Nguyên thủ một số nước và tổ chức đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ CHDCND Triều Tiên ngay sau khi nước này bất ngờ công khai thừa nhận có sở hữu vũ khí hạt nhân và không muốn tiếp tục đàm phán với Mỹ.
Nhà máy hạt nhân Yongbyon-1 ở CHDCND Triều Tiên. |
Cơ hội vẫn còn...
Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đã cố tình đào sâu hố ngăn cách và qua đó đã tự cô lập chính mình với thế giới. Trước đó, Bình Nhưỡng cho rằng lý do khiến họ hoãn tham gia vào các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của mình trong một ''thời gian không xác định' là do sự thù địch Mỹ dành cho họ.
Người phát ngôn nhà trắng Scott McClellan lên án tuyên bố của CHDCND Triều Tiên "rất huyênh hoang" song cũng bày tỏ hy vọng "Mỹ sẽ tìm được biện pháp ngoại giao thích hợp mà kết quả sẽ là một giải pháp hoà bình".
Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng để ngỏ cơ hội hoà bình cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Bà cho biết: "Thế giới để ngỏ cơ hội cho họ và cùng hy vọng rằng họ sẽ nắm lấy để thoát khỏi thế bế tắc".
Còn trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Anh Jack Straw thẳng thắn chỉ trích: "Tự tách khỏi lội trình chung đã vạch ra là sai lầm lớn của CHDCND Triều Tiên".
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết việc hoãn lại các cuộc đàm phán "là một điều hết sức đáng tiếc". Cùng một quan điểm với Nga là Hàn Quốc, khi họ bày tỏ "sự lo ngại sâu sắc và thấy hết sức đáng tiếc" cho động thái mới nhất của CHDCND Triều Tiên.
Trên cương vị người đứng đầu tổ chức lớn nhất thế giới, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan lên tiếng khuyến khích các nước cố gắng tìm cách tiếp cận và thuyết phục CHDCND Triều Tiên sớm trở lại bàn đàm phán.
"Tôi đề nghị các nước tiếp xúc và thuyết phục CHDCND Triều Tiên để đưa họ quay lại với các cuộc đàm phán hãy còn dang dở", ông nói trong cuộc họp báo cùng Ngoại trưởng Anh Jack Straw.
Quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên ngày càng căng thẳng
Cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bùng phát kể từ tháng 10/2002 khi Mỹ cáo buộc CHDCND Triều Tiên phát triển chương trình làm giàu uranium bất hợp pháp. Washington và Bình Nhưỡng đã tham gia 2 vòng đàm phán cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nói trên không đạt được nhiều tiến triển đáng kể nào.
Quân đội CHDCND Triều Tiên đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. |
Quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên vốn đã căng thẳng lại càng thêm gay gắt trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ George Bush được phát đi rộng rãi, trong đó có nhiều điểm chỉ trích chính sách của CHDCND Triều Tiên và một số quan chức cấp cao nước này.
''Ý định của Chính quyền Bush trong nhiệm kỳ hai nhằm gây thù địch, cô lập và kiềm toả CHDCND Triều Tiên bằng mọi giá càng ngày càng trở nên rõ rệt...Chẳng có lý do gì chúng tôi tham gia vào vòng đàm phán 6 bên một lần nữa'', Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên hôm qua đã ra tuyên bố như vậy.
(NHQ - Theo Reuters, AP)