221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
560874
10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2004
1
Article
null
10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2004
,

Năm 2004 đã qua, một năm nhìn lại thế giới trải biết bao diễn biến, VietNamNet xin giới thiệu với độc giả 10 sự kiện quốc tế tiêu biểu của năm.

1. Mỹ gặp khủng hoảng tại Iraq: Một năm kể từ khi phát động tấn công Iraq và lật đổ chế độ Saddam, quân đội Mỹ thực sự phải đương đầu với những khó khăn rất lớn tại Iraq. Đầu tiên là vụ scandal tra tấn và ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib khiến cả thế giới phẫn nộ. Tiếp đó là việc họ không tìm thấy vũ khí hủy diệt trong khi phải liên tục đối phó với các cuộc tấn công tự sát, bắt cóc và cắt cổ con tin nước ngoài của quân nổi dậy.
 
2
.
Nước Nga bên bờ vực thẳm của chủ nghĩa khủng bố: Chỉ trong vòng ít tuần lễ, các cuộc tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra trên nước Nga, lấy đi mạng sống của rất nhiều người vô tội. Bọn khủng bố đánh bom hai máy bay TU, nổ bom tự sát tại Moscow và thảm sát hàng trăm con tin, phần lớn là trẻ em tại Beslan.

3. Bush thắng lợi trong cuộc bầu cử kịch tính: Kết quả kiểm phiếu ngày 2/11 cho thấy, Tổng thống Mỹ G. W. Bush đã tái đắc cử sau khi đánh bại đối thủ nặng ký John Kerry ở cuộc đua dài và tốn kém nhất trong lịch sử. Đa số cử tri Hoa Kỳ tín nhiệm ông Bush cho dù ông này đã đưa nước Mỹ vào những cuộc chiến tốn kém về người và của như chống khủng bố, các cuộc chiến tranh Afghanistan, Iraq và khiến nước Mỹ rơi vào tình trạng cô lập ngoại giao.

4. Động đất và sóng thần tại châu Á: Một trận động đất dữ dội nhất thế giới trong vòng 40 năm qua có cường độ 8,9 độ Richter đã tạo nên những cơn sóng thần có sức tàn phá và huỷ diệt không thể tưởng tượng nổi cướp đi sinh mạng của hàng vạn người và gây thiệt hại hàng chục tỷ đô la. Du khách, ngư dân cùng với nhà cửa, xe cộ đã bị cuốn trôi trong chốc lát bởi những cột nước khổng lồ bên bờ Ấn Độ Dương.

5. Tổng thống Arafat qua đời: Ngày 11/11, Tổng thống Yasser Arafat của Palestine đã qua đời ở quân y viện Percy của Pháp, thọ 75 tuổi. Được coi là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của người Palestine, ông Arafat đã để lại một hoài bão, một khát vọng về một nhà nước Palestine độc lập.

6. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine: không công nhận chiến thắng thuộc về đương kim Thủ tướng Viktor Yanukovych như tuyên bố của Ủy ban bầu cử Trung ương, lãnh đạo phe đối lập ở Ukraine cáo buộc chính phủ gian lận, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ trên toàn đất nước đóng cửa các nhà máy, trường học và ngưng hoạt động giao thông vận tải. Đất nước Liên Xô cũ này rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng. Trước sức ép từ phương Tây và ngay chính trong nước, Ukraine phải tổ chức bầu cử lại.

7. EU đã có 25 thành viên: EU kết nạp thêm 10 thành viên mới tạo ra một Liên minh châu Âu rộng lớn với 25 thành viên. Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Romano Prodi đã từng nói: "Hôm nay có thể coi là ngày Bức tường Berlin bị phá sập. Chúng ta mở rộng vòng tay đón chào 75 triệu công dân châu Âu mới". Ngoài những thuận lợi, một châu Âu mở rộng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

8. Khủng hoảng nhân đạo tại Darfur: Theo LHQ, khủng hoảng nhân đạo tại Darfur, Sudan đang trở nên tồi tệ nhất thế giới với ít nhất hai triệu người là nạn nhân của các cuộc xung đột cũng như đã giết chết ít nhất 70.000 người. Hiện tại, dư luận quốc tế đang lo ngại cho số phận của hàng ngàn người tị nạn sau khi trại tị nạn El Geer mới bị quân đội Sudan phá hủy.
 
9. Giá dầu thô tăng kỷ lục:
  Sáng 14/10, giá dầu thô vọt lên trên ngưỡng 54 USD/thùng do vụ nổ đường ống dẫn dầu ở Mexico. Kể từ đầu năm 2004 đến thời điểm đó, giá dầu thô trên thị trường đã tăng trên 60%. Giới đầu tư hết sức lo lắng trước tình trạng nguồn cung giảm do lượng dầu dự trữ của Mỹ sụt xuống thấp, tình trạng công dân dầu khí đình công tại Nigieria, tình hình bất ổn tại Iraq, Ảrập Xêut và số phận chưa được phán quyết của gã dầu mỏ khổng lồ Nga Yukos...Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của thế giới (dẫn đầu là Trung Quốc và Mỹ) vẫn không ngừng gia tăng mạnh. Trước tình trạng giá dầu tăng cao kỷ lục, không ít quốc gia trên thế giới đã phải điều chỉnh lại mức tăng trưởng kinh tế dự báo hồi đầu năm.
10. Đánh bom tàu tại Madrid: hàng loạt vụ đánh bom đường sắt đã xảy ra tại Thủ đô Tây Ban Nha Madrid khiến 191 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Trong sự thất vọng, phẫn uất và ám ảnh bởi vụ khủng bố này, cử tri Tây Ban Nha đã quay lưng lại với Đảng Nhân dân cầm quyền và dồn phiếu cho Đảng Xã hội. Theo các cử tri, với việc ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến Iraq, chính quyền đã biến đất nước thành mục tiêu của al Qaeda.
  • Ban quốc tế VietNamNet

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,