Tổng thống Liberia trao trả quyền lực và tị nạn chính trị ở Nigeria
06:36' 12/08/2003 (GMT+7)

Với lời thề sẽ "quay trở lại", Tổng thống Liberia Charles Taylor hôm qua (11/8) chính thức rời bỏ quyền lực và trao ấn tín cho người kế nhiệm là Phó Tổng thống Moses Blah. Đúng 3 giờ sau, vị tổng thống đầy tai tiếng lên máy bay chờ sẵn trực chỉ Abuja, Thủ đô Nigeria, để lại một đất nước Liberia xác xơ, kiệt quệ và đầy đau thương, oán hận.

Cựu tổng thống Liberia Taylor trong sự thúc ép của lực lượng an ninh

"Lịch sử sẽ rất tử tế với tôi. Tôi đã hoàn thành bổn phận của mình," vị tổng thống ra đi nói lời cuối cùng, song ông ta gần như nhắc lại trọn vẹn bài phát biểu đã được phát trên đài phát thanh hôm 10/8. Ông cũng không quên tố cáo Mỹ một lần nữa, rằng chính Washington đã ép buộc ông phải từ nhiệm.

Ngay sau khi ông Taylor dừng lời, Phó Tổng thống Blah đứng đối diện sờ tay trái lên cuốn Kinh thánh, đánh dấu việc ông này trở thành tân tổng thống của quốc gia Tây Phi 3 triệu dân. Theo thoả thuận, Blah sẽ tại vị đến tháng 10/2003, sau đó ông sẽ trao lại quyền lực cho một chính phủ lâm thời có trách nhiệm điều hành đất nước trong quá trình tổng tuyển cử.

Gia đình, bạn bè và một nhúm người ủng hộ bật khóc khi Taylor bước lên máy bay. Tại cửa, vị cựu tổng thống 54 tuổi ngoái đầu lại, vớt vát vẫy chào trong sự hối thúc gắt gao của lực lượng an ninh.

Trong khi đó, hàng trăm người dân Liberia, gầy gò và rách rưới, hò hét loạn xạ và ôm chầm lấy nhau cùng chứng kiến bước ngoặt lịch sử đối với đất nước và cuộc đời họ.

Đến chứng kiến lễ thoái vị của Taylor có Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki, Tổng thống Ghana John Kufuor và Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo.

"Đúng như dự liệu của chúng tôi, hôm nay, cuộc chiến ở Liberia đã kết thúc," Tổng thống Ghana John Kufuor tuyên bố. Còn Tổng thống Nam Phi Mbeki thì chua chát nhận xét: "Quả thật là một sự hổ thẹn khi châu Phi chúng ta đã tự giết hại lẫn nhau trong một thời gian quá dài".

Nigeria đã sắp xếp chỗ cho Taylor và gia đình ông ta tị nạn chính trị. Đó là 3 ngôi nhà trong một khu rừng rậm thuộc miền xa xôi hẻo lánh Đông Nam nước này. Lực lượng an ninh Nigeria cho biết họ sẽ kiểm soát để Taylor không thể can dự vào nền chính trị của Liberia.

Taylor vẫn để ngỏ khả năng ông ta sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Tuy vậy, ông thừa nhận rằng mình đang sống trong nỗi sợ hãi bị ám sát và bị toà án quốc tế "sờ" tới vì tội tiến hành tội ác chống loài người,  tội phạm chiến tranh và tội buôn lậu kim cương, vũ khí.

Chỉ vài phút sau khi Taylor từ nhiệm, 3 tàu chiến của Mỹ thúc còi hoành tráng tiến vào cảng Monrovia. Ba tàu chiến này, với tổng cộng gần 5.000 thuỷ thủ và lính hải quân, đã neo đậu cách bờ biển Liberia khoảng 200km trong suốt hơn một tuần nay. Nhiệm vụ của chúng là chỉ đến chào mừng và rút ngay sau đó chưa đầy một tiếng.

(Tiến Dũng - Theo AP)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trẻ mồ côi do chiến tranh dự Trại Hè tại Nhật Bản (11/08/2003)
Giáo hoàng John Paul II cầu mưa cho châu Âu (11/08/2003)
Australia có toàn quyền mới (11/08/2003)
Mỹ chưa chuyển quyền an ninh cho người Iraq (11/08/2003)
NATO sẽ tiếp quản ISAF (11/08/2003)
Tổng thống Liberia chỉ trích Mỹ trong diễn văn chia tay (11/08/2003)
Việc hồi hương người Iraq tị nạn bị hoãn (11/08/2003)
100.000 người biểu tình chống toàn cầu hoá ở Pháp (11/08/2003)
Ấn Độ - Pakistan đối thoại hoà bình lần đầu tiên (11/08/2003)
Nga tổ chức họp trù bị về CHDCND Triều Tiên (11/08/2003)
Jemaah Islamiah - Nỗi ám ảnh của khu vực Đông Nam Á (11/08/2003)
Ít nhất 80 ứng cử viên tranh cử Thống đốc California (10/08/2003)
Bạo loạn tại Barsa, 7 lính Anh bị thương (10/08/2003)
Mỹ coi phiến quân Chechnya là mối đe doạ an ninh (09/08/2003)
Bom nổ tại Colombia, 5 người chết (09/08/2003)
Tro ve dau trang