Với tỷ lệ phần trăm công dân Mỹ ở nước ngoài đăng ký đi bỏ phiếu tăng đột biến so với các lần bầu cử trước đó, con số 7,1 triệu người Mỹ đang sinh sống ngoài nước này được cho là cũng có thể làm nên bất ngờ trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng giữa George W.Bush và John Kerry.
Tính đến giữa tháng 7 năm nay, Chương trình Hỗ trợ bầu cử Liên bang Mỹ đã gửi ra nước ngoài khoảng 340.000 lá phiếu cho các cử tri vắng mặt vào ngày bầu cử chính thức. So với cùng thời điểm năm 2000, con số này chỉ dừng lại ở 250.000.
Trong cuộc bầu cử năm 2000, số phiếu bầu ít ỏi của các cử tri Florida vắng mặt đã góp phần đưa ông Bush vào Nhà Trắng. Giờ đây, nó lại trở thành tâm điểm tập hợp tư tưởng chống Bush ở khắp châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Theo cuộc khảo sát mang tên Các xu hướng hai bên bờ Đại Tây Dương 2004 do Quỹ Marshall Đức đóng tại Mỹ tiến hành, khoảng 76% người châu Âu không tán thành với chính sách ngoại giao hiện tại của Mỹ, tăng 20% so với 2 năm trước.
Trong khi các cử tri Mỹ sống ở châu Âu bày tỏ sự lo lắng về chủ nghĩa đơn phương của chính quyền Bush, một số người Mỹ gốc Do Thái lại hoan nghênh ông đã hỗ trợ Israel. Tuy nhiên, những người có tư tưởng như vậy chỉ là thiểu số. Một cuộc trưng cầu ý kiến của người Mỹ ở 35 nước hồi mùa hè năm nay cho thấy, chỉ có cử tri ở vỏn vẹn 3 quốc gia là ủng hộ Bush.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri, Đảng Cộng hòa đã phái cựu Phó chủ tịch Dan Quayle đi diễn thuyết khắp nước Đức và George P., con trai của Thống đốc bang Florida Jeb Bush đi vận động ở Mexico, nơi có ước tính khoảng 1 triệu công dân Mỹ. Cặp ứng viên đảng Dân chủ Kerry-Edwards lại thành lập Tổ chức Những người Mỹ ở nước ngoài ủng hộ Kerry (viết tắt là AOK), do chị của Kerry, bà Diana Kerry làm chủ tịch. Bà này cũng liên tục có những chuyến công du con thoi tới châu Âu, châu Mỹ Latinh và Canada để lôi kéo cử tri cho em trai mình.
Rất nhiều người Mỹ ở nước ngoài cho biết, cuộc chiến phủ đầu ở Iraq, việc đứng ngoài Nghị định thư Kyoto và Tòa án Tội phạm Quốc tế là các lý do khiến họ quyết định thay đổi thói quen thờ ơ với bầu cử Tổng thống lâu nay. Claire Taylor, một công dân Mỹ sống ở Hà lan đã gần 20 năm, là một ví dụ điển hình. Đây là lần đầu tiên Claire đi bỏ phiếu để lựa chọn ra người mà bà cho rằng có thể đảm nhận tốt chức vụ Tổng thống Mỹ. Claire còn tham gia sáng lập ra chương trình bỏ phiếu trên Internet mang tên Hãy nhắc người Mỹ đi bỏ phiếu viết bằng 13 thứ tiếng và nhận được đăng ký tham gia bỏ phiếu của hơn 50 người mỗi ngày.
Ở Tây Ban Nha, khoảng 100.000 cử tri Mỹ cũng đang dõi theo từng sự kiện trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Đại sứ quán Mỹ ở nước này hôm nay sẽ mở tiệc tại một khách sạn liền kề để chào mừng cuộc bầu cử. Trong khi đó, một đoàn đại biểu Tây Ban Nha thuộc AOK đã mời những người ủng hộ Kerry tới liên hoan tại một nhà hàng ở thủ đô Madrid.
(Thanh Hảo - Tổng hợp)