Chẳng phải ngẫu nhiên khi hai nhân vật mới được chỉ định trong nội các nhiệm kỳ hai của ông Bush chính là những người đầu tiên ông nêu tên hồi năm 2000. Condoleezza Rice và Alberto Gonzales đã nằm trong danh sách nội các của George W. Bush chưa đầy 1 tuần sau khi cuộc bỏ phiếu lại tại Florida bị hoãn. Rồi cả hai được chỉ định sau khi ông Bush công bố nhân sự đầu tiên - sự trở lại của Colin Powell với cương vị là Ngoại trưởng Mỹ.
Bốn năm sau đó, đã một trình tự tương tự như vậy lại diễn ra, không thể do "nhầm lẫn". Đầu tiên là những dàn dựng xung quanh Powell. Vị tướng 4 sao về hưu từng được Bush "lựa chọn" khá cẩn thận hồi năm 2000 dù không nằm trong thành phần phụ tá của Thống đốc bang Texas như Rice hay Gonzales. Vai trò của Powell hồi đó chẳng khác gì phủ một tấm màn mờ ảo xung quanh vị tân Tổng thống của nước Mỹ. Việc trao cho ông trọng trách đối ngoại, giống như sự xuất hiện của Dick Cheney trong liên danh đầu năm 2000 là nhằm trấn an dư luận rằng một vị thống đốc hiếm khi được đi đây đó có thể trở thành người lãnh đạo thế giới tự do.
Rồi thời kỳ "tìm hiểu" Powell kết thúc đúng vào thời điểm George W. Bush nhậm chức. Powell từng tưởng tượng ông sẽ làm phụ tá cho một vị Tổng thống thiếu kinh nghiệm, người lên nắm quyền trong một thế giới phức tạp. Song ông đã lầm. Một tuần tháng 3/2001, Powell tuyên bố chính sách của Mỹ đối với Iraq là tập trung tăng cường cấm vận vũ khí song nới lỏng những hạn chế đối với cuộc sống của thường dân dưới chế độ Saddam. Những ngày sau đó, ông liên tục bị những nhân vật bảo thủ trong chính quyền chỉ trích, họ muốn biết lý do tại sao ông không có kế hoạch lật đổ Saddam. Và Powell lại đưa ra gợi ý: chính quyền mới nên tiếp tục chính sách can dự của cựu Tổng thống Bill Clinton đối với CHDCND Triều Tiên. Chỉ ngày hôm sau, đích thân Tổng thống Bush tuyên bố các cuộc hội đàm đã kết thúc và CHDCND Triều Tiên không thể tin tưởng được.
Chính trong thời gian này, Condi Rice tiến hành những bước đi đầu tiên tiến vào chính trường với tư cách là cố vấn an ninh quốc gia ủng hộ một chính sách đối ngoại "không thoả hiệp" với các đồng minh của Mỹ. Tại một cuộc họp giữa các đại sứ EU, bà Rice tuyên bố rằng Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính không có tác dụng. Kiểu nói chuyện thẳng thừng này không hề mang tính ngoại giao dù cho thoả thuận Kyoto thực sự không có tác dụng gì với Mỹ. Những lời bình luận đó đã tạo ra một thái độ phản kháng ở bên kia bờ Đại Tây Dương và sự phản kháng càng mạnh mẽ hơn khi Rice cùng Bush bắt đầu lên kế hoạch tấn công Iraq.
Sự tương phản trong phong cách giữa Powell và Rice trên thực tế chỉ ở bề ngoài. Nó không có nghĩa rằng Powell không thể "thẳng thừng" hay Rice không thể "hấp dẫn". Ngược lại. Powell có thể đả kích những người bạn "khi vui thì vỗ tay vào" kiểu Dominique de Villepin - Ngoại trưởng Pháp trong thời gian sắp diễn ra cuộc chiến Iraq và Rice có thể rất "duyên dáng" và nổi bật hơn cả những người châu Âu thận trọng nhất khi bà kêu gọi họ hàn gắn với Mỹ trong một hội nghị tại London tháng 6/2003. Trên tất cả, Powell và Rice hợp tác khá chặt chẽ cả trước và sau cuộc tấn công Iraq. Mối quan hệ của họ, theo miêu tả của ông Powell, khá "ấm ám và vui vẻ". Rice cũng rất chân thật khi tán dương Powell tại Nhà Trắng hôm 16/11 vừa qua: "Ông ấy là một lãnh đạo rất biết cách truyền lửa tại Bộ Ngoại giao. Thật e ngại khi phải tưởng tượng tôi sẽ kế nhiệm người bạn thân và người thầy của tôi - Colin Powell".
Ngay cả khi Rice không có sự "hấp dẫn" và tầm vóc như Powell, bà vẫn sở hữu một thứ rất lợi hại: đó là cái tai của Tổng thống. Trong hai năm qua, khi Powell càng lúc càng "xa" với Nhà Trắng, uy tín của ông tại một số chính phủ cũng bị suy yếu nghiêm trọng. Có thể ông được ngưỡng mộ, song các ngoại trưởng hiểu rằng ông chỉ đang lên tiếng cho một phe phái trong chính quyền Bush - một nhóm người thường thất bại trong các cuộc tranh cãi nội bộ liên quan tới chính sách đối ngoại.
Rice thì không gặp phải những vấn đề rắc rối và cũng không có được những lợi thế như vậy. Là nhân vật chủ yếu trong chính quyền lên tiếng chỉ trích các chính sách của Tổng thống, Powell được lòng nhiều lãnh đạo nước ngoài - nhất là những người vốn không thích các kế hoạch của ông Bush. Song, tài ngoại giao không đem lại nhiều hiệu quả. Lấy ví dụ cuộc xung đột Israel - Palestine, cuộc khủng hoảng cấp bách nhất đối mặt với chính quyền Bush sau vấn đề Iraq. Qua một vài lần cố gắng thuyết phục các lãnh đạo hai bên, cái mà Powell đạt được chỉ là: hai bên vẫn quyết tâm tiếp tục xung đột. Ngược lại, Rice đã làm việc khá chặt chẽ với Dov Weisglass - cố vấn cao cấp của Thủ tướng Israel Sharon trong khi người Israel thì bám chặt lấy sự đồng tình của Mỹ với kế hoạch rút khỏi Gaza và sáp nhập một số vùng tại Bờ Tây. Hiện người ta còn đang công khai tranh luận về việc liệu các nước trên thế giới có đồng ý với kế hoạch của Sharon hay không. Song một điều không thể nghi ngờ là Rice đã xuất hiện từ khi kế hoạch này được đưa ra và sẽ tiếp tục hiện diện với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ để chứng kiến kế hoạch này đi vào thực tế trong năm tới.
Theo phân tích của một số chuyên gia, Rice là "chú diều hâu theo phái bảo thủ mới" nếu chỉ nhìn cách bà can thiệp vào kế hoạch Gaza của ông Sharon. Tuy nhiên, cách lý giải đó không hề phù hợp nếu xét lại việc bà ủng hộ ông Powell thời điểm sắp diễn ra cuộc chiến Iraq và cũng không phù hợp khi nhìn vào việc bà ủng hộ mở các kênh ngoại giao với Iran và CHDCND Triều Tiên.
Trên thực tế, sự tương phản lớn nhất giữa Rice và Powell chính là việc họ sử dụng các kỹ năng chính trị. Powell thì khai thác sự "quyến rũ" của mình trước các quan chức ngoại giao nước ngoài song lại hiếm khi có thể đi nước ngoài vì theo ông nói, ông cần phải ở lại Washington để "củng cố hậu phương" của mình. Còn Rice không cần phải bận tâm về việc này. Và trong khi Powell không được chọn để tham gia chiến dịch tái tranh cử của ông Bush thì Rice lại dành thời gian của bà tới các bang trọng điểm. Nhưng chưa biết cái bà giành được lớn hơn Powell như thế nào, bà sẽ gặp nhiều kho khăn khi muốn có được một uy tín giống Powell, cả trong Bộ Ngoại giao và ở nước ngoài. Cái bóng của người bạn thân, cũng là người thầy có lẽ sẽ đeo đẳng Condi trong một thời gian dài.
-
Tân Huyền - (Tổng hợp)