221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
581374
Cuộc hội ngộ của hai tâm hồn đồng điệu
1
Article
null
Hội nghị thượng đỉnh Bratislava:
Cuộc hội ngộ của hai tâm hồn đồng điệu
,

Tại cuộc gặp ở Bratislava, Slovakia ngày mai, Tổng thống NgaTổng thống Mỹ sẽ tái khẳng định mối quan hệ bạn hữu lâu nay và thận trọng khi đưa ra những tuyên bố "nhạy cảm".

Tổng thống Bush và Tổng thống Putin.

Sau lần gặp gần đây nhất tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, cả hai tỏ ra không mấy hài lòng về nhau, nguyên nhân chính là do những nhận định của ông Bush về giá trị đạo đức của nền dân chủ. Nhưng khi ông Putin giải thích dân chủ thực sự có nghĩa gì thì Tổng thống Mỹ lại chăm chú lắng nghe và không một lời châm chọc.

Dàn dựng bối cảnh

Trên thực tế, khi nhận định về chính sách đối nội của ông Putin, chính quyền Bush luôn có một "giới hạn", ngay cả khi Tổng thống Nga đưa ra ánh sáng vụ Yukos làm chấn động phương Tây. Có thể thấy rõ điều này trong thời điểm chạy đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái. Khi ấy, ứng viên đảng Dân chủ John Kerry bày tỏ quan ngại về tình hình dân chủ tại Nga nhưng George W. Bush lại tỏ ra khâm phục Vladimir Putin, người mà ông đánh giá là "phải đưa ra những quyết định khó khăn".

Khi hội nghị thượng đỉnh Bratislava đang gần kề, Washington đã nỗ lực dàn xếp một bối cảnh thuận lợi cho sự kiện này. Trả lời câu hỏi của hãng tin Interfax hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã "phá lệ" và làm dịu những khác biệt giữa Washington với Moscow. Nhưng chỉ cách đó chưa đầy một tháng, bà phát biểu trước Quốc hội Mỹ rằng tình trạng dân chủ tại Nga "rất đáng báo động".

Về phần mình, Tổng thống Bush đã cử phái viên riêng là cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger tới Moscow hai tuần trước hội nghị. Chẳng phải đã quá rõ ràng khi ông Bush đánh giá cao mối quan hệ với Tổng thống Nga. Nhưng tại sao lại vậy?

Hai tâm hồn đồng điệu

Tại cuộc gặp đầu tiên giữa hai người cách đây 4 năm rưỡi ở Ljubljana, thủ đô Slovenia, Tổng thống Bush đã nhìn thẳng vào đôi mắt xám lạnh lùng của Tổng thống Nga và dường như "có khả năng cảm nhận được tâm hồn ông". Kể từ khi đó, hai người luôn ra sức nhấn mạnh một nguyên tắc chung: "Bất kì ai không hợp tác với chúng ta đó là thuộc phe khủng bố".

Mặc dù ông Putin tuân thủ nguyên tắc này trong các chính sách đối nội, còn ông Bush áp dụng nó với chính sách đối ngoại, nhưng thật khó khi muốn tìm ra sự khác biệt căn bản về quan điểm chính trị giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng. Do vậy khi phương Tây phàn nàn về "sự bí mật" của Kremlin thì lập tức tờ New York Times lên tiếng rằng "giấu giếm" đã trở thành "đặc điểm nhận dạng" của chính quyền Bush.

Rồi khi báo chí phương Tây rêu rao rằng nghị viện Nga luôn nghe theo ông Putin, thì có thể thấy Quốc hội Mỹ cũng không có khả năng tranh luận và phái đa số tại Capitol Hill lại ngợi ca ông Bush. Khi phương Tây bất ngờ trước việc ông Putin sắp đặt người của mình vào ban quản trị các công ty nguyên liệu thô tại Nga thì nhìn lại, chính quyền Mỹ toàn bao gồm những nhân vật vật động hành lang đấu tranh vì quyền lợi của tập đoàn.

Lại có lúc báo chí phương Tây rùm beng rằng Phó Chánh văn phòng Tổng thống Nga Vladislav Surkov đã trở thành "nhà lý luận" mới của điện Kremlin. Song chẳng phải Bush đã âm thầm chỉ định cố vấn của ông là Karl Rove vào vị trí điều phối viên các chính sách của tổng thống hay sao?

Báo chí phương Tây lại chĩa mũi dùi vào mối quan hệ quá mức "thân thiết" giữa Nhà thờ chính thống Nga và điện Kremlin trong khi Bush dành hàng tỉ USD ngân sách hỗ trợ các hiệp hội Phúc Âm.

Tổng thống Nga và Mỹ ký thoả thuận tại Điện Kremlin tháng 5/2004.

Phương Tây chỉ trích Putin đã khuyến khích chủ nghĩa dân tộc Nga. Nhưng chính George W. Bush là người theo đuổi các chính sách dân tộc. Phương Tây tuyên bố điện Kremlin gây sức ép với ngành toà án. Nhưng chẳng phải Bush đã nêu rõ rằng ông không mấy hứng thú với quan điểm của Thượng viện trong việc đề cử các thẩm phán Toà án tối cao?

Phương Tây cáo buộc rằng tại Chechnya, nạn bắt cóc và hành hung rất phổ biến bất chấp làn sóng phản đối của những tổ chức nhân quyền. Nhưng cùng lúc đó, CIA và Lầu Năm Góc không hề phản hứng trước tình trạng ngược đãi tù nhân tại Guantanamo, nơi 500 tù nhân đang bị giam giữ mà không qua xét xử.

Cuối cùng, Tổng thống Bush tin chắc vào chiến thắng của nền dân chủ tại Iraq trong khi Putin tin vào sự tái ổn định tại Chechnya.

Khi tất cả những điểm này được đem ra đặt lên bàn cân, có thể thấy rõ rằng Putin là một đối tác lý tưởng của ông Bush. Có nhiều lý do để giải thích điều này. Thứ nhất, ông chủ điện Kremlin không bao giờ làm phiền lòng đối tác Mỹ vì những vấn đề không quan trọng. Theo cơ quan phụ trách thông tin báo chí Tổng thống Nga, phần lớn các cuộc điện đàm giữa ông Putin với các tổng thống nước ngoài đều diễn ra do sáng kiến của những người đó. Thứ hai, ông Putin không bao giờ yêu cầu Mỹ phải "ưu ái" mình giống như Tổng thống Ba Lan - người mà trong mỗi chuyến thăm Washington đều yêu cầu Bush cho phép người Ba Lan sang Mỹ không cần visa nhập cảnh. Thứ ba, Putin đã chứng tỏ rằng ông là một đồng minh đáng tin cậy trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông cam kết với Tổng thống Mỹ rằng sẽ cung cấp những thông tin tình báo cần thiết trong quá trình chuẩn bị chiến dịch Afghanistan và ông đã làm như vậy. Ông cam kết không chống lại sự hiện diện của Mỹ tại Trung Á và sự thật không không bao giờ phản đối người Mỹ tới đây. Ông cam kết không tấn công Grudia trong vấn đề Nam Ossetia và ông cũng thực hiện cam kết này. Ông cam kết không dính líu vào "cuộc cách mạng Cam" tại Ukrain và ông đã để cuộc cách mạng này diễn tiến theo đúng lẽ tự nhiên.

Đáp lại, điện Kremlin cũng nhận thấy Bush là đối tác "thuận lợi nhất", nhất là khi chính sách đối ngoại của Mỹ đã dẫn tới tình trạng giá dầu tăng ngất trời, tạo điều kiện cho Nga dễ dàng trả những khoản nợ nước ngoài, thiết lập quỹ dự trữ ngoại tệ và cải cách cơ cấu trong nước.

Thứ hai, Mỹ đã tạo ra một "vòng cung khủng hoảng" tại khu vực Trung Đông nhiều dầu mỏ. Kết quả là Nga đã giành được một ảnh hưởng lớn với tư cách nhà cung cấp nhiên liệu và năng lượng chủ yếu cho châu Âu và Trung Quốc.

Thứ ba, các chính sách mà ông Bush thực hiện đã tạo ra tình trạng đóng băng trong liên hệ chính trị giữa Mỹ và "Châu Âu cũ". Do đó, Moscow đã giành được nhiều cơ hội hơn khi thúc đẩy các hoạt động ngoại giao tại châu Âu.

Và cuối cùng, Bush không hề chỉ trích Moscow về vấn đề Chechnya. Chủ đề nhân quyền đã được dỡ khỏi chương trình nghị sự của tất cả những cuộc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ.

Tổ chức chính trị nước ngoài đầu tiên chúc mừng ông Bush giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hôm 2/11 là đảng Nước Nga Thống nhất. Đảng cầm quyền này không hề úp mở về sự hài lòng của họ với cách làm việc của Bush. Phái bảo thủ mới tại Mỹ trong khi đó lại tỏ ra thân thiết với những người bạn Nga.

Chừng nào chính quyền Bush tiếp tục tin vào cái gọi là "trục ma quỷ" và điện Kremlin tiếp tục vẽ ra "trục quyền lực" thì quan hệ Nga-Mỹ vẫn sẽ mang tính xây dựng bất chấp hai bên còn bất động trong một số vấn đề chính trị.

Những vấn đề ông Putin có thể hỏi Bush:

- Mỹ thực sự định làm gì với Iran? Liệu nhà máy điện hạt nhân tại Bushehr có trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công quân sự hay không?

- Ngài có bằng chứng nào về việc Syria chủ mưu sát hại Thủ tướng Lebanon Rafik Hariri?

- Thông tin rằng Mỹ đang bí mật hội đàm với Tổng thống Grudia Mikhail Saakashvili và Tổng thống Ukrain Viktor Yushchenko về dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ Caspian đi qua Ukrain có chính xác không?

Tổng thống Bush có thể hỏi ông Putin:

- Liệu Moscow có thể gây ảnh hưởng tới chính sách hạt nhân của Iran trong khi Paris, London và Berlin không mấy thành không trong nỗ lực này? Liên quan tới vấn đề này, kết quả chuyến thăm gần đây của phái viên Tổng thống Yevgeny Primakov tới Iran là gì?

- Liệu Tổng thống Nga có sẵn sàng đích thân khẳng định rằng Moscow sẽ không cung cấp tên lửa Iskander sang Syria?

- Liệu Nga có khẳng định sẽ sẵn sàng tham gia các kế hoạch chung trong lĩnh vực an ninh hạt nhân và hoá học?

- Chúng ta có thể hy vọng Mikhail Khodorkovsky được trả tự do vào tháng 5 không?

  • Tân Huyền - (Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,