Trong lúc chính phủ Lebanon yêu cầu 3 ngày quốc tang cho Rafid al-Hariri, các chính trị gia thuộc phe đối lập trong nước kêu gọi 3 ngày tổng đình công buộc chính phủ từ chức.
Cựu Thủ tướng al-Hariri. |
Lãnh đạo phe đối lập chống Syria tại Lebanon cũng yêu cầu quân đội Syria phải ngay lập tức rút khỏi nước này. "Chúng tôi yêu cầu chính phủ Lebanon và Syria, hai thế lực đứng sau vụ sát hại phải chịu trách nhiệm cho tội ác của họ", nghị sĩ Basim Sabah phát biểu sau cuộc họp của nhóm đối lập tại ngôi nhà của cựu Thủ tướng al-Hariri tại Beirut. "Chúng tôi yêu cầu chính phủ Lebanon phải từ chức và thành lập một chính phủ biết lo cho dân", ông Sabah nhấn mạnh.
Theo ông Sabah, Syria nên rút 14.000 quân khỏi Lebanon trước khi diễn ra các cuộc bầu cử nghị viện vài tháng tới.
Syria phải chịu trách nhiệm
Cựu thủ tướng Michel Aoun, một lãnh đạo lưu vong của Lebanon đã cực lực chỉ trích Syria. "Họ phải chịu trách nhiệm. Chính họ là kẻ kiểm soát an ninh và các cơ quan tình báo tại Beirut".
Tuy nhiên, Tổng thống Syria Bashar al-Asad chỉ coi vụ sát hại là một hành động tội ác và kêu gọi đoàn kết với "người anh em Lebanon trong hoàn cảnh nguy kịch này". Ông kêu gọi người Lebanon "tăng cường tình đoàn kết dân tộc và chống lại mọi thế lực âm mưu gây bạo loạn và gieo rắc sự chia rẽ".
Về phần mình, Tổng thống Lebanon Emile Lahud cho rằng đối thủ chính trị của ông đã chết "như người hùng vì một nước Lebanon thống nhất". Ông cũng yêu cầu tiến hành 3 ngày quốc tang cho al-Hariri.
Israel rất "đáng nghi"
Trong lúc này, đồng minh chủ yếu của Syria tại Trung Đông đã bày tỏ mối quan ngại về một sự rạn nứt và đặt nghi vấn cho Israel.
"Một cơ cấu khủng bố có tổ chức như chế độ Do Thái hoàn toàn có khả năng gây ra vụ sát hại như vậy nhằm phá hoại sự thống nhất của Lebanon", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Hamid Reza Asefi phát biểu trên hãng thông tấn IRNA.
Còn quân đội Lebanon thì tuyên bố lệnh tổng điều động binh sĩ nhằm bảo toàn sự ổn định trong nước, yêu cầu những binh lính Lebanon đang nghỉ phép quay về đơn vị và triển khai quân đội tại khu vực Beirut cũng như các vùng lân cận.
Nội các Ảrập Xê út thì gửi tới Lebanon lời chia buồn sâu sắc đồng thời khẳng định lập trường phản đối mọi hành động khủng bố nhằm vào người vô tội.
Ảrập Xêút thì liên quan gì?
Phe đối lập Lebanon yêu cầu chính phủ từ chức. |
Hoàng thân Talah bin Abd al-Aziz, anh cùng cha khác mẹ với Quốc vương Ảrập Xêút đã tỏ thái độ nghi ngờ về sự tồn tại của nhóm vũ trang nhận trách nhiệm cho vụ đánh bom.
Trong một cuộn băng video phát trên kênh truyền hình al-Jazeera, một nhóm tự xưng là al-Nasr wa al-Jihad fi Bilad al-Sham (có nghĩa là Chiến thắng và Thánh chiến tại Palestine, Jordan, Lebanon và Syria) đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Nhóm này cho hay họ đã tấn công đoàn xe hộ tống ông al-Hariri vì quan hệ của ông với các quan chức Ảrập Xêút xong lại không đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố của mình.
"Tôi không tin rằng những gì phát trên truyền hình về nhóm vũ trang lạ mặt là chân thật. Ảrập Xêút thì liên quan gì tới vụ này?", Hoàng thân Talal nói. Theo ông Talah, nhóm vũ trang này chỉ là vỏ bọc để che đậy một nhóm khác. "Ai? Có chúa mới biết, song đó chỉ là vỏ bọc. Tôi đã yêu cầu nhà chức trách Lebanon không khước từ yêu cầu hợp lý này. Các anh em của chúng ta ở Lebanon không được đưa ra những cáo buộc vội vàng. Chúng ta phải đợi cộng đồng quốc tế thiết lập uỷ ban điều tra để vạch trần sự thật".
(Huyền Trang - Tổng hợp)