Khác với thái độ chỉ trích gay gắt và bất hợp tác của Tổng thống Pháp Jaques Chirac, Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder hôm qua (24/9) lên tiếng sẽ ủng hộ kế hoạch tái thiết Iraq của Tổng thống Mỹ Bush. Đây là một động thái bất ngờ, bởi lẽ, cùng với Pháp và Nga, Đức là nước kịch liệt phản đối cuộc chiến đơn phương của Mỹ vào Iraq hồi đầu năm nay.
|
Schroeder - Bush, cái bắt tay nồng ấm sau 16 tháng lạnh nhạt |
Tuyên bố của người đứng đầu một trong những quốc gia trụ cột của EU được phát đi trong cuộc gặp lịch sử sáng qua (24/9) tại tổng hành dinh của LHQ ở New York. Đây là lần gặp nhau đầu tiên giữa nguyên thủ Đức - Mỹ sau 16 tháng quan hệ 2 nước "đóng băng" vì mâu thuẫn trong vấn đề Iraq.
Ông Schroeder khẳng định Đức và phần còn lại của châu Âu có quyền lợi lâu dài trong việc đảm bảo an ninh và ổn định ở Iraq. Đức sẵn sàng giúp huấn luyện lực lượng cảnh sát và quân đội cho Iraq.
Trước đó, tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Đức tuyên bố: "Chỉ có LHQ mới đủ tính hợp pháp và có thể giúp người dân Iraq đẩy nhanh quá trình tái thiết đất nước dưới sự điều hành của một chính phủ đại diện độc lập. Đất nước tôi sẵn sàng ủng hộ quá trình đó".
Ông Schroeder cho biết ngoài việc giúp huấn luyện các lực lượng vũ trang, Đức đã chuẩn bị để cung cấp viện trợ kinh tế, kỹ thuật và nhân đạo cho Iraq.
Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức, Tổng thống Mỹ bày tỏ thái độ hài lòng: "Chúng tôi đã có những điểm bất đồng và bây giờ tất cả đã chấm dứt, chúng tôi đang hợp tác với nhau. Tôi đánh giá cao nỗ lực của ông ta (Schroder) trong việc giúp Iraq phát triển thành một quốc gia dân chủ, ổn định và hoà bình".
Những diễn biến khác:
• Viện Gallup vừa công bố kết quả khảo sát về đánh giá của người dân Baghdad đối với tình hình đất nước trước và sau chiến tranh. Theo đó, trong tổng số 1.178 người dân thủ đô được chọn ngẫu nhiên và hỏi trực tiếp, 62% cho rằng Saddam Hussein bị lật đổ là xứng đáng so với 30% nói không; 67% tin tưởng rằng Iraq sẽ giàu mạnh hơn trong 5 năm tới, trong khi đó chỉ có 8% có ý kiến ngược lại. Về tình hình hiện nay, chỉ có 33% đánh giá tươi sáng hơn trước khi quân Mỹ vào chiếm đóng, song lại có tới 47% cho rằng tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Cuối cùng, có đến 94% cư dân Baghdad được hỏi nói rằng đất nước trở thành một nơi nguy hiểm kể từ khi chiến tranh xảy ra, chỉ có 5% cảm thấy an toàn. Khảo sát của Gallup được tiến hành độc lập kể từ 28/8 đến 4/9.
• Lầu Năm góc vừa báo động có thể sẽ điều thêm một số lượng lớn thuộc lực lượng Cận vệ quốc gia và quân dự bị sang Iraq trong trường hợp Washington không đạt được cam kết tăng cường lực lượng gìn giữ hoà bình đa quốc gia của các nước khác.
• David Kay, quan chức CIA có nhiệm vụ tìm kiếm vũ khí huỷ diệt hàng loạt ở Iraq, vừa thừa nhận đội của ông không thể đi đến "kết luận chắc chắn" rằng Iraq sở hữu các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt.
(Tiến Dũng - Theo CNN, BBC) |