Chính phủ Nepal cho biết nước này sẽ không xây dựng lại một nền dân chủ đa đảng và không tổ chức bầu cử cho đến khi nào tiêu diệt hết phiến quân.
Cảnh sát Nepal đang đảm bảo an ninh tại một khu vui chơi ở Kathmandu. |
Ngày 1/2, Quốc vương Gyanendra ra quyết định giải tán chính phủ liên minh của Thủ tướng Sher Bahadur Deuba, tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và trấn áp tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Người đứng đầu Hoàng gia Nepal cho hay, ông phải nắm quyền trực tiếp vì chính phủ không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ, đó là dập tắt phong trào nổi dậy của lực lượng chống đối. ''Một nội các mới sẽ được thành lập dưới sự lãnh đạo của tôi. Họ sẽ khôi phục hoà bình và dân chủ ở Nepal trong vòng 3 năm nữa''
Hôm qua, quân đội Nepal cam kết sẽ nghiền nát lực lượng chống đối vốn đang cố gắng lật đổ nền quân chủ ở đất nước khuất nẻo thuộc dãy Himalaya này. Khi trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, một bộ trưởng cao cấp trong Nội các mới gồm 10 thành viên do Quốc vương Gyanendra chỉ định cho biết, bầu cử ở Nepal sẽ không được tổ chức cho đến chức nào tình hình an ninh được khôi phục.
"Sau khi phải trả một cái giá quá đắt, chúng tôi cũng đúc rút được nhiều bài học quý báu, rằng không khôi phục được trật tự và an ninh thì chúng tôi chẳng thể nào tổ chức bầu cử được", Bộ trưởng Ngoại giao Nepal Ramesh Nath Pandey nói.
Hiện Thủ tướng Sher Bahadur Deuba cùng một số nhà lãnh đạo khác hiện đang bị quản thúc tại gia. Các đảng chính trị ở Nepal cho biết họ dự định sẽ tổ chức biểu tình hòa bình chống lại quyết định trên của Quốc vương. Còn ở Geneva, Louise Arbour - Cao ủy phụ trách về nhân quyền của LHQ - hôm qua, phản đối kịch liệt lệnh bắt giữ nhằm vào các chính trị gia và thành viên công đoàn ở Nepal, đồng thời kêu gọi chấm dứt tình trạng "giam cầm độc đoán" này.
Khoảng 11.000 người Nepal chết kể từ khi lực lượng nổi dậy bắt đầu phong trào chống chính phủ của họ từ năm 1996. Bộ trưởng Pandey cho hay, ông tin rằng phải 3 năm nữa Nepal mới có thể đạt tới giai đoạn phù hợp cho sự quay trở lại của một nền dân chủ đa đảng. "Mối quan tâm của cộng đồng quốc tế hiện nay là về tương lai của một nền dân chủ đa đảng ở Nepal... Sự tận tụy của Quốc vương đối với nền dân chủ đa đảng là tuyệt đối. Tuy nhiên, nền dân chủ đa đảng ấy chưa thể trở lại đường ray chừng nào Nepal chưa dập tắt được lực lượng nổi dậy".
(Thanh Hảo - Theo BBC, Reuters)