Thấy gì từ cuộc cải tổ nội các tại Nhật Bản?
09:45' 24/09/2003 (GMT+7)
Thủ tướng Koizumi cùng Nội các mới.

Một ngày sau khi tái đắc cử Chủ tịch đảng Dân chủ tự do - đảng cầm quyền tại Nhật (LDP), vị Thủ tướng được 50% người ủng hộ Junichiro Koizumi bắt đầu tiến hành những bước cần thiết nhằm đưa đồng minh của mình vào những vị trí chủ yếu trong đảng. Tiếp đó, một danh sách nội các mới đã được công bố với hàng loạt bộ trưởng bị thay thế và một số được giữ lại khiến không ít người ngạc nhiên.

Đầu tiên là việc ông Heizo Takenaka được tiếp tục giữ hai vị trí mà ông này vốn đảm nhiệm, Bộ trưởng Các chính sách kinh tế và Bộ trưởng Các dịch vụ tài chính. Điều này trái với dự đoán của nhiều người cho rằng ông Takenaka sẽ phải từ bỏ vị trí Bộ trưởng Các dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, đây là sự chỉ định "rất hợp lý". Từ khi lên nắm quyền tháng 4/2001, ông Koizumi đã cam kết đưa kinh tế Nhật Bản thoát khỏi thời kỳ suy thoái kéo dài 1 thập niên bằng việc thực hiện những cải cách cơ cấu như thắt chặt chi tiêu chính phủ, giải quyết dứt điểm những khoản nợ khó đòi, tư nhân hoá một số ngành như bưu chính... Điều này đã vấp phải sự phản đối của các thành viên chủ yếu trong LDP muốn tăng chi tiêu công cộng và trợ cấp chính phủ để hỗ trợ các công ty vốn đang phải chật vật để tồn tại. Bất chấp việc giành được tỉ lệ ủng hộ 80% thời gian đầu, ông Koizumi vẫn chưa thể vượt qua "chướng ngại vật" từ ngay trong nội bộ LDP để tiến hành kế hoạch phục hồi kinh tế của mình. Hơn nữa, mới chỉ cách đây 1 tháng, các nghị sĩ trong LDP còn lựa chọn một người có khả năng thay thế ông Koizumi làm lãnh đạo đảng. Như vậy, muốn tiếp tục thúc đẩy các chính sách cải cách, tất nhiên ông Koizumi phải chọn một nhân vật ủng hộ mình..

Ông Takenaka là một chuyên gia kinh tế có lập trường cứng rắn trong việc giải quyết những khoản nợ khó đòi tồn đọng tại các ngân hàng Nhật Bản. Lập trường này không làm hài lòng các nhân vật thủ cựu trong đảng cầm quyền LDP nhưng lại thích hợp với chính sách của Thủ tướng. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ông Koizumi phớt lờ sự phản đối của các thành viên trong đảng, giữ lại ông Takenaka - một minh chứng cho quyết tâm theo đuổi cải cách kinh tế.

Việc ông Koizumi thay thế vị bộ trưởng tài chính đã "già cỗi" Masajuro Shiokawa bằng một nhân vật mới, Sadakazu Tanigaki cũng có thể được lý giải theo cách tương tự. Tanigaki là người đang phụ trách việc phục hồi các công ty gặp khó khăn về tài chính, chịu trách nhiệm giải quyết các khoản nợ khó đòi và đã từng cam kết sẽ cân bằng ngân sách Nhật Bản theo lệnh của Thủ tướng. Mặc dù theo nhiều người, việc chỉ định Tanigaki sẽ không đem lại nhiều hiệu quả cho chính sách của Thủ tướng, song đây cũng là một sự lựa chọn "phù hợp" nếu chỉ xét trên lý thuyết.

Một động thái gây ngạc nhiên khác là việc ông Koizumi chỉ định bà Yoriko Kawaguchi tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Ngoại trưởng mặc dù trước đó, người ta dự đoán bà sẽ bị thay thế. Yoriko Kawaguchi được biết tới như một người có lập trường mềm dẻo trong vấn đề quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Quan điểm của bà là Nhật Bản nên duy trì chính sách đối thoại đi đôi với dùng áp lực đối với CHDCND Triều Tiên, tiếp tục giải quyết vấn đề công dân Nhật bị mất tích tại CHDCND Triều Tiên cũng như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng ông Koizumi cũng chỉ định một nhân vật vốn có quan điểm cứng rắn trong chính sách với CHDCND Triều Tiên là Shinzo Abe vào vị trí bí thư thứ 2 của LDP. Đây được coi là một chính sách "cân bằng" và theo nhận định của một số chính trị gia thì ông Koizumi đang vận dụng một chính sách "tay đôi", khá linh hoạt.

Với quyết tâm đẩy mạnh các chính sách cải cách, ông Koizumi cũng thay thế những nhân vật chủ chốt trong LDP. Ông từ chối đáp ứng yêu cầu từ trong đảng buộc ông chỉ được trao các chức vụ trong Nội các cho các nghị sĩ Quốc hội. Thay vì thế, ông dùng những nhân vật thuộc khối tư nhân, nằm ngoài Quốc hội. Điều này như một "cú đấm vào mặt" các thành viên thủ cựu LDP, cũng là dấu hiệu cho thấy một sự dọn đường cho việc thực hiện những cải cách cơ cấu mà Thủ tướng đã đề ra.

Việc chỉ định thành phần nội các mới của Thủ tướng Koizumi rõ ràng nhằm phục vụ chính sách cải cách cơ cấu. Chưa đề cập tới việc liệu nội các này có triển khai hiệu quả chính sách của Thủ tướng hay không, trước mắt, nó tạo ra một nền tảng quyền lực vững chắc cho ông Koizumi trong nội bộ LDP, đồng thời là một bước đi cần thiết trong kế hoạch giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.

  • Huyền Trang - (Tổng hợp)
Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Trung Quốc, Nga và Trung Á thắt chặt quan hệ (24/09/2003)
Gia đình EU cơm chẳng lành canh chẳng ngọt (23/09/2003)
Anh chấp nhận kế hoạch phòng thủ châu Âu (23/09/2003)
Nhân vật quyền lực thứ 2 thời Saddam Hussein xin ra hàng (23/09/2003)
Iran biểu dương sức mạnh (23/09/2003)
''Sức mạnh quân sự không tận diệt được khủng bố'' (23/09/2003)
'Chúng tôi muốn hai miền Triều Tiên thống nhất trong hòa bình' (23/09/2003)
Ngoại trưởng Hà Lan nhận chức Tổng thư ký NATO (23/09/2003)
Israel khước từ đề nghị ngừng bắn của Tổng thống Palestine (23/09/2003)
Trung Quốc: Một ngày 3 vụ nổ, 9 người thiệt mạng (23/09/2003)
Thủ tướng Nhật Bản chỉ định nội các mới (23/09/2003)
Kremlin phủ nhận âm mưu đầu độc trùm tài phiệt Nga (22/09/2003)
Ấn Độ xây hầm ngầm bảo vệ nội các (22/09/2003)
Mỹ đề xuất ''hạ bệ'' TT Palestine Yasser Arafat. (22/09/2003)
TT Nga đánh bại TT Mỹ về mức độ được tín nhiệm (25/09/2003)
Tro ve dau trang