biểu trong cuộc họp báo đã có tuyên bố dễ chịu về những người láng giềng của mình: "Quan điểm của tôi là: Chúng ta thực sự cần phải ủng hộ và phát triển lập trường thống nhất và xây dựng, nhất định không nuôi dưỡng mầm mống chia rẽ. Tính ích kỷ, tính tự phụ và chủ nghĩa chia rẽ sẽ không bao giờ chiến thắng. Chúng ta cần phải củng cố lại sức mạnh to lớn của sự đoàn kết... Đây là thông điệp mà tôi sẽ chuyển tới các đồng minh châu Âu của mình".

(Lam Sơn - Theo AP, ABC News)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thái Lan không đồng ý khai trừ Myanmar khỏi ASEAN (22/07/2003)
Sứ quán Pakistan tại Kabul mở cửa lại (22/07/2003)
Kashmir: Hai vụ nổ lựu đạn trong một ngày (22/07/2003)
Công đoàn Pháp công kích kế hoạch tư nhân hoá (22/07/2003)
EU xem xét lại mối quan hệ với Iran (22/07/2003)
"EU nên đóng vai trò chủ chốt trong lộ trình Trung Đông" (22/07/2003)
Bangladesh: Bắt giữ 2.057 người trong vòng 24 giờ (22/07/2003)
Ông Lee Jong-wook nhậm chức Tổng giám đốc WHO (22/07/2003)
PeopleSoft dàn xếp vụ mua lại JD Edwards (22/07/2003)
Mỹ sẽ phái Giám đốc CIA tới Trung Đông (22/07/2003)
90 người chết trong cuộc oanh tạc tại Liberia (22/07/2003)
Tù nhân được tự do kể về cuộc sống ở trại Guantanamo (22/07/2003)
Seoul bác bỏ thông tin Bình Nhưỡng xây dựng nhà máy hạt nhân mới (22/07/2003)
''Saddam chưa từng mua uranium'' (22/07/2003)
Bà Suu Kyi không được tham dự lễ tưởng niệm cụ thân sinh (21/07/2003)
Tro ve dau trang