Tổng thống Liberia chỉ trích Mỹ trong diễn văn chia tay
14:35' 11/08/2003 (GMT+7)
 
Tổng thống Taylor trong buổi ghi âm bài diễn văn chia tay tại nhà riêng hôm qua (10/8).

Tổng thống Liberia Charles Taylor hôm qua (10/8) đã có bài diễn văn chia tay gửi toàn thể người dân đất nước 14 năm chìm trong nội chiến này. Và ông tự nhận mình là "vật hy sinh" để chấm dứt cái mà ông gọi là cuộc chiến của quân nổi loạn do Mỹ hậu thuẫn.

Trong tư thế ngồi trang nghiêm với hai tay chắp phía trước, ông Taylor đã ghi âm bài diễn văn cho buổi phát sóng tối, trước khi chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Moses Blah vào trưa nay (11/8).

"Tôi không rút lui vì sợ. Tôi rút lui vì tình yêu đối với các bạn, người dân của tôi. Tôi đã chiến đấu vì các bạn".

Ông Taylor buộc tội Mỹ đã giúp trang bị vũ khí cho phiến quân Liberia, coi đây là "cuộc chiến của Mỹ", và cho rằng, cuộc chiến này là do lòng tham của Mỹ muốn giành được vàng, kim cương và những nguồn lực khác tại Liberia. Bằng một giọng chậm rãi nhưng gay gắt, nhà lãnh đạo Liberia này tuyên bố: "Tôi rất yêu đất nước của mình. Đó là lý do tại sao tôi quyết định hy sinh chức vụ tổng thống. Họ có thể chấm dứt mọi việc từ bây giờ. Chúng ta đã có thể có hoà bình".

Trong bài diễn văn của mình, ông Taylor không hề xin lỗi, mà chỉ mong sự tha thứ từ những người ông đã có lỗi trong những năm vừa qua. Ông so sánh sự từ chức của mình với việc Chúa Jesus nộp mình cho quân La Mã. "Nếu tôi là nguyên nhân chính gây ra vấn đề, điều mà cả các bạn và tôi đều biết là không phải, thì tôi sẽ trở thành vật hy sinh". Song có lẽ cốt lõi vấn đề là ở chỗ ông Taylor không hề đề cập tới lời cam kết sẽ rời khỏi Liberia. Kết thúc bài diễn văn, ông chỉ nói: "Tôi sẽ luôn nhớ tới các bạn dù tôi ở nơi nào, và tôi có thể nói rằng, nếu Chúa phù hộ, tôi sẽ trở về".

Đó là lời từ giã mà chỉ ít người được nghe tại Thủ đô Monrovia vốn đang bị chia cắt - nơi người dân gần như chỉ quan tâm tới việc kiếm lương thực, và không hề có nhiên liệu để duy trì hoạt động của các trạm phát thanh, truyền hình.

Trong quá trình ghi âm, bên ngoài ngôi nhà của Tổng thống, một chiếc xe hơi chất đầy hành lý chuẩn bị khởi hành. Những thành viên nữ trong đảng của ông Taylor nhảy múa ngoài phố trước ngôi nhà để bày tỏ sự ủng hộ, trong khi các cựu chiến binh bị thương trong cuộc nội chiến kéo dài 14 năm dưới chế độ Taylor chỉ đứng quẩn quanh bên cạnh. Chỉ cách dinh thự của ông Taylor một con phố, dường như không có dấu hiệu nào của sự ủng hộ. Theoway Gayweh, một trong số những người tụ tập ngoài phố để chứng kiến "những giờ phút cuối cùng" của chế độ Taylor cho biết: "Chúng tôi đã cầu nguyện Đấng Tối Cao để có được ngày này".

Phản ứng trước bài diễn văn trên, một quan chức cao cấp trong chính quyền Bush nói, ông không hề biết nội dung lời tuyên bố của ông Taylor về Mỹ và quân nổi loạn tại Liberia, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng Mỹ đang giúp nuôi dưỡng và trang bị vũ khí cho quân nổi loạn. 

Trong khi đó, các quan chức tại Abuja có vẻ rất "kín tiếng" về thời gian và địa điểm mà ông Taylor sẽ tới Nigeria. Một quan chức cao cấp tại Văn phòng Tổng thống Nigeria hôm qua nói: "Tôi không được phép tiết lộ chính xác khi nào ông ta tới. Đó là điều tối mật mà chúng tôi phải giữ". Một quan chức Bộ Ngoại giao nước này cũng nói: "Charles Taylor hiện vẫn là người đứng đầu một nhà nước. Vì vậy sẽ là không ngoại giao nếu chúng tôi tiết lộ hành tung của ông ta thậm chí nếu chúng tôi biết".

Một số tờ báo tại Nigeria dự đoán rằng, có thể ông Taylor đã chọn Libya thay vì Nigeria. Tuy nhiên các quan chức nước này cho rằng, không có lý do gì để họ tin rằng ông Taylor có thể thay đổi quyết định. Họ cũng xác nhận một toà biệt thự lộng lẫy tại thủ phủ bang miền Đông Nam Cross River đã được chuẩn bị để đón tiếp ông Taylor cùng những người tuỳ tùng.

(Huyền Trang - Theo AFP, AP)

 

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Việc hồi hương người Iraq tị nạn bị hoãn (11/08/2003)
100.000 người biểu tình chống toàn cầu hoá ở Pháp (11/08/2003)
Ấn Độ - Pakistan đối thoại hoà bình lần đầu tiên (11/08/2003)
Nga tổ chức họp trù bị về CHDCND Triều Tiên (11/08/2003)
Jemaah Islamiah - Nỗi ám ảnh của khu vực Đông Nam Á (11/08/2003)
Ít nhất 80 ứng cử viên tranh cử Thống đốc California (10/08/2003)
Bạo loạn tại Barsa, 7 lính Anh bị thương (10/08/2003)
Mỹ coi phiến quân Chechnya là mối đe doạ an ninh (09/08/2003)
Bom nổ tại Colombia, 5 người chết (09/08/2003)
Mỹ lo ngại có thêm các vụ tấn công khủng bố tại Indonesia (09/08/2003)
Nhật Bản cân nhắc việc xây dựng vũ khí hạt nhân (09/08/2003)
Bạo lực bùng nổ tại Bờ Tây, nam Lebanon (09/08/2003)
Trung Quốc nới tay với người lao động di cư (09/08/2003)
Hai đảng lớn tại Campuchia phủ nhận kết quả bầu cử (09/08/2003)
Tổng thống Mỹ hài lòng với tình hình Iraq thời hậu chiến (09/08/2003)
Tro ve dau trang