Gia đình EU cơm chẳng lành canh chẳng ngọt
18:13' 23/09/2003 (GMT+7)

 

Lục đục về Iraq, lục đục về đồng tiền chung, lục đục về dự thảo hiến pháp và lục đục về rất nhiều cái khác, Liên minh châu Âu đang bị chia rẽ sâu sắc hơn lúc nào hết. Con đường tiến tới một ''tổ quốc châu Âu chung'' có thể không bao giờ đi hết?

Patrie, Homeland, Vaterland, Fosterlandet, cho dù đó là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh nhưng chúng đều mang nghĩa tổ quốc, quê hương và luôn gợi cho ta sự thiêng liêng, hùng vĩ. Chưa kể tới 11 ngôn ngữ trong khối EU hiện nay, tháng 5 tới (2004) khối liên minh này sẽ có thêm 20 thứ tiếng khác. Cho dù vậy, những người có niềm tin thực sự từ lâu đã mơ ước, một ngày nào đó, cả châu Âu sẽ trở thành một tổ quốc duy nhất. Nhưng rồi, giấc mơ ngọt ngào đó có trở thành hiện thực khi: 

Thuỵ Điển - một dân tộc luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với tình đoàn kết, thống nhất - bất ngờ ''ngoảnh mặt'' đối với đồng tiền chung châu Âu, cái luôn được coi là thứ vũ khí kinh tế và chính trị sắc bén của một ''đất mẹ'' châu Âu. Cú đấm ấy giáng đúng vào thời điểm Anh, Pháp và Đức thất bại thảm hại trong nỗ lực đưa ra một khung thời gian cụ thể cho việc chuyển giao quyền lực tại Iraq. Hơn thế, Pháp và Đức còn tỏ ra hết sức bực mình trước thực trạng các nước nhỏ ''nhúng mũi'' vào những quy định của EU trong việc điều tiết chi tiêu chính phủ. Dưới áng mây đen của kết quả trưng cầu dân ý ở Thụy Điển, triển vọng trưng cầu dân ý về hiến pháp mới của EU dường như càng trở nên đen tối hơn. Nếu một nước ''nói không'', bản hiến pháp này sẽ chết ngay lập tức.

Khi EU đang tiến gần tới thống nhất về mặt địa lý, thì các nước thành viên tách ra làm đôi, tạo ra một khoảng cách khó bắc cầu. Thứ nhất về đồng tiền chung châu Âu, sau khi các nước thành viên mới chính thức được kết nạp vào tháng 5 tới, sẽ có tổng cộng 12 nước thành viên nằm trong khu vực đồng tiền chung và 13 nước nằm ngoài. Cho dù, các nước thành viên mới có bổn phận tham gia vào khu vực đồng tiền chung này, cho đến nay vẫn chưa có hạn chót cụ thể và đương nhiên, lộ trình gia nhập cũng sẽ tốn thời gian hơn. Thứ đến là sự chia cắt giữa ''châu Âu già'' - ủng hộ Mỹ - và ''châu Âu trẻ'' - không ủng hộ Mỹ.

Mặc dù cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, song chắc chắn sẽ không có bước thụt lùi trong quá trình thống nhất châu Âu về kinh tế và chính trị. Châu Âu vẫn tồn tại và phát triển ngay cả khi sự hoài nghi vẫn hiện diện.

Và cũng giống như bất kỳ gia đình lục đục nào, châu Âu phải cố ''không vạch áo cho người xem lưng'' bằng cách ''đóng cửa bảo nhau''. Đó là một trong những kỹ năng tồn tại quan trọng. Cuối tuần trước tại Berlin trong một cuộc hội kiến đầu tiên kể từ vụ bất đồng sâu sắc trong EU hồi đầu năm xung quanh vấn đề Iraq, Thủ tướng Đức Gerhard Schröder, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Anh Tony Blair đã dồn hết tâm sức song không vén nổi bức màn mâu thuẫn. Ông Blair cố làm dịu vấn đề: ''Chúng tôi đều muốn chứng kiến một Iraq ổn định''. Ông Chirac thẳng thừng hơn: ''Chúng tôi không hoàn toàn nhất trí về phương thức và thời gian''. Trong khi đó, ông Schröder tỏ ra ôn hoà: ''Vẫn còn nhiều bất đồng''. Cả Pháp và Đức muốn góp phần đào tạo lực lượng cảnh sát Iraq tại các cơ sở bên ngoài Kabul, song cả hai đều muốn một sự chuyển giao quyền lực nhanh chóng cho người Iraq. Ngược lại, ông Blair đồng ý với Mỹ rằng, quá trình chuyển giao không thể diễn ra một sớm một chiều. Anh muốn chứng tỏ tình cảm trước sau như một với Mỹ bằng việc hết mình ủng hộ bản dự thảo nghị quyết của Mỹ về Iraq trước Hội đồng bảo an LHQ yêu cầu các nước rót tiền và viện trợ quân sự vào Iraq, song vẫn để Washington nắm quyền điều hành.

Và tất nhiên đó không chỉ là chuyện chia rẽ giữa các chính phủ. Một cuộc thăm dò mới đây do tạp chí Time tổ chức cho thấy, 60% người Anh nghĩ rằng, Đức và Pháp nên gửi quân tới Iraq - nơi đã có sự hiện diện sẵn của 12.000 quân Anh nếu nghị quyết LHQ được phê chuẩn. Ngược lại, 70% người Pháp và 82% người Anh phản đối kịch liệt chuyện điều quân tới Iraq.

Tuy vậy, tất cả những điều đó không thể khiến những người ủng hộ một ''tổ quốc châu Âu chung'' dễ dàng thất vọng. Một chuỗi tin vui đã đến trong tuần vừa rồi. Châu Âu đang dần thống nhất. Toàn bộ 10 quốc gia ứng viên đã hoàn thành tổ chức trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU. Và đáng mừng thay, đa số người dân ở các nước này đều nói ''có''.

Đối với Mỹ, sự chia rẽ trong EU mang lại cả tin tốt lẫn tin xấu. Châu Âu mới sẽ giúp Mỹ một tay trong đặc vụ tại Iraq, song châu Âu cũ sẽ cản trở Mỹ tăng cường hợp tác quốc tế. Biết vậy, chính quyền Bush đang cố gắng ''chọc gậy'' vào cỗ xe Pháp - Đức bằng cách kéo Đức về phía mình và tạo thế cô lập Pháp. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, cái ý đồ đó của Washington có vẻ như là ''nhiệm vụ bất khả thi''. 

Về chuyện đồng tiền chung châu Âu. Ngay cả thời điểm sau vụ sát hại bà Ngoại trưởng Thuỵ Điển Anna Lindh - người ủng hộ kế hoạch gia nhập đồng EUR, 56% người dân đất nước Bắc Âu này không muốn ''rũ bỏ'' đồng bản tệ krona. Cái sự phản đối đồng tiền chung châu Âu của người Thụy Điển cũng được người Anh chia sẻ. Có 2 lý do khiến người dân xứ sở sương mù ngăn cản Thủ tướng Blair kêu gọi trưng cầu dân ý: thứ nhất tốc độ tăng trưởng kinh tế uể oải ở khu vực đồng tiền chung châu Âu - ước tính trong năm nay chỉ đạt 0,4% và thứ hai là nếu gia nhập EUR người Anh sẽ phải nhượng bớt quyền lực cho Brussels. Thực tế cho thấy, nền kinh tế Anh và Thuỵ Điển phát triển nhanh hơn nền kinh tế tại khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Tuy nhiên, đồng tiền chung không phải là nguyên nhân chính dẫn tới sự trì trệ của châu Âu. Tài chính bấp bênh và bộ máy chính quyền ''cổ lỗ'' không chịu cải tổ ở Đức, Pháp và Italy mới chính là thủ phạm. Olof Ruin - một nhà nghiên cứu chính trị Thuỵ Điển cho biết: ''Chúng tôi là một nước nhỏ và có trật tự''. Trong khi đó, nhiều người chỉ trích vẫn lên tiếng bài bác Đức và Pháp là không tuân thủ luật. Cho dù 9 triệu dân Thuỵ Điển không gia nhập với 300 triệu dân đang dùng EUR chẳng đáng kể gì, song điều đó cho thấy đồng tiền chung châu Âu không phải dành cho mọi người. Tại sao vậy? Nếu người Thuỵ Điển thấy mức lãi suất tăng, đầu tư và mức cạnh tranh giảm do không gia nhập đồng tiền chung châu Âu, họ sẽ nghĩ lại và tổ chức trưng cầu dân ý lần nữa. Như vậy, cũng có thể họ sẽ đồng ý gia nhập. Cách khác, nếu đồng EUR tăng giá, tất nhiên người Thuỵ Điển cũng sẽ phải nghĩ lại.

Hiện, Chính phủ Pháp đang phản đối mạnh mẽ sự bức chế của Brussels. Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin đã ''cười khẩy'' trước khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu về thái độ coi thường của Pháp trước ngưỡng giới hạn thâm hụt ngân sách quy định 3% của EU.

Và có nhiều khả năng sự rạn nứt trong EU càng nới rộng vào tuần này khi các đại diện của tất cả 25 quốc gia thành viên cũ và sắp là thành viên bắt đầu tiến hành thảo luận chính thức về bản dự thảo hiến pháp mới. Nhiều quốc gia thành viên nhỏ tỏ ra không mấy thoải mái về giới hạn số lượng uỷ viên. Điều đó khiến một số quốc gia nhỏ không được bỏ phiếu trong một số cơ quan hành pháp chính của EU. Người Pháp và Đức muốn nhấn mạnh tới các vấn đề xã hội và lao động, trong khi người Anh vẫn tỏ ra nghi ngờ. London đặc biệt quan tâm tới điều khoản phòng thủ chung trong hiến pháp không ''cạnh tranh'' với các quy định của NATO.

(Trần Kiên - Theo Time)

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Anh chấp nhận kế hoạch phòng thủ châu Âu (23/09/2003)
Nhân vật quyền lực thứ 2 thời Saddam Hussein xin ra hàng (23/09/2003)
Iran biểu dương sức mạnh (23/09/2003)
''Sức mạnh quân sự không tận diệt được khủng bố'' (23/09/2003)
'Chúng tôi muốn hai miền Triều Tiên thống nhất trong hòa bình' (23/09/2003)
Ngoại trưởng Hà Lan nhận chức Tổng thư ký NATO (23/09/2003)
Israel khước từ đề nghị ngừng bắn của Tổng thống Palestine (23/09/2003)
Trung Quốc: Một ngày 3 vụ nổ, 9 người thiệt mạng (23/09/2003)
Thủ tướng Nhật Bản chỉ định nội các mới (23/09/2003)
Kremlin phủ nhận âm mưu đầu độc trùm tài phiệt Nga (22/09/2003)
Ấn Độ xây hầm ngầm bảo vệ nội các (22/09/2003)
Mỹ đề xuất ''hạ bệ'' TT Palestine Yasser Arafat. (22/09/2003)
TT Nga đánh bại TT Mỹ về mức độ được tín nhiệm (25/09/2003)
Iraq mở cửa với giới đầu tư nước ngoài (22/09/2003)
Nội các Nhật Bản từ chức hàng loạt (22/09/2003)
Tro ve dau trang