221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
549772
Châu Âu chống lại sự xâm lăng của tiếng Anh
1
Article
null
Châu Âu chống lại sự xâm lăng của tiếng Anh
,
Soạn: AM 208332 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Bản đồ châu Âu

Tiếng Anh đang tung hoành khắp châu Âu, phủ bóng lên các ngôn ngữ truyền thống ở đây như tiếng Moliere, Cervantes hay tiếng Đức. Ngôn ngữ từ đảo quốc sương mù cũng đang thống trị các lĩnh vực công nghệ và kinh doanh ở đây.

Nhưng điều các nhà dân tộc học, thậm chí là các chính trị gia, hết sức lo lắng là sự lai tạp không cưỡng lại được giữa tiếng bản địa với tiếng Anh. Đâu đó thường xuyên xuất hiện những "từ mới" như "surfen", "downloaden", "Spanglish", "emailear", "looke" hay "le week-end" và vô số những từ kiểu Đức gốc Anh hoặc kiểu Pháp gốc Anh.

Dường như chỉ có các nhà ngôn ngữ học tỏ ra thích thú với sự pha trộn ngôn ngữ này. Họ cho đó là xu hướng tất yếu, giúp đa dạng hoá ngôn ngữ đồng thời hỗ trợ giao tiếp và hội nhập quốc tế. Một chuyên gia ngôn ngữ giảng dạy tại Đại học Bangor ở Xứ Wales có tên là David Crystal nhận xét: "Thế giới cần một ngôn ngữ chung và hiện tại tiếng Anh có thể đảm nhận nhiệm vụ đó"

Những nguyên nhân thú vị

David Crystal cho rằng nguyên nhân chính của việc tiếng Anh lấn át các ngôn ngữ khác là về nguồn gốc của nó. Theo ông, thứ tiếng này đã vay mượn từ vựng từ hơn 350 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới trong vòng một ngàn năm qua. Ông thống kê rằng tiếng Pháp được vay mượn nhiều nhất, kể từ thời Trung Cổ, với hơn 60.000 từ vựng. Sau đó là tiếng Latin, Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha. Điều này tạo cơ hội rộng mở cho thành công của tiếng Anh trong thời đại ngày nay. 

"Đọc các tác phẩm của Shakespeare có thể thấy ông dùng nhiều từ ngữ địa phương của Đức, Pháp và Latin để miêu tả rõ nét hơn tính cách của từng nhân vật khác nhau",  Crystal chia sẻ khám phá của mình.

Ngoài ra, sự lên ngôi của nhạc Pop, Rock, Rap cũng như nhiều thể loại nhạc trẻ khác cũng là một nguyên nhân quan trọng. Hầu hết các tác phẩm nhạc ở những thể loại này đều dùng tiếng Anh để viết lời. "Ngay cả Claude Simonet, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Pháp, cũng từng chọn bài hát tiếng Anh "Can You Feel It" để làm bài hát chính thức cho đội tuyển bóng đá quốc gia", Crystal nêu ví dụ.

Cũng cần nhắc lại các nguyên nhân lịch sử có tác động tới thành công của tiếng Anh. Đó là việc người Anh chiếm lĩnh và thống trị nhiều vùng đất trên thế giới trước kia, hay cũng chính họ tạo nên Cách mạng công nghiệp lần đầu tiên.

Thêm vào đó, trong bối cảnh hội nhập ngày nay, chỉ cần một phần nhỏ trong số hơn một tỷ người dân Ấn Độ ra ngoài giao thương cũng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát tán của tiếng Anh . Ấn Độ không phải là nước duy nhất trên thế giới coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong giao tiếp và sinh hoạt hành chính.

Họ đang chống lại tiếng Anh như thế nào?

Nhưng không phải ai cũng cảm thấy thú vị với xu hướng Anh hoá tiếng bản địa như chuyên gia ngôn ngữ Crystal. Hầu hết các nước châu Âu đều cảm thấy đó là một mối lo. Nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội đã bày tỏ sự phản đối "cuộc xâm lăng" của tiếng Anh đối với tiếng bản địa của mình và đang tìm cách khắc phục.

Đệ nhất phu nhân Tổng thống Nga, bà Lyudmilla Putin là một trong những người như vậy. Bà kiên quyết tìm cách giữ gìn bản sắc riêng của tiếng Nga trước sức vươn mạnh mẽ của tiếng Anh kể từ sau khi nước Nga Xô-viết sụp đổ. Bà đang vận động Quốc hội thông qua một văn bản luật quy định những từ lai Anh đang thông dụng hiện nay là sai chính tả và không được công nhận trong các văn bản pháp lý và kinh doanh trên toàn quốc.

Còn ở đất nước đa ngôn ngữ Thuỵ Sỹ, một tổ chức có tên "Bảo vệ tiếng Pháp" đã được thành lập nhằm giữ gìn sự thuần khiết của tiếng Pháp - ngôn ngữ chính thức ở đây. Theo họ, bốn ngôn ngữ (tiếng Pháp, Anh, Đức và Ý) dùng ở đất nước này đã là quá đủ, không cần "tạo thêm" ngôn ngữ nào nữa.

Ở Pháp, dù rất nỗ lực khuyếch trương tiếng Pháp thông qua tổ chức Francophonie và nhiều hình thức hợp tác văn hoá khác, Tổng thống Jacques Chirac vẫn tuyên bố chắc nịch: "Không gì tệ hơn cho nhân loại là chỉ có mỗi một ngôn ngữ để dùng". Cơ quan văn hoá nước này lại chủ động tấn công tiếng Anh bằng cách phát động cuộc thi "Pháp hoá tiếng Anh"! Giải thưởng đã được trao đều đặn từ nhiều năm qua.

Người Đức có vẻ bảo thủ hơn trong vấn đề ngôn ngữ, do đó tiếng Đức ít bị lai hơn. Thường thì thanh niên Đức chỉ dùng một vài từ tiếng Anh nói theo kiểu tiếng lóng! Hầu hết họ đều bảo vệ tiếng Đức bằng cách tỏ ra khó chịu khi có ai đó nói chuyện với mình bằng cách chêm một vài từ tiếng Anh, cho dù đó là những từ cự kỳ thông dụng như "Happy birthday".

Trong khi đó, một số trường học ở Bỉ và Lucxembourg đã áp dụng cách dạy ngôn ngữ mới nhằm tránh sự pha trộn giữa tiếng Anh với tiếng Pháp - ngôn ngữ chính thức dùng ở đây - theo thứ tự: dạy tiếng Pháp cho học sinh từ năm 9 tuổi, hai năm sau bắt đầu học thêm tiếng Đức hoặc Ý, sau đó nếu có nhu cầu thì mới học thêm tiếng Anh.

Nhưng một khi tiếng Anh thể hiện được quá nhiều lợi thế như hiện nay, liệu các nước châu Âu có chống được sự pha trộn ngôn ngữ hay không quả là một vấn đề hóc búa.

(NHQ - Theo Bloomberg, Herald Tribune)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,