Chẳng phải tài chính, cũng chẳng phải công nghệ mà chính là nạn đói nghèo và sự chia rẽ về văn hóa, chính trị là những rào cản lớn trong việc thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm giúp cứu sống hàng nghìn nạn nhân của "sát thủ" sóng thần ở châu Á.
Nhiều chuyên gia và giới chức trách hôm qua đã đưa ra kết luận như vậy.
Những con sóng khổng lồ đã liếm sạch các ngôi làng dọc bờ biển ở Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka, cướp đi sinh mạng của 23.300 người. Các nhà địa chấn học của Mỹ theo dõi sóng thần cho biết họ không có cách nào để cảnh báo cho chính phủ các nước về hiểm họa này.
Đợt sóng thần đó là kết quả của trận động đất mạnh nhất trong lịch sử thế giới 40 năm qua. Trận động đất này làm rung chuyển bờ biển Indonesia chỉ một giờ trước khi tạo ra những con sóng kinh hoàng tấn công một số nước Nam Á, Đông Nam Á và cả Đông châu Phi. Các quan chức Mỹ đã cố gắng nhưng không hề có một hệ thống cảnh báo chính thức nào trong khu vực này.
6 "máy đo sóng thần" nằm dọc bờ Thái Bình Dương, một gần Chile và 14 máy khác được rải ngoài khơi bờ biển Nhật Bản chuyên cung cấp dữ liệu cho Trung tâm Cảnh báo Sóng thân Thái Bình Dương của Mỹ đặt ở Hawaii và Alaska. Các nhà khoa học đã muốn đặt thêm hai máy nữa trong khu vực Ấn Độ Dương, trong đó có một máy ở gần Indonesia như một hệ thống cảnh báo trên toàn cầu. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được hỗ trợ về tài chính, Eddie Bernard, giám đốc Phòng thí nghiệm Môi trường biển Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia ở Seattle cho hay. Mỗi một máy đo sóng thần giá 250.000 USD và mất khoảng một tháng để xây dựng, theo Bernard.
Sóng thần tấn công vùng Penang (Malaysia) |
Sơ tán người dân khỏi hiểm họa
Hilton Root, một thành viên cao cấp trong Viện Milken và từng là đại diện của Mỹ ở Ngân hàng Phát triển châu Á, cho rằng, nghèo đói và bất ổn trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt sóng thần vừa qua có thể là rào chắn lớn nhất trong việc thực thi phần việc chủ yếu nhất của một hệ thống cảnh báo sớm: Sơ tán người dân khỏi nguy hiểm. "Đó là các quốc gia ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau và họ không tin tưởng các quốc gia khác vì các lý do chính trị", Root nói.
"Họ vừa mới bắt đầu dỡ bỏ các rào chắn thương mại và vì vậy, đây là một khu vực mà căng thẳng chính trị dễ dàng gia tăng còn hợp tác chưa bao giờ là điều dễ dàng". Tuy nhiên, số người chết lên tới 23.000 người vừa qua có thể sẽ "là một lời thức tỉnh đối với những ai cần phải nghĩ lại về các rủi ro trong khu vực và bắt tay vào làm một điều gì đó cho vấn đề này", trích lời Root.
Ngược lại, các quốc gia giàu có ở ven Thái Bình Dương đã trang bị các hệ thống cảnh báo công nghệ cao và trải rộng. Điển hình là Nhật Bản, nước này có một mạng máy cảm biến hoạt động rất hiệu quả, ghi lại các dữ liệu địa chấn rồi cung cấp thông tin về một trung tâm quốc gia. Trung tâm này sẽ ban hành lời cảnh báo di tản trong vòng vài phút trước khi động đất xảy ra. California (Mỹ) gần đây cũng đưa vào hoạt động một trung tâm điện tử cảnh báo công dân và nhân viên cứu hộ thông qua email và máy nhắn tin, Sheryl Tankersley thuộc Văn phòng Các dịch vụ khẩn cấp, cho biết.
(Thanh Hảo - Theo Reuters, AP, AFP)