Tường thuật của PV VietNamNet: Nước Mỹ hồi hộp
02:15' 03/11/2004 (GMT+7)

“So close” – quá sít sao giữa 2 ứng cử viên tổng thống. "Torn between candidates" - sự giằng xé của cử tri trước ứng cử viên… đó là những cụm từ xuất hiện trên mà báo chí và câu nói cửa miệng của những người Mỹ mà phóng viên VietNamNet hiện có mặt tại bang California có dịp trao đổi sáng sớm hôm nay (2/11, giờ miền Tây nước Mỹ).
>>Toàn cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

 

Tại một điểm kiểm phiếu.

“Chúng tôi hồi hộp bởi ai là Tổng thống sẽ ảnh hưởng rất trực tiếp đến cuộc sống của chúng tôi, công việc của chúng tôi, tốt hơn hoặc xâu đi” - một người lái taxi ở điểm du lịch cầu Đỏ, Cổng Vàng của thành phố San Francisco nói. Và đến hết đêm nay, sáng mai (3/11) người Mỹ thức dậy có thể sẽ biết được ai là Tổng thống mới của họ từ ngày 20/1 tới.

“Không một ai có thể dự đoán được kết quả cuộc bầu cử này, mặc dù Tổng thống Bush đang có vẻ nhiều thế mạnh hơn TNS Kerry” -  giáo sư Margaret O’Mara của Đại học Stanford nhận định với chúng tôi chiều qua, 1/11.

Là người nghiên cứu sâu về nền chính trị Mỹ, giáo sư O’Mara nhìn nhận mọi thứ đang thay đổi rất nhanh, từ quan điểm của cử tri đến xu hướng chính trị của các tiểu bang, trong đó vai trò của cử tri trẻ và người Mỹ nhập cư ngày càng có vai trò hơn trong đời sống chính trị Mỹ. Chính vì vậy, khó có thể đưa ra một dự đoán nào, mọi người chỉ còn cách chờ đợi trong hồi hộp.


Giáo sư Margaret O’Mara của Đại học Stanford.

Tại San Francisco Bang Califonia, một bang lớn mà giờ kết thúc bỏ phiếu sẽ gần như muộn nhất so với các bang khác, không khí chuẩn bị cho “big day” đã nóng bỏng từ nhiều ngày nay. Và San Francisco thức dậy sáng nay dường như sớm hơm, bởi những công dân của thành phố này có vẻ như cũng không muốn chậm trễ hơn những cử tri miền Đông, nơi ngày bầu cử đã bắt đầu trước đó vài giờ. Bầu không khí ấy được hâm nóng từng phút bởi hệ thống truyền thông Mỹ đang làm ngập mọi căn phòng bằng luồng thác lũ thông tin được cập nhật từng phút từ khắp các tiểu bang của nước Mỹ.

 

Không khí tranh cử in dấu ấn ở khắp nơi, các trung tâm mua sắm, công sở và cả lễ hội của thành phố này. Thậm chí, trong lễ Halloween tối 31/10, hình ảnh của cả 2 ứng viên đều được sử dụng, tất nhiên theo phong cách… halloween. Qua các cuộc trao đổi và thăm dò bỏ túi của phóng viên VietNamNet, người Mỹ có nhiều lý do để tin rằng TNS Kerry sẽ giành được 55 phiếu của đại cử tri bang Califonia. 

 

Cuộc bầu cử xuất hiện trên trang nhất tất cả các báo.
Nhật báo Tin tức San Francisco vừa phát hành sáng nay nhận định: năm nay số cử tri Mỹ đi bầu Tổng thống có thể đạt mức kỷ lục từ trước tới nay, vì số cử tri trẻ mới đang ký bỏ phiếu tăng, và “nhiều cử tri muốn thay đổi tình hình đất nước hiện tại thông quá lá phiếu của mình”. Năm 2000 số cử tri bỏ phiếu là 105,3 triệu, năm 1996 là 96,2 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Số lượng cử tri bỏ phiếu lớn được dự đoán có thể sẽ dẫn đến những khó khăn cho quá trình kiểm phiếu, như mất thêm thời gian chẳng hạn. Thêm một điều hồi hộp nữa cho cuộc bầu cử tổng thống 2004.

 

Hệ thống truyền thông Mỹ những ngày này đang hoạt động hết công suất. Một đồng nghiệp của chúng tôi điện thoại từ Washington DC cho biết Trung tâm Báo chí quốc gia Mỹ tại Washington đang nóng bỏng với các nguồn thông tin từ khắp nơi đổ về. Kênh truyền hình CNN với sự hỗ trợ của những tập đoàn viễn thông lớn như AT&T đã tận dụng tất cả những phương tiện hiện đại nhất để cập nhật từng giây, từng phút và trực tiếp mọi diễn biến của ngày bầu cử. Mọi hãng truyền thông lớn của Mỹ hôm nay đều có phóng viên đưa tin trực tiếp từ bang Ohio, nơi được nhận định có thể sẽ là bang quyết định chiến thắng cho một trong 2 cứng cử viên.

 

Phóng viên An Biên tại San Francisco.

Gạn lọc trong các nguồn thác lũ thông tin sáng sớm nay, có thể thấy cử tri của bang trung dung và dao động này (swing state) đang nghiêng sự ủng hộ cho TNS Kerry. Năm 2000, cả nước Mỹ đã nhìn vào Florida. Năm nay, cả hai đảng Cộng hoà và Dân chủ đã chuẩn  bị sẵn đội ngũ luật sư đông đảo để sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý, nếu có. Đảng Dân chủ cho hay, họ đã có ít nhất 10.000 luật sư.

 

Đỉnh điểm của sự hồi hộp và bầu không khí nóng bỏng sẽ là các chương trình truyền hình tối nay, khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ được loan báo và những trục trặc hoặc tranh cãi xuất hiện.

 

Phóng viên VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin mới nhất.

  • An Biên (từ San Francisco, Califonia)
Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
" Diễn biến ngày bầu cử Mỹ từ 9g tối - 1g sáng (03/11/2004)
" Chùm ảnh đầu tiên về ngày bầu cử Mỹ (02/11/2004)
" Bush dẫn trước Kerry 1 điểm (02/11/2004)
" Đại cử tri và sự nghiệt ngã của nguyên tắc Winner-take-all (02/11/2004)
" Bom xe rung chuyển Baghdad, 5 người chết (02/11/2004)
" Giữa đơn phương và đa phương (02/11/2004)
" Chính trường phân cực, xã hội phân rẽ (02/11/2004)
" Phát hiện xác nữ binh sĩ Anh đầu tiên chết ở Iraq (02/11/2004)
" Tổng thống Pakistan tiếp tục chức vụ tới năm 2007 (02/11/2004)
" Chùm ảnh trước giờ G (02/11/2004)
" Cử tri Mỹ ở nước ngoài có làm nên khác biệt? (02/11/2004)
" Nỗi ám ảnh mang tên Florida (02/11/2004)
" Milosevic giành được quyền tự bào chữa (01/11/2004)
" Một thiếu tướng không quân Nga bị ám sát (01/11/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang