Mỹ san sẻ quyền lực ở Iraq
06:44' 04/09/2003 (GMT+7)

Washington hôm qua (3/9) chính thức tuyên bố sẽ mở rộng thành phần lực lượng tái thiết Iraq thời hậu chiến. Quyết định "khó khăn" này, theo Nhà Trắng, là sự "phát triển tự nhiên". Tuy nhiên, trong con mắt của nhiều nhà quan sát, chính những thiệt hại nhân mạng và tình hình bất ổn ngày càng trầm trọng đã khiến Mỹ không thể một mình nhá chiếc bánh Iraq.

Với nghị quyết mới của LHQ, Mỹ sẽ không còn là lực lượng duy nhất tại Iraq

Phát biểu tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cho biết có thể một nghị quyết về vấn đề này sẽ được Mỹ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ tuần tới. Hiện Đại sứ Mỹ tại LHQ John Negroponte đã gửi bản thảo nghị quyết này cho đại diện một số nước để tham khảo. Trước đó, ông Powell đã thực hiện một loạt cuộc điện đàm để vận động các ngoại trưởng Anh, Nga, Pháp, Đức và Tây Ban Nha và Tổng thư ký LHQ Kofi Annan.

"LHQ có nhiều cơ quan có khả năng và kinh nghiệm trong việc xây dựng đất nước, và chúng tôi tin rằng việc có một nghị quyết (về chia sẻ công việc tái thiết Iraq) sẽ góp phần chứng tỏ vai trò tồn tại của tổ chức này," ông Powell nói.

"Tất nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Nhưng vai trò chủ đạo không có nghĩa là duy nhất," ông Powell "bóng gió" về vị thế của Mỹ trong lực lượng quốc tế sẽ hình thành nay mai trên cơ sở lực lượng liên quân hiện nay do Mỹ đứng đầu. 

The ông Powell, nghị quyết của LHQ sẽ có 2 mục đích chính. Thứ nhất, nó sẽ mở đường cho chính quyền lâm thời Iraq đệ trình chương trình và thời gian biểu cho việc thực thi bầu cử tự do và ban hành hiến pháp. Thứ hai, nó sẽ là căn cứ để Hội đồng Bảo an huy động lực lượng gìn giữ hoà bình đa quốc gia.

Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định quyết định chia sẻ công việc với LHQ không liên quan tới việc ngày càng nhiều quân Mỹ bỏ mạng tại Iraq mà đó là "một quá trình bình thường, đã định sẵn từ trước với mục tiêu cuối cùng là phục hồi chủ quyền cho người Iraq".

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nhận định rằng động thái này của Nhà Trắng là một mũi tên nhằm tới nhiều đích. Trước hết, Chính quyền Washington đang ngồi trên đống lửa với việc ngày càng có nhiều công dân Mỹ thiệt mạng tại Iraq. Theo số liệu của Lầu Năm góc, kể từ khi cuộc chiến Iraq bắt đầu, có tổng cộng 285 lính Mỹ vĩnh viễn ra đi, trong đó hơn một nửa (147) bỏ mạng sau ngày chiến tranh kết thúc (1/5/2003). Việc một lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế ra đời với sự tham gia của quân đội nhiều nước chắc chắn sẽ giúp giảm bớt "nguy cơ" cho quân đội Mỹ.

Hơn nữa, điều Mỹ cần nhất hiện nay là cải thiện hình ảnh của mình trong thế giới Ả-rập. Dù sao thì với chiến dịch tấn công Iraq và sau đó là duy trì một lực lượng lớn tại đó khi chiến tranh kết thúc, Washington cũng bị mang tiếng là "xâm chiếm một quốc gia Ả-rập". Nay, một lực lượng quốc tế, thậm chí có cả sự tham gia của các nước Hồi giáo (Mỹ đang rất cần điều này), nghiễm nhiên sẽ xoá bỏ cho Mỹ cái "dớp" này.   

Cũng trong ngày hôm qua, Mỹ đã chuyển giao quyền kiểm soát quân sự cả một vùng rộng lớn ở phía Nam Baghdad cho lực lượng quốc tế do Ba Lan đứng đầu. Khu vực được chuyển giao gồm Thành phố Najaf, Karbala, Hillah và vùng biên giới giáp Iran. Hiện lực lượng này có 9.500 quân đến từ 21 quốc gia khác nhau.

(Tiến Dũng - Theo AP, BBC)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Thái Lan tăng 71 triệu USD cho ngân sách quốc phòng (08/09/2003)
Đánh bom xe lửa ở Nga, ít nhất 5 người chết (03/11/2003)
Mỹ yêu cầu LHQ mở rộng vai trò tại Iraq (03/09/2003)
Quốc hội CHDCND Triều Tiên thông qua kế hoạch hạt nhân (03/09/2003)
Bạo lực lại bùng phát tại Kashmir (03/09/2003)
Đại sứ Iran không muốn quay lại London? (03/09/2003)
Pháp - Libya sắp đạt được thoả thuận về vụ UTA (08/09/2003)
Bầu cử Hạ viện Nga sẽ diễn ra vào 7/12 (03/09/2003)
Mỹ đào tạo 5.000 cảnh sát hàng không (03/11/2003)
CHDCND Triều Tiên vẫn muốn đối thoại (03/09/2003)
Quân nổi dậy Colombia bắt cóc 46 người Venezuela (03/09/2003)
Taliban tái hợp với al-Qaeda (03/09/2003)
Bộ trưởng Quốc phòng Israel muốn trục xuất ông Arafat (03/09/2003)
Jordan phong toả tài khoản của các cựu lãnh đạo Iraq (08/09/2003)
Hội đồng điều hành Iraq bổ nhiệm nội các (08/09/2003)
Tro ve dau trang