|
Hội trường Quốc hội Campuchia vắng ngắt trong phiên khai mạc. |
(VietNamNet) - Chiều 27/9, Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk thông báo, ngày 4/10, ông sẽ đứng ra tổ chức lễ tuyên thệ cho các nghị sĩ vừa trúng cử. Đây được coi là nỗ lực của ông Sihanouk, nhằm làm giảm sự căng thẳng giữa 3 đảng phái lớn sau phiên khai mạc Quốc hội chỉ có mình Đảng Nhân dân Campuchia "tự biên tự diễn".
Trong thông báo, Quốc vương cho biết, dù chỉ có một đảng tham dự, ông sẽ vẫn tổ chức lễ tuyên thệ và tiệc chiêu đãi các nghị sĩ vừa trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 27/7 vừa qua. Ngay sau đó, ba đảng phái chính ở Campuchia - chủ của toàn bộ 123 ghế tại Quốc hội đều thông báo họ sẽ đến.
Trước đó vài tiếng, vào lúc 10h30 phút, được sự ủy quyền của Quốc vương, ông Chea Sim, Chủ tịch Thượng nghị viện, đồng thời là Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã chủ trì phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nhiệm kỳ 3.
Tham dự buổi lễ kéo dài 45 phút chỉ có 73 nghị sĩ CPP, cùng nhiều đại sứ và phái đoàn ngoại giao các nước. Quốc vương Sihanouk và 50 nghị sĩ còn lại thuộc Đảng Bảo hoàng Funcinpec và Đảng Sam Rainsy đều không đến. Lễ tuyên thệ đã không thể diễn ra.
Trước đó, Funcinpec và Sam Rainsy cho biết sẽ không tham dự nhằm phản đối kết quả của cuộc tổng tuyển cử. Về phần mình, Quốc vương Sihanouk tuyên bố không chủ trì phiên khai mạc như thông lệ, nếu một trong ba đảng không đến dự.
2 tháng chưa lập được chính phủ mới
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 27/7, Đảng CPP của Thủ tướng Hun Sen giành được thắng lợi cách biệt, giữ 73 trong tổng số 123 ghế trong Quốc hội mới, nhưng vẫn thiếu 9 ghế để tự thành lập chính phủ. Một lần nữa, CPP bất đắc dĩ phải liên minh với các đảng phái khác.
Đối tác mà Thủ tướng Hun Sen muốn lôi kéo là Đảng Bảo hoàng Funcinpec - chủ của 26 ghế trong Quốc hội mới. Họ cũng chính là đối tác của CPP trong chính phủ sắp mãn nhiệm. Liên minh này sẽ chiếm 99 ghế trong Quốc hội, đủ để tạo một chính phủ tương đối bền vững, dễ dàng thông qua các quyết định phù hợp với chủ trương của CPP và Funcinpec.
Nhưng đến thời điểm này, Funcinpec vẫn từ chối hợp tác với CPP. Ngược lại, ngày 23/8, họ đã cùng Sam Rainsy thành lập "Liên minh Những người dân chủ", yêu cầu lập một chính phủ 3 đảng và không có sự hiện diện của Hun Sen.
Các nhà phân tích chính trị đều cho rằng đây là một đề xuất phi thực tế vì CPP và Sam Rainsy khó có thể liên minh với nhau, và phi thực tế hơn nữa là sự rút lui của Thủ tướng Hun Sen - nhân vật quyền lực nhất Campuchia, người đã đưa CPP đến thắng lợi rõ rệt trong cuộc bầu cử vừa qua.
CPP đã không công nhận Liên minh Những người dân chủ và đương nhiên, ngay lập tức bác bỏ yêu cầu loại Thủ tướng Hun Sen khỏi chính phủ mới.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, cả Funcinpec và Sam Rainsy đều khăng khăng nói họ không hề "đi đêm" với CPP. CPP lại tuyên bố ngược lại. Cố vấn thân cận của Thủ tướng, ông Om Yientieng, cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành đàm phán riêng rẽ với các đảng phái có ghế trong Quốc hội mới".
Theo nguồn tin riêng của AFP, cách đây hơn một tuần, CPP đã thảo luận với các thành viên cấp cao của Funcinpec về việc thành lập chính phủ mới. Funcinpec sẽ hợp tác với CPP với điều kiện Chủ tịch Funcinpec, hoàng thân Norodom Ranariddh vẫn giữ ghế Chủ tịch Quốc hội. CPP không phản đối đề nghị này. Theo kế hoạch ban đầu, Hun Sen sẽ tiếp tục giữ chức vụ Thủ tướng và Chea Sim vẫn là Chủ tịch Thượng viện như hiện nay.
Trả lời phỏng vấn của AFP, một nhà phân tích cho rằng: "Chắc chắn họ đang thảo luận ngầm. Và như mọi khi, vấn đề cần giải quyết là phân chia ghế trong các bộ, ngành và những vị trí quan trọng trong chính phủ".
Bao giờ chính phủ mới được thành lập? Cách đây một tuần, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố: "Nên có Quốc hội trước, rồi thành lập Chính phủ sau". Còn trong một lần trao đổi với các đồng nghiệp Việt Nam, anh Reach Sambath, phóng viên AFP, người đã theo dõi cả ba cuộc bầu cử gần đây của Campuchia cho biết, nhiều nhà phân tích và cả bản thân anh cũng đành đưa ra một dự đoán cẩn trọng là "từ nay đến cuối năm".
|