Thủ thế đợi thời
14:53' 23/07/2003 (GMT+7)
Cả hai ông Sharon lẫn ông Abbas đều vẫn ở thế thủ chờ thời.

(VietNamNet) - Bốn cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Sharon và Thủ tướng Palestine Abbas trong thời gian ngắn tạo ấn tượng về chất lượng đối thoại chính trị giữa Israel và Palestine thời gian qua. Nhưng trên thực tế, ấn tượng ấy lại đánh lừa nhận thức: hai bên mới chỉ chìa tay về phía nhau, chứ chưa bắc được chiếc cầu nào qua khoảng cách giữa họ lâu nay.

Với việc tiến hành và duy trì đối thoại chính trị với ông Abbas, Israel – và đằng sau là Mỹ - đã và đang dần vô hiệu hoá vai trò của Tổng thống Palestine Arafat. Còn ông Abbas thì ít ra cũng đã thành công trong việc kéo Thủ tướng Israel Sharon vào kênh đối thoại.

Thực tế đó cùng với việc Lộ trình hoà bình cho Trung Đông được các bên chính thức công nhận là khuôn khổ, nền tảng và đường hướng tiến tới giải pháp hoà bình là những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột này. Về biểu hiện bên ngoài, người ta có thể có cảm giác là tiến trình hoà bình và hoà giải ở đây đã thoát ra khỏi sự trì trệ, đã có khởi đầu mới và lộ trình hoà bình nói trên có thể bù đắp sự phá sản của tiến trình Oslo.

Thật ra thì cả ông Sharon lẫn ông Abbas đều vẫn ở thế thủ chờ thời. Đối với ông Abbas, ưu tiên hàng đầu là củng cố vị thế quyền lực của mình, không kích động các lực lượng Palestine cực đoan và quá khích, nhưng đồng thời tránh sự chống đối của các lực lượng ủng hộ Tổng thống Palestine. Vì thế mà ông Abbas cần duy trì đối thoại chính trị với ông Sharon, nhưng lại không thể sớm nhân nhượng nhiều cho ông Sharon. Vì thế mà ông Abbas phải đề cập với ông Sharon – như trong cuộc gặp mới đây – cả những vấn đề gay cấn, nhạy cảm và nan giải lâu nay đến mức chưa thể sớm được giải quyết. 

Cả ông Sharon cũng vậy. Ông ta không thể cự tuyệt đối thoại chính trị với ông Abbas, nhưng đồng thời cũng chưa thật sự sẵn sàng nhân nhượng cho ông Abbas. Vì thế mà mọi tuyên bố và phát biểu của ông Sharon về những yêu cầu của ông Abbas có phần kiềm chế và hoà dịu hơn trước. Vì thế mà họ hẹn gặp lại nhau lần thứ 5 sau khi kết thúc cuộc gặp thứ 4 mà không đạt kết quả cơ bản nào. Cả hai đều chủ trương duy trì đối thoại, lấy đó làm bằng chứng cho thiện chí của mình và để tranh thủ Mỹ và EU.

Đúng là một cục diện mới đã hình thành ở Trung Đông, nhưng sẽ có phần vội vàng khi cho rằng việc thực hiện Lộ trình hoà bình cho Trung Đông đã được bắt đầu và thuận lợi. Israel và Palestine tuy đã chấp nhận Lộ trình này, nhưng thật ra chưa có được đầy đủ mọi tiền đề cần thiết để có thể bước vào thời kỳ thực hiện cụ thể Lộ trình nói trên. Chuyến đi Mỹ của cả hai vị thủ tướng cũng như cuộc gặp lần thứ 5 của họ tới đây chắc chưa làm thay đổi thực tế đó.

  • Lục Quán Anh
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
12 người bị thương trong 2 vụ nổ bom tại Tây Ban Nha (23/07/2003)
Tháp Eiffel bị thần lửa viếng thăm (23/07/2003)
Kinh tế Đài Loan tăng trưởng vượt mức dự đoán (23/07/2003)
''Mỹ không hứa điều gì bằng văn bản với CHDCND Triều Tiên'' (23/07/2003)
Động đất mạnh làm chết ít nhất 15 người tại Trung Quốc (23/07/2003)
Hai con trai của Saddam đã chết? (23/07/2003)
Ảrập Xêút bắt giữ 16 nghi phạm Al-Qaeda (23/07/2003)
Indonesia tiếp tục xét xử nghi phạm đánh bom Bali (23/07/2003)
Bộ Quốc phòng Mỹ lập văn phòng hỗ trợ Iraq (23/07/2003)
Trụ sở chính quyền Chechnya suýt bị đánh bom (22/07/2003)
Bush kêu gọi các nước giúp Mỹ ổn định Iraq (22/07/2003)
Thái Lan không đồng ý khai trừ Myanmar khỏi ASEAN (22/07/2003)
Sứ quán Pakistan tại Kabul mở cửa lại (22/07/2003)
Kashmir: Hai vụ nổ lựu đạn trong một ngày (22/07/2003)
Công đoàn Pháp công kích kế hoạch tư nhân hoá (22/07/2003)
Tro ve dau trang