Anh trình nghị quyết dỡ bỏ lệnh trừng phạt LHQ với Lybia
11:37' 19/08/2003 (GMT+7)
Nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi

Hôm qua (18/8), Anh đã trình nghị quyết trước HĐBA LHQ về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Libya sau khi nước này nhận trách nhiệm về vụ đánh bom máy bay chở khách Hãng Pan Am hồi năm 1988 và đồng ý bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân. Song nghị quyết này đã vấp phải sự phản đối của Pháp.

Bản dự thảo nghị quyết của Anh đưa ra hoan nghênh lá thư Libya đã gửi tới HĐBA LHQ hôm thứ sáu (15/8), trong đó Libya đã nhận trách nhiệm và cam kết đáp ứng tất cả những yêu cầu khác, trong đó có việc đền bù thoả đáng cho gia đình các nạn nhân. Đại sứ Anh tại LHQ, ông Emyr Jones Parry cho biết, ông đã đưa ra bản nghị quyết cùng với Bulgaria, và các thành viên của HĐBA sẽ thảo luận nghị quyết này vào ngày mai (20/8). "Điều chúng tôi muốn là được thấy một cuộc bỏ phiếu sớm. Quá trình đàm phán đã kéo dài quá lâu và gây ra nhiều thiệt hại, đặc biệt đối với gia đình các nạn nhân".

Nếu nghị quyết này được thông qua, LHQ sẽ ngay lập tức dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí và lệnh phong toả hàng không áp đặt từ năm 1992 đối với Libya nhằm buộc chính phủ của ông Moammar Gadhafi giao nộp hai người Libya tham gia vào vụ đánh bom Lockerbie, Scotland làm 270 người thiệt mạng. 

Tuy nhiên, Pháp đã đe doạ dùng quyền phủ quyết và giữ nguyên lệnh trừng phạt này do muốn tìm kiếm một giải pháp đền bù thiệt hại "lớn hơn" với Libya cho gia đình 170 nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ nổ máy bay UTA của Pháp trên bầu trời Nigeria hồi năm 1989.

Phó Đại sứ Pháp tại LHQ, ông Michel Duclos đã bày tỏ hy vọng rằng "sẽ nhanh chóng đạt được một thoả thuận công bằng với Libya". Trong trường hợp không đạt được thoả thuận với Libya, ông hy vọng HĐBA sẽ tạm hoãn việc bỏ phiếu. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Cecile Posso di Borgo hôm qua cho biết, một vòng đàm phán mới giữa Libya và gia đình các nạn nhân của vụ UTA đã "đạt được những tiến triển quan trọng". Cả Posso di Borgo và Duclos đều công khai đe doạ sẽ dùng quyền phủ quyết nếu nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu mà vẫn không đạt được thoả thuận nào khả quan hơn với gia đình các nạn nhân UTA. Tuy nhiên, ông Duclos nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận một nghị quyết nào nếu không có giải pháp. Nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các nạn nhân của khủng bố rất quan trọng đối với chúng tôi, và chúng tôi không có ý định nhượng bộ".

Các nhà ngoại giao trong HĐBA cho biết, ông Duclos đã nói rõ tại cuộc họp kín Pháp không đòi hỏi sự bình đẳng tuyệt đối như giải pháp trong vụ Lockerbie, mà cần một giải pháp công bằng. Ông cũng lưu ý rằng các nạn nhân của vụ UTA thuộc nhiều quốc gia khác nhau, trong đó bao gồm 8 người Mỹ.

Ngoại trưởng Libya Abdel-Rahman Shalqam đã bác bỏ những thông tin về việc Pháp sẽ sử dụng quyền phủ quyết đối với nghị quyết này. "Vấn đề máy bay Pháp đã được giải quyết nhiều năm trước đây. Chúng tôi cho rằng vấn đề này đã kết thúc".

Trong một thoả thuận được công bố tuần trước, Libya đã đồng ý đền bù 2,7 tỷ USD cho thân nhân của các nạn nhân trong vụ Lockerbie, mỗi gia đình nhận 5-10 triệu USD. Còn số tiền đền bù cho vụ máy bay UTA là 33 triệu USD với mỗi gia đình được nhận 194.000 USD.

Theo nghị quyết năm 1992 của LHQ, lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ cho tới khi nào Libya thừa nhận trách nhiệm trong vụ Lockerbie, bồi thường thiệt hại xứng đáng, lên án khủng bố và tiết lộ tất cả những gì họ biết về vụ nổ. HĐBA đã đình chỉ lệnh trừng phạt đối với Libya tháng 4/1999 sau khi chính quyền Gadhafi giao nộp những kẻ tình nghi. Một trong số này là nhân viên tình báo Libya Abdel Basset Ali al-Megrahi đã bị buộc tội và kết án tù chung thân. Tên còn lại được tha bổng.

(Huyền Trang - Theo AP)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
CHDCND Triều Tiên - Nhật Bản bùng nổ bất đồng mới (19/08/2003)
Chính phủ và phe đối lập ký thoả thuận hoà bình (19/08/2003)
"Bin Laden và Mullah Omar vẫn còn sống" (19/08/2003)
CHDCND Triều Tiên không từ bỏ ''vũ khí hạt nhân đánh chặn'' (18/08/2003)
Anh trục xuất nhà ngoại giao Ảrập vì tội hối lộ (18/08/2003)
Tổng thống Colombia bị ám sát... hụt (18/08/2003)
Đài Loan đặt cọc mua 8 tàu ngầm của Mỹ (18/08/2003)
Lính Mỹ bắn chết phóng viên Reuters (18/08/2003)
Báo chí Iraq bùng nổ: Tự do hay hỗn loạn? (18/08/2003)
Mỹ sẽ đối mặt với 11/9 lần hai? (18/08/2003)
Con trai Lý Quang Diệu sẽ trở thành Thủ tướng Singapore (18/08/2003)
Mỹ - Hàn Quốc tiến hành tập trận chung (03/11/2003)
Nhật Bản dự định phóng 17 vệ tinh giám sát trái đất (18/08/2003)
Bắc Mỹ: Mất điện "bắt nguồn từ Ohio" (18/08/2003)
Làn sóng phá hoại lan rộng tại Iraq (18/08/2003)
Tro ve dau trang